Tiếng chim mùa hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chim trời ở đâu cũng có, gửi vào không gian tiếng hót là việc làm rất đỗi tự nhiên của loài. Nhưng vào ngày hè, tiếng chim ở quê tôi mới rộn rã và hào hứng, chiếm lĩnh không gian rực nóng, chói chang.
Trong dàn diễn xướng của các loài chim, có tiếng chim cuốc giục đêm hè men bóng đêm oi nồng vang vẳng từ bờ tre, khóm trúc âm thanh giục giã, con trống gọi “quốc, quốc”, con mái đáp lời “gia, gia”. Lại nhớ câu chuyện nhuốm màu liêu trai: Thục đế nhớ nước, thương nhà chết hóa thành chim cuốc...
Đêm hè thanh vắng còn có loài chim cú gọi tên mình từng tiếng rời rạc gieo nỗi buồn hoang vắng. Trên những tán cây dông cổ thụ nơi sân đình, cây sung bên bến sông… chim lợn inh ỏi gọi đàn, giúp người đi đêm ngang qua chỗ vắng thêm tự tin mà rảo bước. Trời chưa tảng sáng, tiếng chim vịt kêu sương khản giọng trôi trong không gian mơ hồ xa lắc nhòa theo giấc ngủ mơ màng, như nhắc ta nhớ trở mình sau giấc ngủ dài, thêm giấc ngủ nướng.
Tôi làm sao quên được tiếng chim sẻ gần gũi quanh năm ríu ran bên hiên nhà, trong vườn cây. Còn có loài giồng giộc họ hàng gần với chim sẻ, bộ lông sáng màu, tiếng kêu rả rích. Mùa hè, chúng đan những chiếc tổ bằng cỏ thật đẹp, có chỗ dành cho những quả trứng xinh, mấy con chim non lớn dần; có chiếc cửa như cái vòi buông thõng cho chim bố mẹ chui vào chui ra, cùng nhau sống yên lành mặc nắng mưa gió bão đi qua lủng lẳng trên ngọn tre, chi chít cành xa cây bồ kết đầy gai nơi gò hoang, bãi vắng.
Kể cũng lạ, chẳng biết vì lý do gì mà chừng vài chục năm trở lại đây loài chim giồng giộc hầu như vắng bóng không chỉ ở quê tôi khi mà điều kiện sống của chúng không nhiều thay đổi. Thế nên, những chiếc tổ chim giồng giộc độc đáo chỉ còn trong hoài niệm, xa lạ với lớp người trẻ bây giờ.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ngày hè rạng rỡ từ buổi bình minh. Đón ngày có dàn hợp xướng họ nhà chim với hợp âm trong veo cao vút của chiền chiện, của chích chòe than, vành khuyên hòa trong tiếng chói gắt của chèo bẻo, bồ chao; trầm bổng của cu gáy, chim ngói cho ngày thêm bừng lên sức sống.
Đồng làng lúa ngậm đòng. Thoắt đấy đã trĩu bông, ngả màu, vàng hươm. Các loài chim ăn sâu bọ côn trùng, ăn thóc lúa; loài chim làm tổ trong ruộng lúa chao lượn từng đàn, sà đậu trên từng gié lúa, đầu chao đảo, mắt ngó nghiêng hễ nghe tiếng động hay thoáng thấy bóng người là vù bay bỏ lại tiếng kêu trong ngần.
Ngày hè, hoàng hôn chậm và dài. Từ mênh mông ruộng lúa, tiếng con cum núm (gà nước) từng giọt luênh loang, tiếng con bìm bịp khắc khoải gợi nỗi buồn xa nhớ. Và, may mắn làm sao với ai đó lòng đầy vơi tâm trạng, tiếng các loài chim chao chát tìm nơi trú ngụ qua đêm trên những ngọn cây sẽ vơi đi phần nào nỗi niềm riêng.
Vào những chiều hè như thế, tôi thả hồn trôi về kỷ niệm với quê nhà. Chợt nhận ra quanh ta còn những tiếng chim trời khoáng đãng, đầy nội lực trong không gian tự do, hào phóng.
Dưới bầu trời xanh đầy nắng, chỉ tiếng hót của loài chim gọi vịt từ sớm tinh mơ đến tận đêm sâu “vít…vít…vít” vút cao, lảnh lót ngân dài, ngắn lại rồi nhỏ dần cũng đủ cho ta ngẫm ngợi: Có nghĩa gì đâu những chiếc lồng đẹp đẽ, thức mồi tươi ngon béo bở, ly nước trong lành làm phần thưởng cho tiếng hót tù túng thỏa mãn thú chơi tiêu khiển, niềm đam mê ích kỷ của con người.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.