Thể thao Việt Nam: Đua tranh SEA Games, hướng tới ASIAD và Olympic

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thể thao Việt Nam cần làm gì sau một năm nhiều biến động là nỗi âu lo đau đáu của những nhà quản lý, như Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt trải lòng.

+ Phóng viên: Thưa ông, trong một năm không nhiều điểm nhấn ấn tượng về các môn thể thao thành tích cao ngoại trừ tấm HCV bóng đá nam ở ASEAN Cup, ông đánh giá ra sao về hoạt động của thể thao Việt Nam năm 2024 vừa qua?

- PGS-TS Đặng Hà Việt: Năm 2024 đã qua đi, đánh dấu một năm có nhiều biến đổi trên thế giới và ở nước ta với những cảm xúc lo lắng, vui mừng đan xen. Đối với ngành TDTT đây là cũng là một năm công tác rất bộn bề. Đến thời điểm này có nhiều kết quả đạt được, nhất là trong những ngày cuối năm 2024 và đầu năm 2025, cả dân tộc Việt Nam đã được sống trong niềm vui chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam với lần thứ 3 giành chức vô địch Đông Nam Á.

PGS-TS, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt - Ảnh: Đông Linh
PGS-TS, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt - Ảnh: Đông Linh

Một năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các địa phương, Cục đã tích cực triển khai kế hoạch công tác được giao trong năm 2024, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, có 4 điểm sáng đáng ghi nhận như:

- Một là, Với quyết tâm tạo đột phá trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế,cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển TDTT, năm 2024, Cục đã tham mưu, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành 1 Kết luận của Bộ Chính trị; trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Chiến lược… Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng đã tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TDTT, xây dựng kế hoạch tổng kết thi hành Luật TDTT. Trong đó, 2 văn bản quan trọng là Kết luận của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã góp phần khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nền tảng cho đột phá, phát triển của ngành.

Tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024 - Ảnh: Thạo Hoàng
Tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024 - Ảnh: Thạo Hoàng

- Hai là, công tác phát triểnphong trào thể dục thể thao cho mọi người tiếp tục phát triển sâu, rộng trên địa bàn cả nước; số lượng người tập thể dục, thể thao thường xuyên, số câu lạc bộ thể dục, thể thao ngày càng tăng. Nhiều hoạt động thể dục thể thao tạo tiếng vang lớn, thu hút đông người tham gia, như Chương trình Bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, các giải chạy marathon, bóng đá, bóng chuyền hơi, pickleball, các hoạt động thể thao gắn với lễ hội truyền thống… Người dân đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tác dụng, vai trò của hoạt động thể dục thể thao đối với việc nâng cao sức khoẻ, phòng, chống bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó ngày càng có nhiều người tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Thông qua các hoạt động TDTT đã góp phần vào việc nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc VN, đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức trên phạm vi cả nước - Ảnh: Đông Linh
Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức trên phạm vi cả nước - Ảnh: Đông Linh

- Ba là, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 đạt chỉ tiêu đề ra, với tấm huy chương đồng hạng cân 49kg môn cử tạ của vận động viên Lê Văn Công. Thành tích của Lê Văn Công giúp thể thao người khuyết tật Việt Nam có kỳ Paralympic thứ ba liên tiếp giành huy chương sau các năm 2016 và 2021. Thành tích cao gặp nhiều khó khăn, thử thách, với nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng nhất là giành nhiều nhất số lượng vận động viên vượt qua vòng loại và phấn đấu có huy chương tại Olympic Paris. Kết quả đã có 16 VĐV của 11 môn giành suất tham dự Olympic và mặc dù chưa đạt được mục tiêu thành tích đề ra, song các thông số thành tích của hầu hết vận động viên tại Paris được cải thiện, cụ thể như xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với hai lần vào chung kết các nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao. Tựu chung, về kết quả thi đấu quốc tế năm 2024, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 1.365 huy chương (542 HCV, 406 HCB, 417 HCĐ), trong đó, tiêu biểu là việc đội tuyển bóng đá nam quốc gia và đội tuyển futsal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á; đội tuyển bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành huy chương đồng thế giới và lần thứ 2 giành huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á và nhiều thành tích xuất sắc khác.

