Trồng tràm trên vùng đất bán ngập: Nhiều lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến Thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), mọi người không chỉ thích thú thưởng lãm cảnh quan công trình thủy điện trọng điểm quốc gia, mà còn thỏa thích ngắm cảnh, bơi thuyền, quay phim chụp hình, thư giãn trong khu rừng tràm bán ngập nước. Khu rừng này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, chủ đầu tư.

Năm 2013, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) xây dựng đề án khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu các giải pháp trồng rừng trên vùng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Ia Ly” giai đoạn 2013-2016, với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng; đồng thời phối hợp với UBND xã Ia Ly (nay là thị trấn Ia Ly) và Công ty Thủy điện Ia Ly thực hiện mô hình trồng thử nghiệm giống tràm Úc và giống tràm ta (tràm cừ) trên 4 ha đất bán ngập ven lòng hồ. Kết quả, tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%, phát triển xanh tốt quanh năm, góp phần chống xói mòn, tạo môi trường cho các loại thực vật, chim muông và thủy-hải sản phát triển; đồng thời tạo sinh kế cho người dân sinh sống ở nơi đây, xác định được phương thức trồng rừng tràm trong vùng đất bán ngập và phù hợp với tập quán canh tác của người dân ở ven hồ thủy điện Ia Ly như các mục tiêu của dự án đã đề ra, được các cơ quan, ban ngành đánh giá cao.

Một góc rừng tràm ven hồ thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh). Ảnh: Hoàng Cư

Một góc rừng tràm ven hồ thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh). Ảnh: Hoàng Cư

Đề án kết thúc vào năm 2016, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới đã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cho ông Trần Văn Hồng (tổ 1, thị trấn Ia Ly). Đến nay, các cây tràm đã có đường kính gốc 30 cm, cao khoảng 20 m. Trữ lượng gỗ đạt khoảng 280 m3/ha. Ông Hồng cho hay: “Nhiều người đến đây hỏi mua tràm để lấy lá chiết xuất tinh dầu, lấy cây làm cọc gia cố nền đất yếu, làm vật liệu xây dựng, nhưng tôi chưa bán. Khi cây tràm lớn, tôi khai thác dần dần, bán nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất giấy, các xưởng mộc đóng đồ gia dụng”.

Bà Hoàng Thị Lệ-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly-nhìn nhận: “Cây tràm dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại nhiều lợi ích. Nếu được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật thì người dân có thể biến vùng đất bán ngập ven hồ thủy điện Ia Ly thành rừng tràm xanh tươi trong tương lai không xa”.

Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích bề mặt nước hồ đập hơn 300 km2, trong đó, khoảng 40 km2 đất bán ngập nước đang bỏ hoang. Diện tích đất bán ngập này tập trung ven các hồ thủy điện Ia Ly, thủy điện Sê San 3, thủy điện Sê San 3A (Chư Păh), thủy điện Sê San 4, hồ Ia Grăng (Ia Grai), Biển Hồ chè, hồ Tân Sơn (Pleiku), hồ Ia Ring, hồ Ayun Hạ (Chư Sê), hồ Plei Thơ Ga (Chư Pưh), hồ Ia Mlah (Krông Pa), hồ Ia Mơr, hồ thị trấn Chư Prông, hồ Hoàng Ân (Chư Prông)… Nếu các vùng đất bán ngập trên đưa vào trồng cây tràm thì sẽ cải thiện hệ sinh thái rừng, tạo sự đa dạng sinh học và cảnh quan du lịch xanh, tạo sinh kế cho người dân.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Mô hình trồng tràm trên vùng đất bán ngập nước ở Ia Ly được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao. Sở đang phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng nghiên cứu, vận động và hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình trồng tràm trên vùng đất bán ngập để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con, nâng cao tỷ lệ độ che phủ của rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững”.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.