Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, một trong những yêu cầu đặt ra đối với các hợp tác xã (HTX) là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp khó khăn về vấn đề này. Đây là “nút thắt” cần tháo gỡ để giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn.

Chưa mặn mà vì lương thấp

Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) có các ngành nghề chủ yếu như: dịch vụ nông nghiệp; xây dựng công trình công ích; cung ứng vật tư nông nghiệp, giống lúa; sản xuất gạo… Kể từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đến nay, HTX đã từng bước củng cố, lập phương án sản xuất kinh doanh dịch vụ theo mô hình HTX kiểu mới, hạch toán độc lập về tài chính, chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho biết: “Hiện có 7 lao động đang làm việc trực tiếp tại HTX và 6 lao động đang làm việc tại các đội sản xuất. Trong số này, chỉ 1 người có trình độ đại học, 1 người có trình độ cao đẳng và 1 người có trình độ trung cấp. Với mô hình hoạt động của HTX hiện nay, đội ngũ nhân lực có trình độ như vậy hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi đang rất cần những người có trình độ chuyên môn về quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin để đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, quản trị website cũng như tiếp cận hệ thống các sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Ảnh: H.D

Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Ảnh: H.D

Cũng trong tình trạng “khát” nguồn nhân lực có trình độ cao, HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) đã nhiều lần kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc. Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX-chia sẻ: “Có một thực tế là không ít bạn trẻ thà làm chạy bàn ở quán cà phê tại thành phố chứ không chịu về làm việc tại các HTX ở vùng nông thôn. Phần nữa, lương cho lao động ở HTX chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng nên những trí thức trẻ không mấy tha thiết. Các bạn chưa nhận thức được rằng khi làm việc tại HTX, về lâu về dài vẫn có thể phát triển sự nghiệp của bản thân. Do không thu hút được lao động trẻ có trình độ cao nên hiện ở HTX chủ yếu là những người lớn tuổi, hầu hết đều từ nông dân đi lên, khả năng tiếp cận cái mới hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển lớn mạnh của HTX”.

Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 6-2023, toàn tỉnh có 411 HTX, 2 liên hiệp HTX với tổng vốn điều lệ trên 870 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của hơn 18.000 thành viên, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.800 lao động tại địa phương. Theo Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan, cán bộ quản lý HTX phải là thành viên HTX. Đặc biệt, cán bộ quản lý HTX phải đạt trình độ tối thiểu từ trung cấp chuyên môn trở lên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh: “Hiện nay, chỉ có gần 30% cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học, số còn lại hầu như chưa qua đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ. Chưa kể, các cán bộ quản lý HTX hầu hết đều lớn tuổi, năng lực tiếp cận công nghệ mới hay khả năng thích ứng với tình hình mới đều rất hạn chế. Trong khi đó, vì phải thực hiện theo cơ chế tự thu, tự chi nên nguồn kinh phí để thuê đội ngũ lao động có trình độ cao của các HTX cũng eo hẹp. Thu nhập của người lao động tại các HTX trung bình chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng”.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, thành viên còn thấp đã hạn chế khả năng quản lý, tổ chức và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các HTX hoạt động kém hiệu quả.

Từng bước gỡ “nút thắt”

Không chỉ ở Gia Lai mà trên cả nước, “nút thắt” lớn nhất khiến các HTX chưa thu hút được lực lượng lao động trẻ có tri thức về làm việc là chế độ lương, thưởng chưa cao. Để tháo gỡ “nút thắt” này, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1551/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Sở Nông nghiệp và PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Lao động làm việc tại HTX May gia công An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.Y

Lao động làm việc tại HTX May gia công An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.Y

Từ nguồn kinh phí do Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ, năm 2018, 12 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã được bố trí về làm việc có thời hạn (đến năm 2020) tại 6 HTX trên địa bàn tỉnh. Sau khi hết thời hạn, hầu hết những lao động này vẫn tiếp tục gắn bó với các HTX, nhiều người đã trở thành thành viên HTX chứ không chỉ là người làm công ăn lương.

Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Mục đích của Kế hoạch là hỗ trợ các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 174/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo; tạo điều kiện, môi trường để khuyến khích, thu hút số sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX để có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực, từ đó có tâm huyết, gắn bó làm việc lâu dài với HTX”.

Theo Kế hoạch số 1551/KH-UBND, giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 3,8 tỷ đồng cho 26 HTX, trong đó, mỗi HTX được tuyển dụng 1 lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học hoặc sau đại học phù hợp với nhu cầu. Mức hỗ trợ tối đa cho 1 HTX bằng số lượng lao động được hỗ trợ nhân với 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, lương trung bình mỗi lao động được ký lần này sẽ vào khoảng gần 5 triệu đồng/tháng.

“Chi cục cùng các đơn vị liên quan đã họp bàn, khảo sát và chọn ra 26 HTX đáp ứng đủ điều kiện để hỗ trợ trong giai đoạn này. Các HTX này phải đáp ứng đủ các điều kiện như: được tổ chức và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả; có hoạt động liên kết gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có phương án sử dụng lao động phù hợp, hiệu quả và đã có giấy đề nghị được tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của HTX gửi cấp có thẩm quyền xem xét. Các lao động trẻ được tuyển chọn để hỗ trợ là người có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, năng động và sáng tạo; nữ không quá 35 tuổi và nam không quá 40 tuổi, có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học về chuyên ngành kinh tế, kế toán, quản trị doanh nghiệp hoặc chuyên ngành về nông-lâm nghiệp và thủy sản... Ưu tiên lao động trẻ là con em của các thành viên HTX, sống tại địa phương hoặc người dân tộc thiểu số để tăng sự gắn bó về sau. Chúng tôi đang chờ các địa phương gửi danh sách lao động được tuyển lên để tiến hành ký hợp đồng”-Chi cục trưởng Chi cục PTNT thông tin thêm.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh thì nhận định: “So với nhu cầu thực tế thì 26 lao động được 26 HTX tuyển dụng lần này vẫn là con số ít ỏi. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc gỡ “nút thắt” này. Đặc biệt, số lao động tuyển dụng không nhất thiết phải là người trẻ mới tốt nghiệp ra trường, miễn là đảm bảo độ tuổi theo quy định. Điều này càng tốt hơn khi những lao động được tuyển dụng vừa có trình độ, vừa có kinh nghiệm. Cũng có thể coi đây là hoạt động thí điểm, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm, làm cơ sở tuyển dụng lao động có trình độ cho các HTX trong giai đoạn tiếp theo”.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Thước đo sự hài lòng

Thước đo sự hài lòng

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, qua đó cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân.