Trắng đêm đại hàn cùng… những người tử tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
23 giờ. Đường phố Hà Nội đã vắng tanh, nhưng Trần Minh Quân (sinh năm 1990) và hơn chục người bạn vẫn rong ruổi trong cái lạnh dưới 10 độ C. Đêm nay, Hội Từ thiện đêm của Quân lại tiếp tục hành trình sưởi ấm những phận đời bất hạnh như họ vẫn đã làm trong suốt 8 năm đằng đẵng.
Từ những người ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng….
8 giờ tối, căn nhà nhỏ nằm sâu sau ga Hà Nội tất bật người ra vào. Trên sàn đã chất đầy sữa, bánh mỳ, khẩu trang và nước uống. Trưởng nhóm Từ thiện đêm Trần Minh Quân vừa lúi cúi gói quà, vừa nhẩm đếm xem đã đủ số lượng chưa. Xung quanh, hơn chục thành viên khác cũng tất bật với phần việc của mình. 
Quân cho hay: Từ 8 năm nay, nhóm của anh vẫn duy trì đều đặn hoạt động tặng quà cho người vô gia cư tại các quận nội thành Hà Nội với tần suất 1 tuần/lần, trừ giai đoạn giãn cách xã hội.
Kể về cơ duyên của mình, trưởng nhóm 32 tuổi cho hay: Cách đây 8 năm, anh thường hay “lang thang” trên các con phố của Hà Nội khi đêm về. Trong những chuyến đi ấy, anh vô tình bắt gặp cảnh những cụ già ngủ quên bên hiên nhà, hay vài cháu bé nhếch nhác nằm lẫn với đủ thứ đồng nát cha mẹ các em nhặt về. Dù mưa hay bão, họ vẫn cứ màn trời, chiếu đất.

Tặng thuốc cho chủ nhân căn nhà
Tặng thuốc cho chủ nhân căn nhà "4 không": Không mái, không đồ dùng, không chăn nệm, không điện nước tại gầm cầu Long Biên. Ảnh: Thành Đạt
Quân gọi đó là những người 4 không: Không nhà, không thân nhân, không việc làm và không kinh tế. Cậu trai khi ấy mới ngoài 20 bị ám ảnh đến độ một thời gian ngắn sau đã quyết định cùng một vài người bạn thành lập Hội Từ thiện đêm.
“Khi ấy, chúng tôi chỉ nghĩ sẽ cố hết sức mình để chăm lo cho những người già và trẻ em vô gia cư, những người lao động nghèo. Cũng chưa từng tưởng tượng hành trình đó lại kéo dài 8 năm cho tới tận bây giờ”, Quân tâm sự.
Vừa kể, Quân vừa liếc nhìn đồng hồ. 25 phần quà cho đêm nay cũng đã gói xong. Chia ra các túi nhỏ, anh giục mọi người lên đường. Chỉ một chốc, hơn chục chiếc xe máy nối đuôi nhau chạy ngược về phía Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, bắt đầu cho hành trình đặc biệt của… những người tử tế.
Địa điểm đầu tiên là gầm cầu đối diện cửa khẩu. Đây là điểm cư trú “bất đắc dĩ” của ông T.V.S (79 tuổi), một người vô gia cư “có thâm niên” của khu vực này. “Nhà” của người ông lão gầy nhẳng và đen đúa chỉ là vài tấm giấy lót tạm xuống lề đường. “Lò sưởi” trong đêm rét hại là đám củi đang cháy lom dom, khét lẹt ngay bên cạnh. Thoáng thấy “người quen” từ Hội Từ thiện đêm bước đến, ông S. lấy bấy đứng lên. Việc đầu tiên của lão là… xin vội vài viên thuốc đau đầu vì mấy bữa nay trời trở gió quá.
“Ông nhớ, thuốc này phải uống cách nhau 4 tiếng 1 lần. Với lại phải ăn no mới được dùng. Trong túi này chúng cháu có bánh mỳ, nước. Bánh thì để 2-3 ngày cũng được. Ông cố ăn với uống thuốc nhé”, Linh – cô bé nhận nhiệm vụ “thăm” ông S. dặn.

