(GLO)- Không cần vào mùa sản xuất-kinh doanh tín dụng ngân hàng mới tăng trưởng mạnh, mà ngay những tháng đầu năm tín dụng đã tăng đều. Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đã đạt 17%-hoàn thành chỉ tiêu năm nay. Lần đầu tiên dư nợ tín dụng vươn lên đứng thứ 2 khu vực miền Trung-Tây Nguyên, cùng với đó chất lượng tín dụng được đánh giá tốt nhất khi tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,64%.
Tính đến cuối tháng 9-2015, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đã đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng (tăng 17% so cuối năm 2014). Ở cả kỳ hạn ngắn hạn và trung dài hạn dư nợ đều tăng, trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 65% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 35% tổng dư nợ. Với mức tăng trưởng 17%, tương ứng đã có 6.700 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong 9 tháng qua, góp phần thúc đẩy và duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thường các năm trước, cao điểm vào mùa sản xuất-kinh doanh từ quý IV trở đi, tín dụng ngân hàng mới tăng mạnh, thì nay tình hình khả quan hơn khi duy trì mức tăng đều ngay từ những tháng đầu năm, đặc biệt là các chương trình, chính sách tín dụng trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được triển khai kịp thời, đúng định hướng. Điển hình như cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp (tăng khoảng 47%), cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn (tăng khoảng 10%), cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình cho vay từ nguồn vốn chính sách cũng tăng khá…
Kết quả này là sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tổ chức thực hiện các giải pháp về hoạt động ngân hàng, trong đó có việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng trưởng phù hợp, bám sát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và nhu cầu vốn phát triển kinh tế-xã hội để đảm bảo đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vốn cho các lĩnh vực kinh tế ưu tiên, như nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhằm cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình phát triển sản xuất-kinh doanh. Bên cạnh đó, việc xem xét định thời hạn trả nợ phù hợp, đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đưa ra các sản phẩm vay phù hợp đã tạo nhiều điều kiện cho người vay.
Trong tổng dư nợ tín dụng toàn ngành, có gần 50% dư nợ là cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn. Đây là kênh đầu tư được coi là mang lại hiệu quả khá cao khi hiện nay tất cả các ngân hàng trên địa bàn đều tham gia đầu tư lĩnh vực này. Trong số đó, Agribank là chi nhánh có dư nợ cho vay nông nghiệp-nông thôn cao nhất. Đến cuối tháng 7-2015, dư nợ nông nghiệp-nông thôn đã đạt 10.129 tỷ đồng (chiếm 97% tổng dư nợ của chi nhánh) với 61.566 khách hàng còn dư nợ.
Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đánh giá: Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn có rất nhiều tiềm năng khi Gia Lai là một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, nhất là đầu tư vốn vào các lĩnh vực sản xuất có thế mạnh vừa an toàn đồng vốn, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Chính vì vậy, chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng tỉnh thấp nhất trong khu vực. “Các ngân hàng đang triển khai cho vay theo Nghị định 55 về phát triển nông nghiệp-nông thôn (thay thế Nghị định 41). Nếu Nghị định 41 đã làm được nhưng còn vướng thì Nghị định 55 sẽ giải quyết tốt. Do đó kỳ vọng về tăng trưởng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn sẽ còn lớn hơn”-ông Cư nhận định.
Có thể nói, để đạt kết quả dư nợ gần chạm mốc 50.000 tỷ đồng, vươn lên đứng thứ 2 khu vực miền Trung-Tây Nguyên và hạ tỷ lệ nợ xấu xuống mức 0,64% là sự chủ động, linh hoạt trong đầu tư tín dụng gắn mục tiêu tăng trưởng với việc kiểm soát chất lượng tín dụng. Chính vì vậy, để đồng vốn phát huy hiệu quả, trong những tháng còn lại của năm, ngành ngân hàng vẫn đặt mục tiêu cung ứng vốn ra nền kinh tế cùng với việc kiểm soát chất lượng vốn vay sao cho thật hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Thảo Nguyên