Trầm tích miếu cổ An Tân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Miếu An Tân (tổ 2, phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) tọa lạc bên cạnh quốc lộ 19. Miếu là 1 trong 5 “vệ tinh” của đình An Khê xưa với kiến trúc cổ kính hiếm hoi còn sót lại ở Gia Lai.

Miếu An Tân còn nhiều tên gọi khác như: miếu Bà An Tân, vạn An Tân, miếu Bà ngã ba Đồng Găng... Trước kia, miếu là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của vạn (xóm) An Tân, thuộc thôn An Khê cũ. Vạn An Tân hình thành vào thời điểm nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác, bởi các tài liệu thông tin bằng văn tự cổ về việc này hiện không còn. Căn cứ vào kiến trúc miếu hiện tại, chỉ có thể khẳng định, vạn An Tân hình thành ít nhất cũng từ cuối thế kỷ XIX và là một bộ phận của thôn An Khê. Thôn An Khê cũ có đình An Khê, đình An Khê Trường và 5 miếu: Thanh Minh, An Tân, An Xuyên, An Tập, An Phong nằm rải rác bốn phía như các “vệ tinh” bao quanh. Căn cứ vào những cấu kiện kiến trúc cổ còn lại ở miếu như bức bình phong và 2 trụ biểu ở sân, đối chiếu với các kiến trúc khác đã được xác minh tương đối chuẩn về niên đại như: đình Tân An, đình An Cư, đình An Khê Trường, có thể đoán định miếu An Tân xây dựng kiên cố lần đầu vào khoảng 1920-1930.

Miếu An Tân được dân gian gọi là miếu Bà và chánh điện được người địa phương gọi là điện Bà. Dựa vào cách gọi như thế, chúng ta có thể biết, vị thần bảo hộ chính cho vạn An Tân là một vị nữ thần. Vậy đó là vị nào trong số nhiều vị nữ thần được thờ cúng tại An Khê nói chung và tại miếu An Tân nói riêng?

Miếu An Tân nhìn từ nhà ngõ. Ảnh: Anh Minh

Miếu An Tân nhìn từ nhà ngõ. Ảnh: Anh Minh

Khảo sát hệ thống các nữ thần được thờ cúng tại vùng An Khê xưa (bao gồm Đak Pơ hiện nay) và theo thông tin từ các thành viên Ban Nghi lễ miếu An Tân, cùng với việc tham khảo văn tế tại miếu, chúng tôi cho rằng, “Bà” ở đây chính là bà Thiên Y A Na. Đây là vị nữ thần gốc Chăm hoặc có thể hiểu rộng hơn là vị thần tượng trưng cho những dân tộc khác đã có công lao khai khẩn mở mang đất đai. Ngoài Thiên Y A Na, theo các bài văn cúng hiện hành tại miếu cho biết, còn có các vị thần: Thành hoàng (thần bảo hộ xóm làng), Cao Các nguyên quân (thần núi), Bạch Mã thái giám (thần ban sức khỏe, may mắn), Sơn quân (thần hổ), Tiêu Diện (thần cai quản các âm linh, cô hồn), Chúa Ngung man nương (chỉ các nữ thần người Thượng nói chung)…

Ở phương diện kiến trúc, có thể nói, tại An Khê nói riêng cũng như Gia Lai nói chung hiện nay, việc một kiến trúc tín ngưỡng cộng đồng còn tương đối toàn vẹn với gồm đủ cả nhà ngõ, bình phong, trụ biểu, chánh điện, tường bao như miếu An Tân là rất hiếm. Bộ phận kiến trúc đặc sắc nhất ở miếu An Tân được xây dựng thời kỳ đầu gồm bình phong và 2 trụ biểu chất liệu vôi vữa. Bức bình phong đắp phù điêu long mã ở mặt trước và linh quy ở mặt sau là đồ án trang trí khá phổ biến trên bình phong cổ xưa tại An Khê mà chúng ta cũng nhìn thấy ở bình phong dinh Bà (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) và bình phong miếu Tân Chánh (phường An Bình); trụ biểu kết cấu cột vuông, trên đầu gắn lân chầu, có câu đối bằng mảnh sành cổ, nét chữ thể hiện sự điêu luyện tài hoa của người thợ xưa: “Huê biểu kình thiên song ngật lập/Uyển sanh linh địa ức niên du” (nghĩa là: Cột hoa chống trời một đôi đứng sừng sững/Miếu lập ở đất thiêng vạn năm là chốn du ngoạn lý tưởng).

