Trà Đa với lộ trình từ nông thôn lên đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Theo lộ trình, xã Trà Đa (TP. Pleiku) phấn đấu trở thành phường trước năm 2025. Dáng dấp một đô thị mới đang dần hiện hữu. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung.

Từ điểm kinh tế mới...

Gắn bó với mảnh đất Trà Đa từ thập niên 70 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Ngữ (thôn 2) hồi nhớ: “Năm 1976, Thị ủy Pleiku có chủ trương đưa dân ở nội thị ra vùng ven để thành lập các điểm kinh tế mới. Lúc bấy giờ, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân ở khối phố 14, 54 thuộc phường Hoa Lư đã xung phong đến nơi ở mới. Chúng tôi được cấp đất ở, đất sản xuất và bắt tay vào xây dựng cuộc sống.

Khó khăn thì nhiều nhưng thời điểm ấy, cư dân Trà Đa ám ảnh nhất có lẽ là bom mìn còn sót lại của chiến tranh. Có người đi chăn bò giẫm phải mìn, phát cây trước nhà va phải mìn, đốt lửa sưởi ấm trong những ngày giá lạnh cũng nổ mìn...”.

Trà Đa hôm nay đang dần mang dáng dấp của một đô thị. Ảnh: P.D

Trà Đa hôm nay đang dần mang dáng dấp của một đô thị. Ảnh: P.D

Nhấp thêm ngụm trà, ông Ngữ tiếp lời: “Khó khăn, gian khổ trăm bề nhưng bù lại, cư dân ở điểm kinh tế mới sống rất tình cảm. Chúng tôi sẵn sàng đùm bọc, san sẻ cho nhau lon gạo, lát mì trong những thời điểm giáp hạt”.

Chứng kiến những đổi thay của vùng đất ngoại thành, ông Ngữ cho rằng, Trà Đa ngày càng phát triển với hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

“Trong sự phát triển ấy, tình cảm, sự quan tâm dành cho nhau vẫn được người dân gìn giữ. Nhất là thế hệ con cháu của các hộ cựu trào. Bây giờ, họ không còn phải chia nhau lon gạo, lát mì mà thay vào đó là sự quan tâm, có mặt kịp thời mỗi khi trong thôn có việc hiếu, hỷ”-ông Ngữ cho hay.

Đến định cư tại xã Trà Đa từ năm 1986, ông Nguyễn Văn Ngọc-Bí thư Chi bộ thôn 5-nhớ lại: “Đường Trần Văn Bình khi đó nhỏ hẹp, hai bên cây cối um tùm che cả lối đi. Vào mùa mưa, đất bám cứng vành xe đạp nên chúng tôi ít khi vào khu vực trung tâm Pleiku, dù chỉ cách xã vài ki lô mét”.

Theo ông Ngọc, đời sống của người dân và diện mạo của xã Trà Đa chỉ thật sự thay đổi khi một số tuyến đường được đầu tư mở rộng, điện lưới quốc gia thắp sáng từng hộ dân... Và dân từ các nơi đến định cư mỗi lúc một tăng.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... đời sống của người dân và diện mạo xã Trà Đa ngày càng khởi sắc. Đến nay, 100% đường xã, đường trục thôn và liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Các công trình: trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa, sân vận động... được đầu tư xây dựng khang trang. Đến nay, toàn xã chỉ còn 12 hộ cận nghèo và không còn hộ nghèo.

Đến nỗ lực lên phường

Nâng cấp xã Trà Đa lên phường là một trong số các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Pleiku lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định nhằm phát triển đô thị bền vững.

Nói về những thuận lợi trong lộ trình nâng cấp xã lên phường, ông Võ Toàn-Bí thư Đảng ủy xã Trà Đa-cho hay: Về khoảng cách địa lý, xã cách trung tâm thành phố không xa, lại có quỹ đất rộng, thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trên địa bàn xã có Khu Công nghiệp Trà Đa với nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, xã còn có hệ thống các bệnh viện, thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe người dân; có khu đô thị, trung tâm sát hạch lái xe...

Các tuyến đường nội thôn đều được đầu tư mở rộng, nâng cấp. Ảnh: P.D

Các tuyến đường nội thôn đều được đầu tư mở rộng, nâng cấp. Ảnh: P.D

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Pleiku lần thứ XII, Đảng ủy xã Trà Đa đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 35-NQ/ĐU về xây dựng xã Trà Đa trở thành phường, giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, xác định rõ nguyên nhân, Đảng bộ xã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, tập trung nhiệm vụ duy trì, nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng xã lên phường theo quy định; ưu tiên các nguồn lực mở rộng, làm mới một số tuyến đường, đảm bảo giao thông thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế.

Từ năm 2021 đến nay, xã đã đầu tư xây dựng 32 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 11,3 km, kinh phí là 30 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống đường hẻm, đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã cơ bản được đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo hướng đô thị hóa, góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chí xã lên phường.

Cùng chúng tôi đi trên đoạn đường dài 1.080 m vừa hoàn thành vào đầu năm nay, Bí thư Chi bộ thôn 5 phấn khởi: “Để hoàn thành tuyến đường này, cán bộ, người dân trong thôn đã rất quyết tâm, đồng lòng. Các hộ chủ động di dời, tháo dỡ vật kiến trúc để dành mặt bằng cho đơn vị thi công. Với hình thức Nhà nước hỗ trợ 90%, người dân đóng góp 10%, các hộ đã đóng góp 483 triệu đồng để hoàn thành tuyến đường.

Thời gian tới, thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đóng góp để mở rộng đoạn đường hơn 400 m và sửa chữa những đoạn đường bị xuống cấp, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc cảnh quan, trồng cây xanh”.

Qua đánh giá và thống nhất sơ bộ với các ngành của thành phố, xã Trà Đa đều đạt các tiêu chí (quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế-xã hội) theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 về phân loại đô thị, xã đạt 9 tiêu chuẩn gồm: đất công trình giáo dục mầm non và phổ thông cơ sở; trạm y tế; sân tập luyện; chợ hoặc siêu thị; đất cây xanh sử dụng công cộng; diện tích đất giao thông tính trên dân số; tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom.

Theo Bí thư Đảng ủy xã, thời gian tới, xã tiếp tục duy trì, củng cố các tiêu chí đã đạt và hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt như cấp điện chiếu sáng, mật độ đường cống thoát nước chính, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn; xây dựng các tuyến phố văn minh, sạch đẹp, kiểu mẫu.

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...