Trải nghiệm Hà Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến với xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị khi ngồi quây quần bên đống lửa rực than hồng nấu ống cơm lam, nướng con gà leo cây, xiên thịt heo rừng lai. Rồi lại cùng vít cần thưởng thức hương vị rượu ghè ủ men lá cất giữ lâu ngày, tay nắm tay nhịp bước theo vòng xoang mở rộng cùng nhịp chiêng ngân dài trong đêm.

Tôi đến xã Hà Tây (huyện Chư Păh) vào một ngày cuối năm. Đón tôi, anh Biên-Chủ tịch UBND xã-tươi cười cho biết: Hà Tây có 96% dân số là người Bahnar, sinh sống tại 9 làng (có 8 làng tái định cư). Cả 9 làng đều sở hữu những ngôi nhà rông truyền thống đẹp hút hồn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu. Cộng đồng cư dân nơi đây ý thức rất rõ hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Dành thời gian đi dạo quanh một số làng, tôi nhận thấy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã là điểm nhấn đáng ghi nhận. Dọc tường vách nhà rông làng Kon Băh, nhạc cụ các loại được treo, xếp ngăn nắp. Ban ngày, cửa ra vào nhà rông đều mở, không người trông coi mà chẳng lo bị mất trộm dù có nhiều nhạc cụ đắt tiền, gọn nhẹ. Trưởng thôn Với cho hay: “Dân làng vốn rất hiếu khách, khi được lời, cần sự giúp đỡ họ luôn sẵn sàng. Tuy chưa tổ chức dịch vụ, nhưng khi có khách từ xa đến, các món ăn truyền thống được chế biến dưới sân nhà sàn, đêm xuống đốt lửa, mọi người cùng hòa mình trong tiếng cồng, tiếng chiêng và vòng xoang nối dài. Qua đêm ở nhà rông của làng, cánh đàn ông con trai sẽ được đón tiếp nồng hậu”.

 Đội cồng chiêng làng Kon Băh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) trong một buổi tập luyện. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Đội cồng chiêng làng Kon Băh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) trong một buổi tập luyện. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc



Còn nghệ nhân dạy cồng chiêng Y Xô (làng Kon Măh) thì cho biết: “Mỗi làng ở xã Hà Tây đều có đội cồng chiêng thanh-thiếu niên cả nam và nữ. Người biết đánh chiêng, đi cà kheo giỏi trong làng truyền dạy cho lớp trẻ, thường xuyên tổ chức hội thi giữa các đội, ở các làng để giao lưu học hỏi. Vì thế mà chiêng hay, đi cà kheo giỏi, xoang đẹp”.  

Ở Hà Tây có giống gà leo cây thịt săn chắc, thơm ngon, trọng lượng vừa; con heo đen bản địa, heo sọc dưa có họ gần với heo rừng cho thịt béo vừa, thơm ngọt rất thích hợp với các kiểu chế biến. Sản vật lấy từ rừng có đọt mây, măng le tươi luộc chín chấm muối ngon trứ danh. Trồng trọt, mùa nào thức nấy có các loại rau ăn quả, ăn củ, ăn lá. Người dân Hà Tây giữ bí quyết ủ rượu ghè men lá với nguyên liệu là hạt kê, bắp nếp cho vị ngọt thanh, được nước và say êm.

Bám càng theo xe máy của anh Khyơn-Trưởng thôn Kon Sơ Lăh, chúng tôi về làng cũ, chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 3 km. Nơi đây, một không gian sống rất nguyên sơ với mấy căn nhà sàn cũ ẩn mình dưới vườn cây ăn quả xanh tươi nằm dưới chân núi, con suối rộng nước trong veo, lô nhô đá cuội lượn theo chân núi. Làng nhìn ra cánh đồng rộng nơi thì triền thoải, chỗ bằng phẳng được trồng rau màu. Trụ lại làng cũ là những người già. “Nhà đấy, bếp đấy cứ việc đun nấu, qua đêm như thể nhà mình các già thêm vui, chẳng phải bận lòng. Những làng cũ khác tuy có xa hơn nhưng không gian sống đều tương tự”-anh Khyơn tâm tình.

Trò chuyện cùng tôi, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, Hà Tây rất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Nếu những tiềm năng này được khai thác đúng hướng thì kinh tế du lịch là bước chuyển dịch kinh tế đầu tiên của xã thuần nông này.

 

ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.