Lực sĩ TTNKT Lê Văn Công giành huy chương đồng tại Paralympic Paris 2024
Lực sĩ TTNKT Lê Văn Công giành huy chương đồng tại Paralympic Paris 2024

- Bốn là, năm 2024 cũng là năm đánh dấu sự nổi bật của công tác đối ngoại về thể dục thể thao. Với vai trò là chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 15 (SOMS 15) được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

+ Theo ông, kỳ Olympic thứ hai liên tiếp không thành công có ý nghĩa, ảnh hưởng và tác động gì đến hành trình phát triển của thể thao Việt Nam?

- PGS-TS Đặng Hà Việt: Đầu tư cho Olympic là cả một quá trình, có những biện pháp có thể thực hiện ngay nhưng có những việc cần phải có thời gian, nhân tố VĐV tài năng cụ thể mới có thể chuyển biến từ "lượng" thành "chất". Vấn đề là chúng ta đã có được sự chuyển biến trong nhận thức về hướng đi cho thể thao thành tích cao tại Hội nghị "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" không những chỉ ra những bất cập, những yếu kém và lạc hậu mà còn đề ra các giải pháp và tạo sự đồng lòng, sự quyết tâm trong việc phải thay đổi tư duy, cách làm của Thể thao Việt Nam.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh vào chung kết 2 nội dung bắn súng tại Olympic Paris 2024
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh vào chung kết 2 nội dung bắn súng tại Olympic Paris 2024

Olympic là đấu trường lớn, là nơi quy tụ các vận động viên mạnh nhất của thế giới, trong đó các nền thể thao lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh... có lực lượng vận động viên sở hữu trình độ vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Cục TDTT cũng đã xác định đây là kỳ Olympic có những cơ hội nhất định nhưng thách thức cũng rất lớn, nhất là khi đánh giá thông số thành tích của các VĐV chúng ta còn có khoảng cách so với ngưỡng thành tích có thể tranh chấp huy chương. Qua thực tế thi đấu của Đoàn TTVN tại 2 kỳ Olympic gần đây, điều này càng bộc lộ rõ. Một số vận động viên của chúng ta có cố gắng trong thi đấu nhưng chỉ có thể "vượt qua chính mình", khó tranh chấp huy chương.

Thể thao Việt Nam còn khoảng cách khá xa với đấu trường Olympic
Thể thao Việt Nam còn khoảng cách khá xa với đấu trường Olympic

Mặc dù chúng ta đã có sự đầu tư, cũng như đưa ra chiến lược đối với các môn trọng điểm nhưng chưa có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương trong việc xác định mục tiêu, nội dung trọng điểm đầu tư, hệ thống tuyển chọn tài năng, chương trình đào tạo tài năng, hệ thống thi đấu các cấp các môn, nội dung trọng điểm… Để triển khai kế hoạch đào tạo lực lượng vận động viên trọng điểm, đầu tư cho tuyến vận động viên mới cho các kỳ Olympic, ASIAD tiếp theo cần có nguồn lực tương xứng mới có thể phát huy hiệu quả, không chỉ đầu tư trực tiếp cho công tác tuyển chọn, huấn luyện lực lượng vận động viên trọng điểm mà cần có sự đầu tư mạnh mẽ để cải thiện các điều kiện nền tảng như cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, khoa học công nghệ.... Thực tế là đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao ở nước ta trong giai đoạn hiện nay phần lớn là từ ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương), việc huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này còn hạn chế. Mặc dù trong những năm qua, ngành Thể dục thể thao đã có nhiều nỗ lực trong đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút nguồn lực, sự tham gia của xã hội cũng như tăng cường phát triển thể thao chuyên nghiệp để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đều được tham gia trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, song kết quả đạt được rõ ràng chưa được như mong muốn. Vì vậy, để có thể huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, cần thực hiện song song đồng bộ các giải pháp.

