Thiên đường Kỳ Co

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, có một cái tên là lạ bỗng trở nên quen thuộc với những tour du lịch. Chỉ cách trung tâm TP. Quy Nhơn chưa đến 25 km nhưng nhiều người dân ở Bình Định cũng ngỡ ngàng về cái tên Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn).

Kỳ Co thực chất là một bãi biển hình vành trăng khuyết, bao bọc xung quanh là 3 mặt núi cao. Trước khi cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á-cầu Nhơn Hội-nối TP. Quy Nhơn với xã Nhơn Lý, chưa ai biết đến Kỳ Co. Chỉ có những chàng ngư phủ lãng mạn ghé thuyền vào các hang đá nhìn chim yến làm tổ, nghe sóng tự tình và say đắm ngắm nhìn Kỳ Co như nàng tiên ngủ say bên triền núi.

 

Một góc bãi Kỳ Co. Ảnh: Võ Chiến
Một góc bãi Kỳ Co. Ảnh: Võ Chiến

Những năm gần đây, du lịch thành phố biển Quy Nhơn cựa mình khiến du khách thích thú, từ vẻ thơ mộng, bình yên của phố cho đến thức ăn tươi-ngon-rẻ và sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây. Khao khát khám phá hết vẻ đẹp của thành phố cũng như chinh phục, tìm kiếm nét hoang dã, nhiều người đã không ngần ngại vượt qua bán đảo của chim yến, khám phá đảo Hòn Khô, tìm đến Eo Gió để rồi lại ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hoang sơ của bãi Kỳ Co.

Đường núi hiểm trở nên trước đây chỉ có một con đường duy nhất để đặt chân lên bãi cát này, đó là đường biển. Từ bến thuyền xã Nhơn Lý, mất 15 phút để tàu ca nô cao tốc đánh một vòng cua là có thể nhìn thấy bãi cát trắng xóa nằm sõng soài thẹn thùng bên vách núi. Thiên nhiên kiến tạo một vòng cung đẹp đến tuyệt mỹ, bãi cát hình trăng khuyết bình yên đùa giỡn với những con sóng trên mặt nước trong xanh. 2 bên đầu bãi cát là những hang đá, khe núi tạo thành những mái che tự nhiên cho chim yến về đây làm tổ. Đây cũng là một nguồn lợi mà thiên nhiên ưu đãi cho người dân nơi đây.

Có đến đây mới hiểu hết câu ví von: “Biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Nước ở bãi Kỳ Co lúc nào cũng mát rượi và phô diễn tất cả sắc màu của biển tùy vào từng thời điểm trong ngày. Những ngày hè nắng nóng, nếu ai đó lỡ ngâm mình vào nước Kỳ Co thì cứ muốn hụp lặn cho cái mát lạnh bám riết vào người, cho đến khi da bàn tay nhăn lại vì ngâm nước quá lâu rồi mới lên xoãi người trên bãi cát sưởi ấm. Cứ nằm hàng giờ cho nắng, cát, sóng tan ra hòa làm một.

Có người đã quá lời so sánh Kỳ Co với thiên đường Maldives ở Ấn Độ Dương. Thực ra Maldives như một cô gái trâm anh quyền quý, còn Kỳ Co thì như một cô gái Digan hoang dã và phóng khoáng. Âm thanh và sự phô diễn sắc màu ở Kỳ Co là một vũ điệu kỳ lạ của thiên nhiên, của núi và biển, của hoang dại và kiêu kỳ. Không cần e ngại về sự đắt đỏ như ở Maldives, ta chỉ cần vác ba lô lên, cùng với tình yêu biển, rồi vượt qua con đường đèo đang làm tạm để tự tình với Kỳ Co.

“Đến Ép Lò Xo (FLC), hóng mát Eo Gió, tắm biển Kỳ Co”, một giọng quê Bình Định đặc sệt cố tình cho ra vẻ văn thơ vẫn cứ cộc lốc nhưng có sức cuốn hút lạ kỳ. Cái tên Kỳ Co nghe lạ lẫm, hỏi người dân không ai giải thích được, anh chàng giọng quê thì cằn nhằn: “Thì Kỳ Co là Kỳ Co, đừng nói kỳ cọ là được rồi”. Nghĩa là vẫn còn sự bí ẩn để thách thức chàng hoàng tử nào đến chinh phục nàng tiên Kỳ Co mới vừa được đánh thức.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.