Trần Phong: "Nghệ sĩ bậc thầy"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đạt hàng ngàn giải thưởng trong nước và quốc tế, có ảnh tham gia triển lãm ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia chấm ảnh nhiều cuộc thi trong nước và thế giới…, với sự nghiệp thành công rực rỡ ấy, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong lại khá trầm lặng, ngại nhắc đến thành tích.
Ghi giữ ký ức Tây Nguyên
Cuối tháng 11-2018, triển lãm ảnh về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” diễn ra tại Gia Lai một lần nữa khiến người xem vừa hạnh phúc, vừa nuối tiếc. Hạnh phúc khi thưởng thức kho tàng văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Tây Nguyên, và nuối tiếc, lo lắng trước những giá trị đặc biệt của một di sản đang dần trở nên mong manh. Những tác phẩm của NSNA Trần Phong trong triển lãm này không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà như những thước phim dân tộc học giàu giá trị nhân văn về một nền văn hóa có giá trị đặc biệt, lâu dài. Đây cũng chính là dấu ấn khó phai của một tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh ở lĩnh vực ảnh tư liệu. Ông sở hữu hàng chục ngàn hình ảnh giá trị như vậy, ghi giữ “vùng đất lễ hội” lúc “đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên biểu hiện tập trung nhất, sâu thẳm nhất và cũng rực rỡ nhất” (Lời giới thiệu sách “Lễ hội Tây Nguyên” của NSNA Trần Phong) cách đây hàng chục năm.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong (ảnh do nhân vật cung cấp).
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong (ảnh do nhân vật cung cấp).
Đến nay, với 37 năm cầm máy, NSNA Trần Phong rất kiên trì và nhẫn nại để thực hiện những bộ ảnh chuyên đề về văn hóa Tây Nguyên. 2 cuốn sách ảnh “Điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai” (xuất bản 1995) và “Lễ hội Tây Nguyên” (xuất bản 2008) đi theo những chuyên đề như vậy. Đó là điều mà cho đến nay, ngoài Trần Phong, có lẽ chưa ai làm, và bây giờ muốn làm cũng không kịp nữa. Chính ông cũng thừa nhận: “Có những giai đoạn sáng tác vô cùng khó khăn, máy móc “cổ lỗ sĩ”, phương tiện đi lại không có, nhưng không hiểu sao lại có thể đam mê, hăng say đến như vậy. Nhưng đó cũng là thời kỳ thăng hoa với rất nhiều tác phẩm tốt”.
“Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn về làng tìm những hình ảnh về lễ hội để bổ sung vào kho tư liệu, cho việc tái bản sách nhưng không dễ làm được. Lễ hội đã phai nhạt đi nhiều, tượng mồ trong nhiều lễ bỏ mả hầu như không còn...”-NSNA Trần Phong tiếc nuối khi nói về công việc vẫn còn dang dở. Và như vậy, nhìn vào “sự biến mất của những giá trị vĩnh cửu” có thể thấy kho tàng ảnh giá trị ông ghi giữ được về “vùng đất lễ hội” từ những năm 1982 đến nay không còn là tài sản riêng của ông, mà đã trở thành gia tài vô giá với những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên, những người có ý định nghiên cứu về vùng đất này bởi giá trị về mặt văn hóa, dân tộc học được ghi lại một cách chân xác nhất.
Vài năm trở lại đây, NSNA Trần Phong nghiêng về ảnh nghệ thuật nhiều hơn. Ông đi sâu khai thác vẻ đẹp nội tâm con người, sinh hoạt đời thường với những gì giản đơn, tự nhiên. Ở lĩnh vực này, ông cũng có những thành công rực rỡ. Nhưng thành công ấy không tự nhiên mà đến; đó là hành trình dài chắt chiu những ký ức và hoài niệm đẹp về Tây Nguyên, là bề dày văn hóa ông tích lũy được về vùng đất này trong nhiều chục năm, là những tình cảm chân thật, trong veo nhất của một người nghệ sĩ luôn đặt cái đẹp lên trên hết trong sáng tác nghệ thuật.
