Đã thành thói quen, sau khi bơm thuốc BVTV cho cây trồng, ông Nguyễn Văn Viên (thôn An Xuân 3, xã Xuân An) gói gọn chai lọ, bao bì bỏ vào bể chứa. Ông Viên cho biết: Gia đình có hơn 1,1 ha đất trồng hoa màu và lúa. Trước đây, những bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, ông gom lại để ở khu đất trống rồi đốt.
“Mỗi lần đốt, bao bì thuốc BVTV cháy rất lâu kèm theo mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống. Năm 2015, xã xây dựng bể chứa tại các khu sản xuất để người dân thu gom bao bì thuốc BVTV bỏ vào sau khi sử dụng. Hội Nông dân xã cũng tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân chấp hành quy định.
Từ đó đến nay, sau mỗi lần phun thuốc BVTV xong, tôi đều bỏ vào bể chứa, giúp đồng ruộng sạch sẽ, hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ chính sức khỏe của bản thân và cộng đồng”-ông Viên cho biết.

Thôn An Xuân 3 có 35 ha đất trồng lúa và hơn 70 ha mía, mì, hoa màu. Từ năm 2015 đến nay, xã đã xây 6 bể chứa bao bì thuốc BVTV tại cánh đồng bầu Cây Da, bầu Miễu, Dộc Mè, Rộc Đá và Dấp Dảo.
Theo ông Nguyễn Văn Sang-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Xuân 3: Từ ngày có các bể chứa không còn tình trạng bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi dọc các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, mương nước. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con nông dân được nâng lên, cảnh quan môi trường nông thôn cũng trở nên sạch đẹp.
“Hàng quý, Chi hội thu gom bao bì thuốc BVTV tại các bể chứa đưa về điểm tập trung của xã để các đơn vị, ngành chức năng xử lý theo quy định”-ông Sang nói.
Để cải thiện tiêu chí môi trường, đầu năm 2025, xã Xuân An xây dựng kho chứa bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng chung của xã tại khu vực cánh đồng bầu Cây Da (thôn An Xuân 3).
Bà Đặng Thị Thúy Đào-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: Xuân An là xã thuần nông nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp của người dân tương đối lớn. Trong khi đó, bao bì thuốc BVTV làm từ nhựa, ni lông khó phân hủy. Sau khi sử dụng, một số chai, lọ thuốc BVTV còn tồn dư một lượng thuốc nhất định, nếu vứt bỏ không đúng nơi sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.

“Toàn xã hiện có 18 bể chứa trên các cánh đồng của 4 thôn. Song song với công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, vào ngày 20 tháng cuối của mỗi quý, Hội đôn đốc các chi hội thu gom, vận chuyển bao bì thuốc BVTV từ các bể chứa đưa về kho của xã. Hoạt động này duy trì hiệu quả nhiều năm nay, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”-bà Đào thông tin.
Cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom, vận chuyển bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đảm bảo quy định, đầu tháng 3 vừa qua, Hội Nông dân phường Ngô Mây ra mắt mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác thải BVTV đúng nơi quy định” với 10 hội viên nông dân tham gia.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thương-Chủ tịch Hội Nông dân phường-cho hay: Đây là mô hình thứ 2 trên địa bàn phường. Tham gia mô hình, các hội viên được tuyên truyền, hướng dẫn cách thu gom bao bì thuốc BVTV qua sử dụng bỏ vào nơi quy định. Hành động này lan tỏa nhận thức tới cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất.
“Thời gian đến, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn phường và đề xuất UBND phường xây dựng thêm bể chứa tại các khu sản xuất”-bà Thương nói.

Theo thống kê, trên địa bàn thị xã An Khê hiện có 72 bể chứa phế phẩm thuốc BVTV đặt tại các ngã ba, ngã tư ở khu vực sản xuất. Năm 2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và môi trường Hậu Sanh (tỉnh Bình Định) thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý 272 kg bao bì thuốc BVTV theo quy định.
Ông Trương Quốc Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê-nhìn nhận: Những năm qua, Hội Nông dân các xã, phường đã tích cực xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV. Đây là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe và môi trường, đồng thời góp phần chung tay nâng cao tiêu chí môi trường để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
“Để mô hình tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng và tổ chức thu gom bao bì thuốc BVTV từ các bể chứa theo quy định.
Cùng với đó, vận động hội viên nông dân ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc BVTV; tăng cường phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững”-ông Thắng nhấn mạnh.