Trải nghiệm ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và thác Đôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê và thác Đôi (còn gọi là thác Tap Pê) thuộc địa phận làng Kol (xã Trang, huyện Đak Đoa). Đến đây, du khách sẽ vô cùng thích thú bởi màu xanh ngút ngàn của lúa nước và dòng thác tuôn trào từ đại ngàn thiên nhiên.
Cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê (xã Trang, huyện Đak Đoa). Ảnh: ĐÌNH CHIẾN
Cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê (xã Trang, huyện Đak Đoa). Ảnh: ĐÌNH CHIẾN
Cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê có diện tích khoảng 50 ha, là nơi canh tác lúa nước 2 vụ của dân làng Kol và làng Ghè (xã Trang). Theo nhiều hộ dân nơi đây thì cánh đồng này hình thành cách đây khoảng 45 năm. Sau giải phóng, người dân trong xã được hướng dẫn cách trồng lúa nước để có đủ nguồn lương thực cung cấp cho cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, vì địa hình đồi núi cao, khó giữ nước, nhất là trong mùa khô nên bà con đã đắp bờ làm thành ruộng bậc thang. Có hàng trăm thửa ruộng lớn nhỏ khác nhau nằm dọc 2 triền núi theo thứ tự từ cao xuống thấp tạo thành một “quần thể” ruộng bậc thang độc đáo.
Cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê được chia làm 2 khu vực khác nhau. Phần nằm cạnh suối Đak Ơl có diện tích khoảng 25 ha, phần còn lại là cánh đồng ruộng bậc thang chạy dọc con suối A Dit cũng có diện tích khoảng 25 ha. Hàng trăm thửa ruộng bậc thang trải dài vô tận với một màu xanh ngút ngàn. Đầu tháng 3, cây lúa ở cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê đang xanh tốt, gió từ bốn bề thổi qua tạo từng đợt sóng lăn tăn trên ngọn lúa tạo cảm giác thích thú cho du khách tham quan. 
Nằm phía cuối cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê là thác Đôi. Đây là ngọn thác đẹp nhất của xã Trang. Tuy vậy, hành trình chinh phục ngọn thác này khiến du khách gặp không ít khó khăn bởi chưa có đường đi xuống. Muốn đến được chân thác Đôi, du khách phải men theo một con đường mòn nhỏ trên một vách núi dựng đứng. Trên đường xuống chân thác, có cảm giác người đi sau đứng trên đầu người đi trước. 
Thác Đôi được hình thành từ suối Đak Ơl và suối A Dit. Sau khi chảy ngang qua cánh đồng ruộng bậc thang Đak Tơ Pê, suối Đak Ơl và suối A Dit gặp địa hình đứt gãy tạo thành 2 ngọn thác song song cách nhau 20 m rồi hợp lưu thành 1 con suối dưới chân thác. Nước từ trên cao đổ xuống vực sâu khoảng 150 m tạo thành 2 dải nước như mái tóc duyên dáng của người thiếu nữ. Tuy nhiên, vào mùa khô, suối cạn dòng khiến thác Đôi thiếu nước.
Thác Đôi. Ảnh: HOÀNH SƠN
Thác Đôi. Ảnh: HOÀNH SƠN
Ông Trịnh Nhân Nghĩa-công chức Văn hóa-Xã hội xã Trang-chia sẻ: “Cuối mùa mưa, lượng nước đổ về ầm ào xuống thác tạo cảnh quan hấp dẫn khách du lịch. Hiện tại, do chưa có sự đầu tư nên lượng khách tham quan chủ yếu là các bạn trẻ mê loại hình du lịch sinh thái. Còn người lớn tuổi và du khách từ những nơi khác thì chưa biết đến nơi này nhiều”. 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hoàng-Phó Chủ tịch UBND xã Trang-cho biết: “Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của thác Đôi gắn với cảnh quan đẹp mắt của khu ruộng bậc thang, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện tiến hành khảo sát và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trình UBND huyện xem xét. Tuy nhiên, qua khảo sát thấy khu vực này có địa hình hiểm trở, cần vốn đầu tư lớn, UBND xã đã đề xuất huyện bố trí kinh phí làm đường xuống ruộng bậc thang và thác Đôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động người dân đắp bờ và làm bậc thang tại các khu vực dốc để du khách đi lại thuận tiện hơn”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.