“Nghệ sĩ bậc thầy”
Cho đến nay, Trần Phong là NSNA Việt Nam duy nhất được Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA) phong tặng tước hiệu MPSA (NSNA bậc thầy). Ngoài ra, ông cùng với NSNA Đào Tiến Đạt là 2 nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đạt tước hiệu EFIAP/D1 (nghệ sĩ xuất sắc hạng kim cương)-tước hiệu cao nhất của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tặng cho những nhà nhiếp ảnh tài năng, có nhiều giải thưởng và đóng góp cho nhiếp ảnh quốc tế. Ngoài ra, NSNA Trần Phong còn nhận được hàng chục tước hiệu cao quý của các tổ chức nhiếp ảnh trong và ngoài nước khác. Ông cũng là “NSNA đặc biệt xuất sắc”-E.VAPA/Gold, danh hiệu nhiếp ảnh cao nhất hiện nay của Hội NSNA Việt Nam. Tuy nhiên, đứng sau những giải thưởng danh giá, những tước hiệu cao nhất về nhiếp ảnh ấy lại là một nghệ sĩ khá trầm lặng. Ông nói: “Trước đây và ngay cả bây giờ, tôi chưa từng nghĩ chụp ảnh để đi thi đạt giải thưởng. Tôi sáng tác chỉ để thỏa mãn niềm đam mê cái đẹp”.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong hiện là Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Việt Nam tại Gia Lai. Vài năm trở lại đây, ông thường xuyên được mời làm chủ khảo, giám khảo nhiều triển lãm, cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế. Ở lĩnh vực nghệ thuật mà ranh giới giữa cái đẹp-chưa đẹp vẫn còn rất mong manh, nhiều tranh cãi, tồn tại những quan điểm trái chiều, NSNA Trần Phong luôn giữ vững quan điểm yếu tố nghệ thuật, giá trị nhân văn xã hội là tiêu chí cao nhất trong chấm ảnh nghệ thuật. Đó là những yếu tố làm nên giá trị lâu dài và ổn định của nghệ thuật nhiếp ảnh. “Ở đây, chúng ta không nói đến “photoshop” hay “không photoshop” như tranh cãi mà hãy nói đến lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và cảm nhận nghệ thuật của tác giả đối với tác phẩm của mình”-ông nói.
Tác phẩm “Đua voi” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong.
Tác phẩm “Đua voi” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong.

Kể từ giải thưởng đầu tiên với bức ảnh “Dáng núi” (đạt giải C ảnh xuất sắc quốc gia của Hội NSNA Việt Nam), đến nay, sau 37 năm cầm máy, NSNA Trần Phong đã đạt 1.177 giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có 173 huy chương vàng, cúp vàng, giải nhất và giải A. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2012, ông đạt 201 giải thưởng quốc tế tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần đây nhất, năm 2018, NSNA Trần Phong nhận được 83 giải thưởng quốc tế, trong đó có 10 huy chương vàng.

Ông thận trọng khi nói về việc chấm ảnh tại các cuộc thi ảnh trong nước và khu vực. Bởi theo ông, công tác giám khảo, thẩm định có tác động đến phong trào sáng tác và chất lượng tác phẩm. Đối với những tác giả trẻ, nhất là những người mới vào nghề sáng tác, các giải thưởng cao được xem như những khuôn mẫu để học tập, làm theo. Việc thẩm định lệch lạc sẽ làm cho một số người ngộ nhận về khả năng của mình. Khi được mời chấm ảnh trong các cuộc thi ảnh quốc tế tại một số nước, người nghệ sĩ có bề dày kinh nghiệm, vốn liếng văn hóa tích lũy trong nhiều chục năm làm nghề càng thận trọng hơn. “Tôi phải nghiên cứu ảnh thế giới rất nhiều để thẩm định cho chính xác với vai trò giám khảo trong các cuộc thi ảnh quốc tế”-NSNA Trần Phong chia sẻ. Việc thẩm định ảnh trong các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế có những tương đồng và khác biệt, nhưng sự chuyên nghiệp và chân thành dành cho nghệ thuật nhiếp ảnh đã giúp ông “cầm cân nảy mực” đầy uy tín trong con mắt đồng nghiệp.
Hãy đi đến tận cùng
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong nói rằng, ông không cố gắng để tạo ra cái  riêng trong nhiếp ảnh, bởi “điều đó là rất khó. Tôi chỉ luôn cố gắng để thấu hiểu, đi đến tận cùng điều mình muốn làm”. Khi chụp ảnh tư liệu hay sau này bước vào “lãnh địa” ảnh nghệ thuật, người nghệ sĩ này luôn nhìn mọi thứ bằng sự chân thật và tuyệt đối tôn trọng cảm xúc của chính mình. Với ông, đẹp thôi chưa đủ. Ông cho rằng, người cầm máy cần trang bị vốn kiến thức, hiểu biết nhất định về văn hóa. Về Tây Nguyên, có những thứ tuyệt đối không được dàn dựng. Bởi hiểu đúng về nó chính là sự kính trọng đối với miền đất tuyệt đẹp này. Cho dù sự biến đổi có như thế nào, nét đẹp của con người Tây Nguyên, của miền đất huyền ảo này vẫn mãi là dấu ấn khó phai.
Và như vậy, dù không cố ý, nhưng gia tài ảnh đồ sộ của NSNA Trần Phong vẫn được ví như di chúc cho một nền văn hóa. Nhìn vào đó, người ta càng khao khát khám phá, và tha thiết giữ gìn, nâng niu.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong sinh năm 1957 tại Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Ông được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam năm 1988. Sau khi Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai được thành lập năm 1988, ông cùng với NSNA Huy Tuấn được xem là những nhiếp ảnh gia đầu tiên của tỉnh (hội viên sáng lập). Hơn 30 năm hình thành và phát triển, Chi hội Nhiếp ảnh Gia Lai do NSNA Trần Phong làm Chi hội trưởng đã khẳng định được vị thế với những thành tích nổi bật.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.