Những người tử tế và bình dị... Ảnh: Thành Đạt
Những người tử tế và bình dị... Ảnh: Thành Đạt
22 giờ. Đoàn tiếp tục hướng về phía đường Hai Bà Trưng. Lúc này, bên vỉa hè, hơn chục người lớn tuổi đã tá túc tạm. Quân nhìn một lượt, khẽ lắc đầu. Anh kể: “Đây là điểm ‘phức tạp’ nhất khi có rất nhiều người không phải vô gia cư nhưng cũng tới để nhận quà rồi mang về… bán”.
Thấy chúng tôi ngơ ngác, Nguyễn Văn Hiệp – một thành viên đã đi với nhóm từ những ngày đầu giải thích: Khoảng năm 2016, xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân giả mạo người vô gia cư để trục lợi. Bản thân Dương cũng đã từng “ngã ngửa” khi phát hiện trường hợp mình giúp đỡ vài tháng qua bỗng… ngồi trong quán bia để nhậu.
“Sau sự cố đó, chúng tôi đã quyết định thành lập đội Spy Team với nhiệm vụ đi xác minh cụ thể từng trường hợp. Nhóm sẽ đi theo chân từng người trong thời gian dài, nếu thực sự khó khăn, chúng tôi sẽ đưa vào danh sách hỗ trợ”, trưởng nhóm bên cạnh bổ sung.
Nói đoạn, Quân và Dương nhìn nhau lắc đầu. Trong gần chục “cụ” ở điểm này, chỉ có duy nhất một người là vô gia cư thực sự. Khi cả nhóm mang quà ra, phía đối diện bên đường, 2-3 chiếc xe máy chở theo vài người trờ tới… xin. Nhưng thấy nhóm Quân đã quen mặt, họ lại rồ ga chạy ngược về phía hồ Hoàn Kiếm.
Càng về khuya, trời càng lạnh buốt. “Sự cố nhỏ” ở đường Hai Bà Trưng cũng khiến tâm trạng mọi người hơi chùng xuống. Nhưng quà vẫn còn, nhóm Từ thiện đêm vẫn phải đi. Những chiếc xe loang loáng đèn vẫn rong ruổi trên những cung đường vắng ngắt…
… đến giấc mơ nhà cho người vô gia cư
Đáng mừng nhất, trong hành trình bền bỉ kéo dài 8 năm, Quân tìm được một nửa của mình trong chính những chuyến đi. Giang – vợ của Quân cũng là thành viên của Từ thiện đêm. Họ gặp nhau, cảm mến nhau, nên duyên và cùng đi tiếp hành trình… không giống ai của mình.
Tính tới thời điểm hiện tại, Hội Từ thiện đêm của Trần Minh Quân đã thu hút được hơn 4.000 thành viên, trong đó có khoảng 30 thành viên thường trực, trực tiếp tham gia các buổi phát quà vào tối thứ 3 hàng tuần. Chi phí hoạt động sẽ do các thành viên trong nhóm chủ động đóng góp; đồng thời dựa trên sự kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ. Toàn bộ việc thu, chi cũng được công khai sau mỗi chuyến đi để tất cả các thành viên cùng nắm được.
Dừng lại một chút, Quân tiếp lời: “Nhưng trải qua nhiều năm đi tặng quà, chúng tôi chợt nhận ra: Hình như mình chỉ chạm được vào phần ngọn. Những chiếc bánh có thể giúp mọi người no thêm 1 ngày, nhưng về lâu dài thì lại không ổn”.
Thế là, anh quyết định “làm lớn” một phen để tìm thuê nhà và cả tìm việc cho những người vô gia cư. 
“Bắt đầu từ năm 2021, chúng tôi đã chia nhau ra tìm phòng trọ gần nhà tôi tại phố Trần Quý Cáp. Tiêu chí là nhà ở được, giá không quá cao. Đồng thời, một đội sẽ có nhiệm vụ tìm những người thực sự khó khăn có nhu cầu ở”, Quân chia sẻ.

Căn nhà trọ đặc biệt dành cho chú H. (bên trái) - một người vô gia cư. Ảnh: Nhân
Căn nhà trọ đặc biệt dành cho chú H. (bên trái) - một người vô gia cư. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau khi tìm được phòng, các thành viên của Từ thiện đêm cùng nhau sửa sang, sắm thêm chăn đệm và các vật dụng rồi… mời “những chủ nhân đặc biệt” vào ở. Tính tới nay, nhóm đã thuê được 4 căn phòng như thế.
Đặc biệt nhất là trường hợp của ông H., 82 tuổi. Lấy vỉa hè làm nhà từ năm 12 tuổi, nhưng khi được Quân đề nghị về ý tưởng nhà trọ 0 đồng, ông kiên quyết chối từ vì muốn dành vị trí đó cho người khác khó khăn hơn.
“Tới năm ngoái, chú bị tai nạn khi đang nhặt rác ngoài đường và phải phẫu thuật não. Khi biết tin, cả nhóm xúm nhau vào, giúp chú thanh toán viện phí. Đến tận lúc này, khi sức khỏe đã quá yếu, chú mới đồng ý chuyển về nhà mới”.
Đêm đầu tiên, căn phòng nhỏ khiến ông H. cảm thấy lạ lẫm. Đã bao năm, ông mới được ngủ trên một chiếc giường đúng nghĩa. Không gió sương, không mưa bão. Một giấc ngủ tròn nhất, ngon nhất đã bắt đầu với ông lão. 
“Vui nhất là chú H. cũng tự nguyện tham gia vào Từ thiện đêm, trực tiếp kết nối và đi tặng quà cùng chúng tôi. Đây chắc chắn là thành viên đặc biệt nhất của cả nhóm”, Quân hồ hởi.