Các môn thể thao thành tích cao rất cần có sự tiếp sức từ các nguồn lực xã hội
Các môn thể thao thành tích cao rất cần có sự tiếp sức từ các nguồn lực xã hội

Về nguồn lực từ ngân sách nhà nước, trong thời gian tới phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh phân bổ kinh phí ngân sách cho hoạt động thể thao thành tích cao theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực cho nâng cấp, cải tạo, mở rộng, cải thiện các điều kiện tập huấn VĐV tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đổng thời, có kế hoạch phối hợp với các ngành Quân đội, Công an và các địa phương để phân công nhiệm vụ đào tạo, huy động nguồn lực tổng hợp và phát huy điều kiện, lợi thế của từng đơn vị trong đào tạo vận động viên trọng điểm.

+ Cũng như nhiều lĩnh vực xã hội khác, thể thao cũng có những mặt tích cực và chưa tích cực, dù các vấn đề được công luận nhắc đến không hề mới. Nếu được mổ xẻ và tìm giải pháp "chữa lành", ông và ngành sẽ phải thực hiện "những việc cần làm ngay" nào và làm ra sao?

- PGS-TS Đặng Hà Việt: Trong những năm gần đây, TTVN đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế cả về công tác tổ chức và thành tích thi đấu. Để đạt được những thành tựu đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong việc đầu tư và chăm lo phát triển phong trào TDTT, bồi dưỡng tài năng trẻ thể thao; đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm, các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD để nâng cao thành tích thể thao. Cùng với đó, yếu tố quan trọng để làm nên những thành công của thể thao Việt Nam là sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực vì màu cờ, sắc áo của toàn thể cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên và những người làm công tác thể thao. Bên cạnh đó, một trong những điểm mạnh để thể thao Việt Nam đạt được những thành tích lớn trong những năm gần đây là kết quả của công tác xã hội hóa trong hoạt động thể thao mang lại. Trong khi đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, nguồn ngân sách đầu tư cho thể thao còn hạn hẹp, công tác xã hội hóa thể thao đã phát huy tác dụng, nhiều chính sách ưu đãi xã hội hóa thể thao mang lại đã thu hút các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao, mở các câu lạc bộ thể thao đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho thể thao quốc gia.

Ngành TDTT đang hoàn thiện "Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm Olympic, ASIAD"
Ngành TDTT đang hoàn thiện "Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm Olympic, ASIAD"

Trong thời gian tới, ngành TDTT sẽ tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phối hợp với các Bộ (Công an, Quốc phòng) và các địa phương tập trung phân nhóm, đầu tư trọng điểm cho các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic. Cùng với việc triển khai Chiến lược phát triển TDTT, Cục TDTT cũng đang hoàn thiện "Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic, ASIAD" để trình Thủ tướng Chính phủ. Chương trình này cũng xác định mục tiêu, lộ trình, đối tượng, phương thức và giải pháp đầu tư cho từng nhóm môn và nội dung thể thao trọng điểm, ứng với từng kỳ Olympic và ASIAD. Đồng thời xác định địa bàn đào tạo để có hướng phân cấp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan trung ương và 2 ngành Quân đội, Công an, các địa phương trong công tác đào tạo lực lượng vận động viên trọng điểm. Song song cùng với việc tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Cục cũng sẽ xác định các giải pháp để mở rộng xã hội hóa và đẩy nhanh quá trình phát triển thể thao chuyên nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo vận động viên.

+ Năm 2025 có rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và ngành (kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh, 79 năm ngày Thể thao Việt Nam, SEA Games lần 33…), TTVN hướng đến các mục tiêu hoạt động gì và chỉ tiêu thực hiện ra sao để đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ?

