Có lẽ chưa có Bảo vật Quốc gia nào ở nước ta lại được xem xét khắt khe đến thế như đối với chiếc trống đồng Kính Hoa. Đã từng có 191 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và những hiện vật đó đều thuộc các Bảo tàng của nhà nước. Song đợt này là lần đầu tiên, nhà nước công nhận hiện vật thuộc sở hữu tư nhân, sau chừng 10 năm có chủ trương nhưng giờ chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.
Trống đồng Kính Hoa. Ảnh: Trịnh Sinh |
Cũng chính vì vậy mà Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia đã phải vài lần thành lập các nhóm chuyên gia khảo cổ, văn hoá hàng đầu của đất nước để xem đi xét lại chiếc trống này trên nhiều khía cạnh, kể cả bằng phương pháp khoa học tự nhiên phân tích chất liệu hợp kim của trống. Thế rồi mọi người đều thống nhất rằng đây là chiếc trống Đông Sơn của người Việt cổ với đầy đủ tiêu chí của bảo vật Quốc gia: Hiện vật gốc, độc bản, có giá trị đặc biệt về mỹ thuật và kỹ thuật của cư dân Đông Sơn nước ta. Cuối cùng, Thủ tướng đã ký quyết định xếp hạng trống Kính Hoa vào ngày 31 tháng 12 của năm 2020 với Quyết định số 2283/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 9).
1. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy trống Kính Hoa ở nhà ông Nguyễn Văn Kính, đó là sự ngỡ ngàng thực sự, không ngờ còn thấy được một chiếc trống đồng nguyên vẹn và hoa văn đẹp không kém gì trống Ngọc Lũ. Hay đây là một chiếc trống do một làng nghề nào đúc, hoặc tệ hơn nữa là một hội buôn đồ cổ, làm giả đồ cổ để bán? Tuy nhiên với kinh nghiệm gần nửa thế kỷ nghiên cứu trống đồng, đã thử khoảng 10 tiêu chí giám định, tôi đã chắc chắn hoàn toàn rằng đây là chiếc trống người xưa để lại, có những dấu vết vải vương trên chiếc trống này tương tự dấu vết vải mà tôi đã từng khai quật ở trên các đồ đồng Đông Sơn trong nhiều địa điểm khảo cổ học như Làng Vạc (Nghệ An), Gò Quê (Quảng Ngãi). Đó như những “con tem” bảo hành cực quý mà thời nay không ai có thể làm nổi. Phải có thời gian hàng ngàn năm, khi cả tấm vải phủ lên hiện vật đồng bị mủn nát thì vẫn có vài chỗ vải không bị mủn do gỉ đồng bám vào làm cứng các thớ vải mà tạo thành. Quả là có duyên lắm ông Nguyễn Văn Kính mới có được một chiếc trống đồng đích thực và quý giá đến thế. Vài chục năm qua, với làn sóng công nghiệp hoá, đô thị hoá, đâu đâu cũng thấy xây dựng, mà hầu như đã mấy ai đào được những chiếc trống đồng đẹp như trống Kính Hoa? Chiếc trống đẹp cuối cùng là trống Cổ Loa thì cũng đã tìm thấy từ năm 1982, tức đã khoảng 40 năm rồi. Phải còn biết bao năm nữa mới phát hiện thêm những chiếc trống đẹp như trống Kính Hoa, mà có khi đến cả trăm năm nữa không chừng, vì trống đồng càng ngày càng hiếm, trống đẹp lại càng hiếm hơn nữa. Việc có được chiếc trống Kính Hoa là duyên may của một đời người, lại còn là báu vật mà tiền nhân để lại sau hơn hai ngàn năm cho lớp con cháu chúng ta.
Trống Kính Hoa được các nhà khoa học xếp vào nhóm trống sớm, quý nhất, được đặt tên là nhóm A1 trong số các trống đồng đẹp nhất của văn hoá Đông Sơn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa. Trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Trống Cổ Loa cũng vậy và đang trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội. Riêng chiếc trống Sông Đà thì số phận lênh đênh hơn. Trống do viên Phó sứ Moulie ở tỉnh Hoà Bình lấy được ở nhà vợ của một Quan lang người Mường vùng sông Đà. Sau đó, trống được mang sang Pháp từ năm 1889 và hiện nay được trưng bày ở Bảo tàng Guimet, Paris. Trống Sông Đà đã phiêu bạt từ hơn 130 năm, vì thế, các nhà khoa học Việt Nam mới chỉ được chiêm ngưỡng qua ảnh để xếp loại A1 mà thôi. Nay thì trống Kính Hoa, Bảo vật Quốc gia được xếp hạng mới nhất nhưng đã nhanh chóng được xếp vào nhóm 5 chiếc trống đẹp nhất nước ta.