Chú H. - sau cơ duyên với
Chú H. - sau cơ duyên với "ngôi nhà hạnh phúc" cũng đã trở thành thành viên tích cực và đặc biệt của Từ thiện đêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Câu chuyện về những “người tử tế” khiến Quân như mê say. Anh điểm tên từng trường hợp đã trở về “ngôi nhà hạnh phúc”. Đó là bà cụ Đ. bán nước ven đường, là hai cô bé Gia B. – Khánh L. vẫn hay phụ giúp mẹ bán ngô nướng ở bến xe Long Biên… Tất cả họ đều được ở miễn phí, thậm chí có người còn được nhóm giới thiệu việc làm để có thể có kế sinh nhai dài lâu hơn.
“Mặc dù hiện tại chúng tôi mới chỉ có 4 căn phòng dành cho người vô gia cư. Nhưng chương trình vẫn đang được tiếp tục để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa thoát khỏi cuộc sống đường phố. Nhóm cũng rất mong nhận được sự đồng hành của mọi người”, Quân chia sẻ.

Rodrigo (quốc tịch Tây Ban Nha) là 1 trong 2 thành viên người nước ngoài đã tham gia cùng hoạt động ý nghĩa của Từ thiện đêm. Ảnh: Thành Đạt
Rodrigo (quốc tịch Tây Ban Nha) là 1 trong 2 thành viên người nước ngoài đã tham gia cùng hoạt động ý nghĩa của Từ thiện đêm. Ảnh: Thành Đạt
Rodrigo – một trong hai thành viên người nước ngoài tham gia cùng Từ thiện đêm cho hay: Anh rất ấn tượng với những hoạt động của cả nhóm và mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn trong tương lai.
Qua 0 giờ, thành phố dần chìm vào giấc ngủ nhưng những người tử tế thì vẫn rong ruổi trên những cung đường thăm thẳm và buốt lạnh của đợt rét kỷ lục 40 năm mới có một lần. Ngày mai, những trái tim nồng nhiệt, nhân ái ấy sẽ lại tất bật với công việc vốn có thường ngày. Hạnh phúc đôi khi là những nụ cười nở trên gương mặt già nua của những con người xa lạ….
SƠN BÁCH - THÀNH ĐẠT (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Dưới tiết trời se lạnh, gió đẩy từng hơi rừng mát lạnh, người dân làng Kon Ktonh tập trung lại dưới mái nhà Rông để mừng Tết ăn thịt dúi. Lâu lắm rồi, bà con mới có dịp tụ họp đông đủ, chúc nhau sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống may mắn, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thứ 2 từ phải sang)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) trao đổi với người dân về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.M

Những đảng viên “miệng nói, tay làm”

(GLO)- Dù đảm nhận vị trí công việc khác nhau song điểm chung ở những đảng viên tiêu biểu chính là sự tận tụy, hết lòng với công việc được giao. “Miệng nói, tay làm”, họ trực tiếp vun bồi niềm tin của người dân với Đảng, chung sức xây dựng địa phương ngày một phát triển.

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Từ bé tôi đã thuộc lòng câu ru của mẹ rằng: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Nghe chả hiểu gì nhưng tôi vẫn chìm trong giấc ngủ với những giọt nước mắt ngày ấy.

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

Từ cảng Ghềnh Võ, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) chúng tôi phóng cano cưỡi sóng gần 1 tiếng đồng hồ để ra đảo Trần – hòn đảo nằm phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, nơi được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc. 6 năm mới quay trở lại, hòn đảo tiền tiêu vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Xuân thêm vẹn tròn

Xuân thêm vẹn tròn

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Ở nước ta, không ít làng quê nuôi rắn hay chế biến thịt rắn. Nhưng với sự tích gắn với con rắn và cách chế biến các món ăn từ loài rắn thì làng Lệ Mật có nét độc đáo riêng không lẫn với bất kỳ đâu.

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Món ăn trên mâm cỗ Tết bao giờ cũng hết sức cầu kỳ, tinh tế và chứa nhiều nội hàm sâu sắc. Nhưng cái ngon thật sự của cỗ Tết nằm ở hương vị của ký ức. Nếu chỉ cảm nhận bằng vị giác thôi thì chưa đủ…

Cho đi là còn mãi

“Cho đi là còn mãi”

(GLO)- Dù bận rộn với công việc kinh doanh song ông Nguyễn Tương Minh-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH một thành viên, Trưởng đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian kết nối những tấm lòng nhân ái để trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai.

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp cháu con của vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương. Vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei một thời gian khó nay đã chuyển mình khởi sắc.