- PGS-TS Đặng Hà Việt: Đất nước của chúng ta đang trong giai đoạn phát triển, kỷ nguyên mới cũng đang mở ra, ngành TDTT ý thức được trách nhiệm của mình là phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trách nhiệm của mình đóng góp vào thành tựu chung của ngành VHTTDL. Mặc dù năm 2025 được dự báo là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành TDTT, song cũng có không ít những thuận lợi trong bối cảnh triển khai ngành TDTT thực hiện Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Huân chương Lao động cho đội tuyển Việt Nam - Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Huân chương Lao động cho đội tuyển Việt Nam - Ảnh: NHẬT BẮC

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong chương trình năm 2025 cũng như 7 nhiệm vụ trọng tâm của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành VH-TT-DL. Trong năm 2025, Ngành TDTT xác định các mục tiêu cần phải tập trung triển khai: 1) Đổi mới mạnh mẽ công tác hoàn thiện thể chế, chính sách về thể dục thể thao; 2) Phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, thể thao thành tích cao theo chiều sâu; 3) Tập trung triển khai kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành đơn vị, phát huy hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động chuyên môn, sự nghiệp TDTT.

Năm 2025 là năm bản lề triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây cũng là năm cần có sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách. Vì vậy, Cục Thể dục thể thao sẽ tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TDTT, làm cơ sở đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực TDTT, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn tới, nhất là các chế độ, chính sách đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao, đồng thời xây dựng các văn bản, đề án thành phần đã đề ra trong Chiến lược và tập trung cao độ giành mục tiêu trong tốp thứ 3 tại SEA Games 33 diễn ra trên đất nước Thái Lan.

+ Một lời chúc đầu năm dành cho thể thao Việt Nam và người hâm mộ nước nhà, với tư cách lãnh đạo ngành, ông muốn gửi gắm mong muốn gì?

- PGS-TS Đặng Hà Việt: Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, thay mặt lãnh đạo Cục TDTT, tôi chúc các cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên và người hâm mộ thể thao cả nước cùng gia đình bước sang năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng; chúc các em vận động viên tiếp tục gặt hái được nhiều thành công tại SEA Games 33 và các giải thể thao quốc tế trong năm 2025, góp phần nâng vị thế của TTVN lên một tầm cao mới và khẳng định được truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Theo Đào Tùng (thực hiện/NLĐO) - Ảnh: Ngọc Linh, IWF, VBF

Có thể bạn quan tâm

Khởi đầu năm mới khỏe khoắn với thể thao

Khởi đầu năm mới khỏe khoắn với thể thao

(GLO)- Năm mới là thời khắc dành cho những sự khởi đầu và có nhiều cách để thực hiện điều đó. Với nhiều người dân tại Gia Lai, thể thao là sự lựa chọn hàng đầu để khai Xuân mở ra một năm mới với sự hứng khởi và tràn đầy năng lượng.

Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chào đón đoàn vận động viên Gia Lai giành thành tích cao ở Giải Vô địch trẻ Kickboxing thế giới. Ảnh: V.N

Thể thao Gia Lai vươn mình ra biển lớn

(GLO)- Năm 2024, thể thao Gia Lai thiết lập được những cột mốc lịch sử. Không chỉ thể hiện trình độ ở các giải đấu trong nước, nhiều vận động viên (VĐV) còn vươn mình ra biển lớn châu lục và thế giới.

Thái Lan tìm cách ngăn Xuân Son dự SEA Games 2025

Thái Lan tìm cách ngăn Xuân Son dự SEA Games 2025

Ban tổ chức SEA Games 2025 đang nghiêng về khả năng áp dụng giới hạn độ tuổi U22 ở môn bóng đá nam và không có quota dành cho cầu thủ lớn tuổi. Điều đó có nghĩa những cầu thủ quá tuổi như Quang Hải, Xuân Son... sẽ không được dự.