Việc ca tụng địa thế có phong thủy tốt và vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ của miếu An Tân không chỉ thể hiện trên câu đối trụ biểu ở sân, mà tại nhà ngõ, dưới bảng hiệu “An Tân Miếu” cũng đã ghi: “An cư địa thắng chung linh miếu/Tân cảnh cù hanh nhập đức môn” (Miếu được xây dựng ở địa thế đẹp và có linh khí/Đường sá rộng thoáng thu hút những điều tốt đẹp vào nơi này). Đến hiên trước chánh điện, lại thêm 2 câu có nội dung tương tự: “Vân vụ loan sơn giai khí cận/Hương nhiêu ngọc điện cát tường đa” (Mây quyến núi non, khí lành tụ hội/Hương thơm điện ngọc, điềm tốt đẹp lại thêm nhiều); “Miếu vũ nguy nga thiên cổ tại/Phần du hương hỏa tứ thời tân” (Miếu mạo nguy nga nghìn năm còn mãi/Xóm làng lo việc nhang khói bốn mùa không sao nhãng). Đây là phần đặc sắc trong di sản văn tự của miếu An Tân bởi có nội dung gắn liền với thực tế di tích.

Có giá trị nhất trong kiến trúc gỗ ở miếu An Tân là kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc” còn gọi là “xà chồng mái chồng” thuộc chánh điện. Đây là một kiểu kiến trúc truyền thống của người Việt với đặc điểm nhà kép 2 mái trên một nền, nhà trước và nhà sau được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng thừa lưu nối 2 mái nhà. Tại miếu An Tân, nhà trước là tiền đường, nhà sau là hậu tẩm, nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy rất rõ đặc điểm kiến trúc này. Trong hệ thống kiến trúc cổ hiện còn ở An Khê, kiểu kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” này khá hiếm hoi, ngoài miếu An Tân, chúng tôi mới chỉ thấy thêm ở miếu Thanh Minh (phường An Phú).

Về lễ hội, miếu An Tân có các ngày lễ chính theo âm lịch là Khai sơn (10-1) và cúng Quý Xuân (17-2). Trong lễ hội mùa xuân, chiều 16-2, dân làng nhóm họp cùng chung tay sửa soạn, đầu tiên làm thịt con “heo rau” để nấu cỗ, khoảng 2 giờ sáng 17 thì làm thịt “heo tế” cúng thần. Lễ cúng được tiến hành từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, theo thứ tự: đầu tiên là cúng âm linh cô hồn, tiền nhân, tiếp theo đến các vị thần, cuối cùng cúng bàn Ông Hổ xong thì dọn tiệc đãi bà con làng xóm. Kinh phí tổ chức các buổi lễ này do dân làng đóng góp tùy tâm, việc cỗ bàn do bà con cùng nhau làm.

Liên quan đến sự huyền bí, linh thiêng ở miếu An Tân, có 3 câu chuyện được dân gian truyền tụng. Câu chuyện thứ nhất: Trước kia, miếu nổi tiếng linh thiêng, quan lại và dân chúng đi ngang đều phải xuống ngựa, ngả mũ kính cẩn vái chào. Câu chuyện thứ hai: Trong một buổi sáng sớm ngày cúng lễ Khai sơn, khi người dân tập hợp đến dinh Ông Hổ chuẩn bị cho buổi lễ thì nhìn thấy có dấu chân hổ để lại rất to và rõ trước dinh. Câu chuyện thứ ba: Trong một ngày cúng Quý Xuân bỗng xuất hiện cặp rắn rất lớn từ Hòn Lớn (Hòn Tượng) leo qua cây ké bên hông phải miếu, vào chánh điện và biến mất. Đến khi cúng xong, người ta lại thấy chúng bò ra bỏ đi.

Những câu chuyện ly kỳ ấy hiện nay đã phai nhòa trong ký ức nhiều người, nhưng cây ké cổ thụ trước miếu vẫn xanh tươi tỏa bóng mát cả một góc trời. Các bô lão địa phương kể rằng, cây ké ấy đã có từ 300 năm trước, chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất này, từ thời anh em Tây Sơn lên đây tụ nghĩa. Và nó cũng hẳn đã chứng kiến toàn bộ quá trình lịch sử của vạn An Tân và miếu An Tân như chứng nhân thầm lặng.

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.