"Tôn sư trọng đạo"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn quý trọng thầy-cô giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử cho đến đương đại, đạo lý ấy chưa bao giờ phai mờ. Dân gian có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, cho thấy vai trò người thầy được đánh giá rất cao trong xã hội.
Ngày nay, trong thời đại mới với nhiều biến đổi về kinh tế-xã hội, sự phát triển của công nghệ đòi hỏi những mối quan hệ trong môi trường giáo dục và quan hệ thầy trò được xác lập theo kiểu mới, phù hợp với thực tiễn.
Ngày nay, trong thời đại mới với nhiều biến đổi về kinh tế-xã hội, sự phát triển của công nghệ đòi hỏi những mối quan hệ trong môi trường giáo dục và quan hệ thầy trò được xác lập theo kiểu mới, phù hợp với thực tiễn. (ảnh internet)
Tuy người xưa có xem “đạo làm thầy” trong nấc thang xã hội có khác hiện tại nhưng các quy ước về đạo đức và năng lực trí tuệ người thầy thì không mấy cách biệt trong cách nhìn nhận và yêu cầu. Ngày nay, trong thời đại mới với nhiều biến đổi về kinh tế-xã hội, sự phát triển của công nghệ đòi hỏi những mối quan hệ trong môi trường giáo dục và quan hệ thầy trò được xác lập theo kiểu mới, phù hợp với thực tiễn. Nhưng dù có đổi mới, chấn hưng như thế nào thì vai trò người thầy trong các lần cải cách giáo dục vẫn không thay đổi và là nhân tố quan trọng bậc nhất để làm thay đổi chất lượng giáo dục. Các nước có nền giáo dục tiên tiến có nhiều hình thức giáo dục bằng công nghệ cao rất tiện ích cho người học, nhưng cũng không thể thay thế chủ thể người thầy cụ thể trong các mô hình giáo dục ở trường hay ở nhà.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái từ xã hội ở nước ta có ảnh hưởng đến môi trường giáo dục làm xuất hiện nhiều tiêu cực, nhất là trong quan hệ thầy trò có hiện tượng thiếu lành mạnh, khiến dư luận cảm thấy bất an. Một số trường học đã để tình trạng bạo hành học đường, nhất là những mâu thuẫn xảy ra giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh dẫn đến việc ẩu đả làm tổn thương đến cả thể chất, danh dự, uy tín thầy-cô giáo và nhà trường. Chắc chúng ta không quên trường hợp xảy ra tại một trường THPT ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) vào đầu tháng 4-2018: Một học sinh cuối cấp đã cầm dao đâm thầy giáo chủ nhiệm khi bị thầy nhắc nhở bởi hình xăm trên người. Hay trường hợp “cô giáo quỳ” ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo hành trong trường học, xem thường thầy-cô giáo của một bộ phận phụ huynh. Hành vi ấy của người kém văn hóa đã bị cả xã hội lên án. Tuy kẻ vi phạm đã bị xử lý nhưng hậu quả của nó để lại gây tổn thương không nhỏ cho cả ngành Giáo dục. Vụ việc mới nhất vừa được các báo đề cập là trường hợp 7 học sinh lớp 10 ở Trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Thanh Hóa) đã bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của thầy-cô giáo, nhà trường. Tuy 7 học sinh này đã bị Hội đồng kỷ luật nhà trường buộc thôi học, nhưng nó thể hiện điều không bình thường trong mối quan hệ thầy trò; sự “Tôn sư trọng đạo” đã không còn thiêng liêng như trước đây nữa. Chúng ta chưa bàn đến nguyên nhân dẫn đến những thực trạng đáng buồn nói trên. Nhưng ở tầm vĩ mô, cần phải nhìn lại cơ chế, phương pháp, nội dung giáo dục còn các lỗ hổng nào chưa được khắc phục; đồng thời bản thân thầy-cô giáo cần tự đánh giá lại mình còn những khiếm khuyết gì khiến học sinh thiếu tôn trọng và phụ huynh không hợp tác trong giáo dục con em…
Trước đây, trên diễn đàn “Đối thoại giáo dục”, nhiều người không đồng tình với ý kiến giáo dục cũng là thị trường và bị chi phối theo quan hệ cung-cầu, mà cho rằng, nó là một thiết chế đặc biệt trong quan hệ giữa người và người, không thể là quan hệ mua-bán đơn thuần. Bởi vậy, trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều yếu tố tiêu cực có tác động đến giáo dục, mà cụ thể là ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy trò nên giáo viên cần tự mình thiết lập quy tắc ứng xử đúng mực, giữ gìn “đạo làm thầy” để làm tròn chức phận cao quý được xã hội tôn vinh.
Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nước ta đã đánh giá: “Vấn đề quản lý giáo dục, đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Từ thực trạng này cho chúng ta có cái nhìn đúng đắn về đội ngũ nhà giáo nhằm tìm ra giải pháp nâng cao phẩm chất, năng lực giáo viên hiện nay; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để thầy-cô giáo yên tâm gánh vác sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn sắp tới.
Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.