
Tư cách nhân viên chính phủ đặc biệt của vị tỷ phú này sẽ hết hạn vào tháng Năm tới, và hiện vẫn chưa có thông tin về việc có gia hạn hay không.
Mặc dù có ý định từ chức, ông Musk tỏ ra lạc quan về tương lai của DOGE. Ông tin rằng các nhóm công tác thuộc cơ quan này có thể duy trì hoạt động hiệu quả mà không cần sự điều hành trực tiếp của mình, nhờ vào vị thế vững chắc đã được thiết lập tại nhiều cơ quan liên bang.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng đánh giá cao thành tích của DOGE: "Không ai có thể phủ nhận những thành công mang tính lịch sử mà DOGE đã đạt được. Kết quả đã nói lên tất cả."
DOGE được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump vào ngày 20/1, với nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cơ cấu các cơ quan liên bang.
Quyết định mới đưa ra trong bối cảnh ông Musk liên tục đối mặt với những "cuộc tấn công ác ý và phi đạo đức" từ phe cánh tả, theo Washington Post.
DOGE và Musk đã vấp phải chỉ trích vì cách tiếp cận mạnh tay nhằm cắt giảm chi tiêu chính phủ, bao gồm cả việc giải thể một số cơ quan liên bang được Quốc hội phê duyệt. Điều này dẫn đến hàng loạt vụ kiện từ công nhân liên bang, công đoàn và các nhóm vận động, cáo buộc Musk vi phạm Hiến pháp do không phải là quan chức được Thượng viện xác nhận.
DOGE cũng bị kiện vì quyền truy cập vào dữ liệu tài chính và cá nhân của hàng triệu người dân, buộc các thẩm phán liên bang phải can thiệp để hạn chế hoặc chặn quyền truy cập này.
Không chỉ vướng vào tranh cãi chính trị, Musk còn đối mặt với làn sóng phản đối nhắm vào Tesla.
Hồi đầu tháng này, khi được hỏi liệu DOGE có tiếp tục hoạt động khi Musk rời đi hay không, ông Trump trả lời mập mờ: "Tôi không thể nói chắc. Nhưng nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ đã học được rất nhiều từ Musk và đội ngũ của ông ấy". Ông cũng thừa nhận rằng một số người có thể muốn giữ DOGE lại, nhưng cuối cùng cơ quan này có thể sẽ bị giải thể.