Trông mai ngóng tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cứ gần tới cuối năm, dương lịch là ngày bao nhiêu đôi khi má tôi quên bẵng mà chỉ nhớ ngày âm lịch. Chuyện này, ngày trước nội tôi cũng thế. Ngày nào nội cũng mấy bận lật lịch coi đi coi lại hôm nay là ngày mấy tháng Chạp rồi, để canh ngày mà lặt lá mai.

Lá mai phải lặt vào ngày rằm tháng Chạp thì bông mới nở đẹp đúng vào ba ngày tết, nên không chỉ riêng nhà tôi mà cả xóm tôi đều canh đúng rằm là lặt lá mai. Nhà chú Ba ới sang bên rào một tiếng là cậu Bảy cũng lật đật giục sắp nhỏ ra sân phụ tuốt lá mai và tất nhiên đám con nít tụi tui mấy ngày này “có giá” vì hay được giao vụ này. Đứa xách xô gom lá lại, đứa phụ lặt rồi quét sân, tưới nước cho cây…

Cả đám con nít kéo nhau đi dạo một vòng quanh xóm, thấy nhà nào trồng nhiều mai là nhào vô phụ một tay một chân liền, rồi lại tiếp tục “đi tuần” hết một lượt từ đầu trên xóm dưới. Mai nhà nào cũng sạch bách lá, chỉ còn thân, vậy là cả đám cười khúc khích rồi thi nhau cá độ coi năm nay mai nhà ai nở đúng tết. Tất nhiên là có tỷ lệ rủi ro, có nhà trước tết vài ngày mai đã nở bung bét, có nhà thì tới mùng 10 Tết bông mới chịu nở, còn nở đúng ngày mùng 1 Tết thì coi như lộc hên cho gia chủ, năm mới mần ăn tấn tới.


 

Hoa mai vàng đặc trưng của ngày tết ở miền Nam. Ảnh: KHANH TRỊNH
Hoa mai vàng đặc trưng của ngày tết ở miền Nam. Ảnh: KHANH TRỊNH


Ngày nhỏ, nội dạy tôi lặt lá mai để bỏ đi cho cây ra lá mới, nhưng cũng phải nhẹ nhàng chứ không có ào ào được. Mai độ rằm tháng Chạp đã bắt đầu có những búp nhỏ xíu xiu, tuốt lá không khéo thì rụng hết búp, tệ hơn nữa là gãy cành và cũng phần vì cây mai do ông nội trồng nên bà cẩn thận, chăm từng chút cũng là vậy.

Nhiều năm trước, khi ba và bác tôi hay đi làm ăn xa nhà, lặt lá mai xong nội hay ngồi tính: “Còn mười ngày nữa là giẫy mả (tảo mộ) ông bà, không biết tụi nhỏ có về được không?”. Vậy là chiều đó, tôi với má lại í ới cho ba qua điện thoại, nhắc ba về cho đúng ngày để nội trông… Và chiều nay tôi cũng thế, sau giờ làm đã gọi về nhà, hỏi ba chuyện đi giẫy mả ông bà, rồi nhắc ba lặt lá mai.

“Cha mày, trứng mà đòi khôn hơn vịt hả con? Tao lặt lá mai từ sáng sớm rồi nghen con, chỉ có bây đi làm mới lo quên ngày quên tháng, chứ ba bây giờ như nội ngày xưa, nhớ hết trơn á”, ba cười khà khà trong điện thoại, cái giọng hệt ông nội tôi ngày xưa.

Nhìn cây mai trước sân nhà không còn lá, ai nấy cũng biết tết gần lắm rồi. Nhà nào cũng bắt đầu tính chuyện nếp, đậu để gói bánh tét, rồi bánh, mứt trước cúng ông bà, sau làm quà cho sắp nhỏ và có cái mời cô bác, khách khứa tới nhà trong ba ngày tết. Trong nhịp sống bây giờ, người ta có thuốc để phun cho lá mai tự rụng mà không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, vì nhà vườn bạt ngàn mai làm sao đủ người để tuốt lá từng cây một. Và mai bây giờ cũng có muôn vàn lựa chọn chứ không đơn thuần chỉ có mai vàng năm cánh như xóm ở quê tôi.

Phương Nam không rõ rệt bốn mùa hương sắc, nhưng hễ rằm tháng Chạp thì người ta nhớ tuốt lá mai, như một thông lệ của tự nhiên, để nhắc nhở con cháu rằng những ngày tảo mộ ông bà cũng sắp tới, tết đang ngấp nghé ngoài sân… Tất cả cùng mong chờ những cánh hoa vàng rực như nắng ấm miền Nam.

 

Theo THIÊN THANH (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.