Hình ảnh những cột khói bốc lên khi nhân viên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas (Mỹ) vội vã đốt tài liệu sau khi Mỹ yêu cầu đóng cửa trong vòng 72 giờ làm gợi lại hình ảnh đối đầu Xô - Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Việc ông tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Cai Wei bị "sốc" khi nhận được yêu cầu đóng cửa của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng dễ hiểu vì việc đóng cửa cơ quan ngoại giao hay lãnh sự quán của một nước thường chỉ xảy ra khi quan hệ giữa hai bên lâm vào tình trạng đổ vỡ.
Là biểu tượng chuyến thăm lịch sử đến Texas trong chiếc mũ cao bồi của Đặng Tiểu Bình, việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston không chỉ là bước thụt lùi ngoại giao nghiêm trọng nhất từ khi thiết lập quan hệ năm 1979 mà cùng với một loạt các động thái gần đây, là chỉ dấu cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung bắt nguồn từ kinh tế - công nghệ đã dần loang ra lĩnh vực chính trị - chiến lược.
Nhưng liệu đây chỉ là một "tính toán chính trị" trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump hay là "hành động chủ ý" trong chiến lược đối phó với Trung Quốc của Mỹ?
Không khó để nhận ra mỗi khi đến kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ, lá bài Trung Quốc thường được sử dụng trong vận động tranh cử của các ứng cử viên từ cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Nhưng hiếm khi căng thẳng được đẩy lên mức độ cao như trong mùa bầu cử năm 2020 này.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc, nhiều cố vấn thân cận của Tổng thống Trump đã vận động ông phải có hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc vì không sớm kiềm chế dịch bệnh, nhằm củng cố nền tảng chính trị cho tổng thống.
Nhưng cũng không thể phủ nhận những hành động của Trung Quốc cũng làm giọt nước tràn ly. Việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động tình báo nhằm đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ không phải là điều mới, nhưng chuyện tìm cách lấy bí mật nghiên cứu khoa học (được cho là liên quan đến việc nghiên cứu vắcxin chống COVID-19) dường như đã đẩy sự việc đi quá xa.
Cộng với những hành động trước đó của Trung Quốc về cách ứng xử với dịch COVID-19, áp dụng Luật an ninh mới ở Hong Kong, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và gây căng thẳng ở Biển Đông... cũng là những lý do để Mỹ có những hành động đáp trả cứng rắn hơn.
Trung Quốc chắc chắn không thể không có những hành động "có đi có lại" trước quyết định của Mỹ vì liên quan đến thể diện quốc gia. Thậm chí tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cánh tay nối dài của tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc còn tiến hành trưng cầu ý kiến về việc Trung Quốc nên đóng cửa tổng lãnh sự quán nào của Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ phản ứng nhưng có mức độ, một hành động đáp trả có "tính hình thức cao nhưng không gây hậu quả lớn" sẽ là lựa chọn tối ưu. Đồng thời tìm cách "câu giờ" đến tháng 11 với hi vọng mùa bầu cử kết thúc cũng sẽ khép lại những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Nhưng dù Trung Quốc đáp trả gì đi nữa, vụ Houston cũng cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung đã là "trạng thái bình thường mới" trong thời gian tới.
Theo TÔ HOÀNG (TTO)