Trời đã sang đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng sớm, nhoài ra khỏi vùng ấm áp, tôi đã cảm nhận được cái se se lành lạnh thấm qua người. Khoảng này, thời tiết vẫn còn đỏng đảnh, chưa nhường bước cho những cơn gió cồn cào thốc thiết đến hanh hao cả đất trời. Nhưng những bước đi dè dặt giao mùa đã được điểm tô bằng sắc vàng tươi thắm của đám dã quỳ ngoại ô. Người ta gán cho dã quỳ cái tên hoa báo đông cũng thật tinh tế. Để mỗi lần đến độ, cứ nhìn hoa là biết “dường như mùa đông đã về”.
Những đau thương, mất mát, lo lắng, lao đao, hồi hộp… trong một năm dịch bệnh dường như đã khiến cho con người rơi vào sự căng thẳng mệt mỏi đến vô chừng. Có lẽ việc giữ gìn sức khỏe đã khiến cho tất cả co cụm lại, kể cả những phút giây tĩnh tại của lòng cũng chỉ xoay quanh hai chữ an yên. Cũng đúng thôi, phải bình an và yên lành đã thì cuộc sống mới có thể trở lại bình thường như trước được. Cũng có thể chẳng bao giờ có được lại sự bình thường như những năm tháng đã qua. Con người cần phải chủ động bảo vệ chính mình và thích nghi với cuộc sống mới sau đại dịch. Ngày mai là một điều không ai biết trước, nhưng rõ ràng là chúng ta phải cố gắng để có được những ngày thật bình yên.
Phố núi bây giờ không còn nhộn nhịp như trước nữa. Người ta chỉ ra đường khi có việc gì cần thiết phải đi. Hàng quán cũng buôn bán cầm chừng, thực khách cũng dè dặt khi đặt chân vào quán xá. Lòng người lo lắng sau mỗi tin nơi này nơi kia có người mắc Covid-19. Những tiếng thở dài không giấu giếm. Nỗi lo âu bất an thường trực trong lòng người. Chỉ có trẻ con là còn những tiếng cười giòn tan vô tư trong trẻo. Chỉ tội suốt ngày phải chăm chú vào màn hình vi tính, điện thoại thông minh nên gương mặt chúng cũng mất vẻ tinh anh nhanh nhẹn vốn từng. Lâu lâu bọn trẻ nhà mình lại hỏi “Mẹ ơi, khi nào con mới được đến trường?”.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Trên sân trường, những đám lá khô vương vãi như đợi gió đến là lại tung mình lên xào xạc. Ngoài đường, lá cũng cuốn mình theo vòng lăn của ngàn vạn bánh xe. Những cơn gió cầm chừng cũng nhấn nhá nhắc nhở về sự dịch chuyển tinh tế của đất trời. Nghĩa là phải cảm nhận bằng quan sát của mình mới nhận ra được từng đổi thay nhỏ bé của thiên nhiên. Bởi lúc này đây, tiết trời còn à ơi chưa chuyển lạnh. Chỉ những đêm khuya vắng mới hiểu cần được sưởi ấm bởi những áo, những khăn hoặc những vòng tay ấm nóng, dịu dàng.
Nhưng mùa vẫn cứ điềm nhiên bước đến như không quan tâm đến những xáo trộn của cuộc sống. Những cửa hàng thời trang đã rục rịch trưng bày một số mẫu áo ấm với màu sắc rực rỡ gợi nhiều ấm áp. Trên những cung đường ngoại ô, cỏ đuôi chồn và dã quỳ hồn nhiên trong nắng gió, như nhắn nhủ rằng trời đã sang đông. Pleiku thật ra làm gì có mùa đông. Là mùa khô đấy chứ. Nhưng mình cứ thích gọi vậy cho giống mùa đông xứ Bắc. Với nhiều người, đây lại là khoảnh khắc đẹp nhất trong năm của thiên nhiên trời đất miền cao nguyên đất đỏ. Nhắc đến đất đỏ là để đừng ai ngạc nhiên khi lần đầu đặt chân đến nơi này, khi đã đi một vòng thành phố, thư thả ngoại thành, trở về nơi trú chân bỗng thấy quần áo vương vương bụi mịn. Thật ra đất đỏ là đặc ân đấy, để cho cây cối xanh màu và cho quả ngọt mát lành.
Lời bài hát “Chờ đông” thỉnh thoảng lại ghé qua trí nhớ của mình. Tuy chẳng được trời phú cho giọng hát làm mê đắm lòng người nhưng lại hay lẩm nhẩm những câu ca vu vơ. Hôm qua, lại vừa nhận được dòng tin “Em ơi có phải trời đã sang đông?”, mình đồ rằng, chắc người nhắn nhìn thấy vài hình ảnh hoa báo đông được cắm trong bình hoặc thấy những khung hình hòa với thiên nhiên rực rỡ của một vài người bạn vừa đăng trên trang Facebook cá nhân. Mình cười nhẹ và nhắn lại “Dạ, phải rồi. Pleiku đã bắt đầu đông” mà thấy lòng len lỏi niềm vui sống.
NGÔ THANH VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...