Thị trường vẫn ảm đạm dù vốn tín dụng vào bất động sản tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Với nhiều giải pháp tạo điều kiện cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng tín dụng của kinh doanh vào lĩnh vực này tăng cao. Tuy nhiên, theo dự đoán của các Bộ ngành cũng như chuyên gia, trong thời gian tới (quý II, III) thị trường sẽ vẫn tiếp tục xu hướng ảm đạm cả về giá, nhu cầu và sức mua...
Thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động như trước đây. Ảnh: Cao Nguyên.

Thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động như trước đây. Ảnh: Cao Nguyên.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong quý I/2023, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 2,6%. Tính tới cuối tháng 2.2023, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 2,19% (riêng tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%).

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.

Ngoài ra, nhà điều hành cũng lưu ý các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu ở thực, cũng như hoạt động kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, kết thúc quý I năm nay, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục duy trì sự trầm lắng. Thanh khoản thị trường giảm sâu xuyên suốt những tháng qua (từ giữa năm 2022 đến nay) khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch.

Trong quý I/2023 phân khúc đất nền ghi nhận 67.268 giao dịch thành công. Qua số liệu cho thấy, lượng giao dịch đất nền trong quý vừa qua giảm gần 55% so với quý trước đó và giảm 56% so với cùng kỳ.

Nếu so sánh số lượng trên với thời điểm thị trường diễn biến sôi động nhất (quý II/2022; lượng giao dịch đất nền là 213.018), lượng giao dịch đất nền đã giảm 68,4%.

Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Ảnh: Cao Nguyên.

Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Ảnh: Cao Nguyên.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thị trường vẫn tiếp tục ghi nhận thông tin giải thể, tạm ngừng hoạt động của một lượng lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Tình trạng bỏ nghề, thất nghiệp vẫn diễn ra theo chiều hướng tăng mạnh trong ngành bất động sản.

Dữ liệu của VARS cũng cho thấy thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa đầu năm 2022.

Tỉ lệ hấp thụ trong quý vừa qua cũng chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh giảm.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nhận định, trong quý I, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao. Đặc biệt, các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực.

Còn bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội - cho rằng, khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn và sản phẩm phù hợp.

Thị trường vẫn đang chờ đợi các vấn đề pháp lý quan trọng được thông qua từ giờ cho tới cuối năm 2023 như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu Thầu (sửa đổi).

Liên quan đến diễn biến thị trường bất động sản, trong báo cáo gửi cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023, Bộ Tài chính dự báo thị trường bất động sản trong thời gian tới (quý II, III) sẽ vẫn tiếp tục xu hướng ảm đạm cả về giá, nhu cầu và sức mua của thị trường.

Có thể bạn quan tâm