Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để hiểu rõ hơn những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh thời gian qua, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

*P.V: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: Nguyễn Diệp

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, ngành nông nghiệp có 2 nhiệm vụ gồm: đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Với xuất phát điểm thấp, lại chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản có lúc bị đứt gãy đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Song, với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ngành từng bước vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả khả quan. Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 3,97%. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt hơn 32.439 tỷ đồng; tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng các loại cây trồng của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Qua định hướng của ngành, người dân các địa phương đã chủ động chuyển đổi được 7.589 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với nhà máy chế biến. Toàn tỉnh hiện có 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 11.862 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp tham gia làm đầu chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét. Người dân đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 586 trang trại, chăn nuôi, 29,94% tổng đàn vật nuôi; đã hình thành 7 chuỗi liên kết chăn nuôi với 176 trang trại. Diện tích nuôi trồng khai thác thủy sản tăng so với năm 2020…

Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh. Hiện toàn tỉnh đã được cấp 170 mã số vùng trồng, 32 mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Trên địa bàn tỉnh có hơn 233.522 ha cây trồng các loại liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, 4C (chiếm 41,5% tổng diện tích gieo trồng). Ngoài ra, toàn tỉnh có 295 nhãn hiệu hàng hóa nông sản đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ; 17 thương hiệu, nhãn hiệu hỗn hợp và 3 chỉ dẫn địa lý. Đến nay đã hình thành 18 vùng sản xuất mang tính công nghệ cao trên các loại cây cà phê, cây ăn quả, rau màu, dược liệu. Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả và dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 9 tỉnh được tham gia Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Không những vậy, hiện nay đã hình thành các chuỗi liên kết tổ hợp nhà máy chế biến đưa sản phẩm nông nghiệp Gia Lai sang thị trường các nước trên thế giới. Ngành đã ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông-lâm nghiệp, sử dụng phần mềm về đoán đọc ảnh vệ tinh, các phần mềm đọc bản đồ, cảnh báo cháy rừng, cập nhật diễn biến rừng…

Đặc biệt, toàn tỉnh đã thu hút được 295 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, lĩnh vực chăn nuôi có 209 dự án, trong đó, 26 dự án đã đi vào hoạt động; lĩnh vực trồng trọt có 50 dự án, trong đó, 29 dự án có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện; lĩnh vực trồng rừng có 36 dự án, trong đó, 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, cho thuê đất trồng rừng.

Về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành đã rà soát hiện trạng, đề xuất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bổ sung danh mục các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đảm bảo phát triển phù hợp với các quy định pháp luật. Tỷ lệ che phủ rừng tăng qua các năm, công tác trồng rừng đạt nhiều kết quả, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2023 giảm 46,9% so với giai đoạn 2018-2020. Hoạt động khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng tự nhiên được quan tâm triển khai…

Lãnh đạo huyện Đak Pơ tham quan mô hình trồng rau trong nhà lồng, cung cấp cây giống của ông Nguyễn Văn Hưng tại thôn Tân Sơn, xã Tân An. Ảnh: Minh Phương

Lãnh đạo huyện Đak Pơ tham quan mô hình trồng rau trong nhà lồng, cung cấp cây giống của ông Nguyễn Văn Hưng tại thôn Tân Sơn, xã Tân An. Ảnh: Minh Phương

*P.V: Thưa ông, ngành nông nghiệp đã đối mặt với những khó khăn, thách thức nào trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI?

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Giai đoạn 2021-2023, ngành nông nghiệp tỉnh gặp nhiều khó khăn và bất lợi như giá vật tư đầu vào tăng cao, giá nông sản bấp bênh, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trên các loại cây trồng, vật nuôi; chế độ chính sách cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng còn nhiều bất cập; các quy định của pháp luật về quy hoạch lâm nghiệp và đất đai trong giao đất, giao rừng thiếu thống nhất; nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ chậm và chậm hướng dẫn từ Trung ương gây khó khăn trong thực hiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng-chống thiên tai, logistics và các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa vững chắc; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chưa bền vững, thiếu doanh nghiệp mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Vượt qua những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã có những hướng đi phù hợp với thực tế của địa phương. Đặc biệt, việc Chính phủ ký các nghị định thư đã tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh xuất khẩu chính ngạch sang các nước trên thế giới cũng như kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước. Trên cơ sở các nghị quyết của Tỉnh ủy đã ban hành, các địa phương phân bổ nguồn lực đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời và những khó khăn từng bước tháo gỡ đã tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

*P.V: Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy

Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch và phát triển ngành, nhất là quy hoạch 3 loại rừng. Lập kế hoạch triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp và Chương trình OCOP. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết với đầu chuỗi là các doanh nghiệp có uy tín. Khắc phục 2 điểm yếu hiện nay của ngành nông nghiệp là giá trị trên một diện tích đất còn thấp và trình độ lao động sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp với hình thức Nhà nước hỗ trợ đầu tư giao thông, thủy lợi, doanh nghiệp đầu tư nhà máy, kết hợp chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ngoài ra, ngành chú trọng công tác dự báo, định hướng người dân, hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa trong thống kê, xây dựng dữ liệu của ngành, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và kênh phân phối sản phẩm. Tập trung xây dựng nông thôn mới; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp bằng các mô hình, chương trình, cách làm cụ thể…

*P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.