Mặt trống hình tròn, tang phình, thân chia làm ba phần rõ rệt. Kích thước: Đường kính mặt: 89,0cm; chiều cao thân trống: 59,5cm; đường kính chân trống 98,5cm; trọng lượng nặng 110kg. Dáng trống đẹp và có kích thước, cân nặng gần với nhóm trống Ngọc Lũ.
Hình vẽ mặt trống. Ảnh: Trịnh Sinh |
2. Không chỉ đẹp ở dáng, trống Kính Hoa còn được khắc họa một số hoa văn độc đáo, chưa từng thấy trên các trống đồng Đông Sơn đã được phát hiện.
Giữa mặt trống là hình ngôi sao 10 cánh biểu tượng của mặt trời, phản ánh tục thờ mặt trời của cư dân trồng lúa nước. Giữa các cánh sao là 10 cặp Giao Long được trang trí đối xứng châu đầu vào nhau. Người Việt từ xưa đã coi đấy là những con vật thiêng, trong thư tịch còn ghi lại người xưa đi biển còn xăm hình Giao Long để tránh nguy hiểm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn chép việc Vua tôi nhà Trần còn “xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “Thái Long” (rồng hoa) để lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám xâm phạm. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng có câu “Người mò ngọc dòng dây quăng biển, làm mồi lũ Giao Long”... Hình ảnh cặp Giao Long còn nói lên tư duy phồn thực, âm dương, có đực có cái hoà hợp, sinh sôi nảy nở. Chính vì thế, hình tượng Giao Long đã được khắc trên chiếc trống duy nhất đến nay được biết là Kính Hoa, càng chứng tỏ giá trị quý giá của trống này.
Hình tượng con sam, sinh vật chỉ sống ở biển, cũng lần đầu tiên được thấy trên trống đồng, lại có ở một vành hoa văn trên mặt trống Kính Hoa. 10 con sam đuôi dài, hai bên thân có gai nhọn. Sự có mặt của con sam đã chứng minh những chủ nhân đúc trống Kính Hoa phải sống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ ven biển, họ vừa trồng lúa lại vừa khai thác hải sản ven biển Đông. Điều này có ý nghĩa quan trọng khẳng định trống Đông Sơn được đúc và sử dụng bởi cư dân thời xưa ở ta chứ không phải ở vùng núi cao nằm sâu trong lục địa như vùng Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), lại càng chứng tỏ người Việt cổ thời xưa đã khai thác hải sản và làm chủ Biển Đông từ rất sớm.
Trên mặt trống được khắc hoạ hình 21 con chim Lạc đang giang cánh bay theo chiều ngược kim đồng hồ và vành hoa văn có 16 con thú bốn chân, đuôi dài quen thuộc trên một số trống Đông Sơn đã được phát hiện.
Đáng chú ý trên tang trống có hình 6 chiếc thuyền đang trong cuộc đua. Thuyền cong tròn được trang trí đẹp ở mũi và đuôi thuyền. Mỗi thuyền có 6-7 người mặc áo lông chim, cài lông chim trên đầu đang trong động tác ngồi chèo. Một người có lẽ là chỉ huy đang đứng hay ngồi trên sạp, cầm giáo đồng có gắn lông chim ở cán.
Hình tượng rất sinh động là chim đậu trên lưng cá sấu được trang trí ở giữa các thuyền. Cá sấu nghển cổ, mõm dài, đuôi dài, chim đang xoè cánh trong tư thế bắt mồi. Quả là một quang cảnh nên thơ và thanh bình. Đây là một mô típ hoa văn cũng thấy lần đầu trên trống đồng. Có thể chính Cá sấu là hiện thân của loài Giao Long mà người Việt cổ cho là con vật thiêng. Sự có mặt của cá sấu, loài vật sinh sống ở biển và vùng đầm lầy ven sông lại càng chứng minh cảnh quan của đồng bằng Bắc Bộ thời bấy giờ: Biển vừa rút, đồng bằng mới thành tạo còn nhiều sông lạch, đầm lầy.
Người xưa còn khắc họa hình nhà sàn có 4 cọc gỗ, trên mặt nhà sàn có đôi chim châu đầu vào nhau, hình chó, hổ báo, chim đậu quanh ngôi nhà sàn nữa.
Trên lưng trống được khắc họa chính con người Đông Sơn, gồm 16 người chia thành từng cặp đang múa. Đầu đội mũ cắm lông chim dài, thân có áo lông chim xoè ra, tay dang ngang. Qua đây, chúng ta biết được vào thời này, tổ tiên chúng ta đã có trang phục đẹp trong ngày hội, trong tư thế múa mà tay dang rộng, ngón tay cái chĩa ngang giống như điệu múa của người Cơ Tu hay một số dân tộc ở Tây Nguyên. Trên đầu các cặp đôi đang múa là hình ảnh chim Lạc đang sải cánh bay vươn thẳng lên trời, chứ không thành đàn bay ngang như trên mặt trống.
Bản dập hoa văn hình người múa và chim bay trên lưng trống. Ảnh: Trịnh Sinh |
3. Những hoa văn Đông Sơn trên trống Kính Hoa đẹp một cách lạ lùng và độc đáo, nhiều mô típ chưa thấy trên các trống Đông Sơn khác mặc dù đã thấy đâu đó trên hình khắc ở thạp đồng, rìu đồng. Những hoa văn này mang thần thái Đông Sơn ở bố cục thành các vành hoa văn đồng tâm chạy quanh mặt trống hay thành từng dải song song rìa mặt trống. Các đường nét hoa văn gạch ngắn, chấm tròn, hình tam giác của Đông Sơn mà không có ở bất kỳ nền văn hoá nào ở khu vực Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Cái đẹp của hoa văn nằm ở chỗ đơn giản mà khoáng đạt, thể hiện được các tư thế động của hình người múa, chim bay mà người nông dân quan sát được trong thực tế và tái hiện lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật cách điệu cao siêu.
Các mảng hoa văn trên mặt trống và thân trống trông giống như các bức thảm được dệt bằng chất liệu đồng thau vàng rực lúc mới đúc, cho người xem cảm giác các gam màu đậm nhạt, nổi khối dưới ánh sáng mặt trời hay ánh lửa bập bùng trong âm điệu nhạc trầm hùng của tiếng trống Kính Hoa theo từng bước múa nhảy của cư dân Đông Sơn, cách đây vào khoảng 2.300-2.400 năm.
Đúc được trống Kính Hoa còn là một kỳ tích, điều mà không một vùng đất Đông Nam Á nào đạt được thời bấy giờ. Người xưa phải biết pha chế tỉ lệ hợp kim đồng, thiếc là chủ yếu, có một chút thành phần chì nữa cùng với cách tạo khuôn đất nung ba mang mới tạo ra được nguyên liệu đúc trống hợp lý để khi rót đồng mới không bị vỡ khuôn, hoa văn không điền đầy hết mặt và thân trống. Kỹ thuật đấy đã bị thất truyền. Cho đến nay các làng nghề đúc đồng truyền thống nổi tiếng như Trà Đông (Thiệu Hoá, Thanh Hoá), Ngũ Xá (Hà Nội), Đại Bái (Bắc Ninh) cũng đúc mô phỏng trống Đông Sơn nhưng không tài nào đạt được đến trình độ đúc trống xưa của tổ tiên.
Để so sánh kỹ thuật đúc của trống Kính Hoa với trống Ngọc Lũ, các nhà khoa học đã dùng máy phân tích huỳnh quang tia X (XRF) để phân tích 12 điểm trên trống Kính Hoa và 4 điểm trên trống Ngọc Lũ đã cho thấy kết quả hợp kim tương tự nhau, đều là hợp kim mà người Đông Sơn đã nắm vững được cách pha chế. Trong khi ở thời điểm này, nhiều vùng Đông Nam Á vẫn còn trong thời đại đồ đá mà chưa biết đến kỹ thuật đúc đồng, nữa là đúc được những chiếc trống đẹp như Kính Hoa.
Trống Kính Hoa còn có thể “kể” nhiều chuyện nữa về thời đại mà nó được sinh ra. Đó là thời kỳ dựng nước của cư dân Đông Sơn với nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc với nền văn minh Đông Sơn rực rỡ, với những người nông dân trồng lúa nước, đi biển thành thạo kiêm thợ thủ công tài khéo, đã đúc được những chiếc trống đồng đẹp nhất trong các loại trống đồng tự cổ chí kim. Năm chiếc trống được xếp vào nhóm A1 xứng đáng là di sản vào loại quý hiếm bậc nhất tiêu biểu cho cả nền văn minh Việt Nam xưa nay.
Giáo sư Trịnh Sinh
(Dẫn nguồn LĐO)