Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không ngại khó khăn, vất vả, các y-bác sĩ trẻ ở Gia Lai thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân nơi vùng sâu, vùng xa.

Sáng 28-5, đoàn y-bác sĩ của Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ tỉnh, Bệnh viện 331, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai về xã Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang) để tham gia Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác-Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.

Y-bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Pleiku khám bệnh cho người dân làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Minh Nhật

Y-bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Pleiku khám bệnh cho người dân làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: Minh Nhật

Chặng đường di chuyển dài hơn 50 km song không ai tỏ ra mệt mỏi. Khi đến nơi, các y-bác sĩ nhanh chóng phối hợp với đoàn viên, thanh niên ở xã kê bàn, sắp xếp dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc men để sẵn sàng khám bệnh, phát thuốc cho bà con. Tùy theo chuyên môn, các y-bác sĩ phụ trách từng khu vực riêng về da liễu, chấn thương, tiêu hóa... Mỗi khu vực khám luôn có đoàn viên, thanh niên của xã túc trực hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng đơn thuốc cho người dân.

Được thông báo từ mấy ngày trước nên bà con tập trung khá đông tại Nhà văn hóa xã từ sớm để chờ đến lượt khám bệnh. Các bác sĩ ân cần khám bệnh, hỏi han cặn kẽ triệu chứng để chẩn đoán, kê đơn thuốc. Những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ kê đơn thuốc điều trị, bổ sung thêm vitamin C, thuốc bổ để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ đề nghị người dân đến bệnh viện tuyến trên để kịp thời điều trị.

Chị Jăng (làng Bông Pim) cho biết: “Con mình bị ho cả tuần rồi. Do bận việc nên mình chưa chở đi khám được. Nghe thông báo có đoàn bác sĩ về khám bệnh, mình đưa con tới khám. Bác sĩ khám tận tình, cho con mình thuốc điều trị”. Còn anh Thứ (làng Đê Bơ Tưk) thì chia sẻ: “Mình bị đau lưng, bác sĩ khám và cho thuốc điều trị. Mỗi khi có bác sĩ về khám bệnh là bà con mừng lắm”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, 30 y-bác sĩ đã khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho 300 lượt người dân. Bên cạnh đó, y-bác sĩ còn hướng dẫn bà con một số phương pháp phòng-chống các bệnh về da, sốt xuất huyết, tiêu chảy…; hướng dẫn cài đặt và sử dụng sổ sức khỏe điện tử thông qua việc quét mã QR để nắm bắt và quản lý thông tin sức khỏe của bản thân.

Là thành viên CLB Thầy thuốc trẻ tỉnh, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã 5 lần tham gia hoạt động khám bệnh tại cơ sở. “Chúng tôi thường đến khám bệnh ở vùng sâu, vùng xa. Đến tận nơi, biết khó khăn, thiếu thốn ở cơ sở, chúng tôi càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm nghề nghiệp của mình, từ đó không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tận tâm chăm sóc sức khỏe người dân”-bác sĩ Hùng tâm sự.

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân xã Đak Jơ Ta cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử. Ảnh: Minh Nhật

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân xã Đak Jơ Ta cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử. Ảnh: Minh Nhật

Những năm qua, Trung tâm Y tế TP. Pleiku cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức ít nhất 4 hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Mỗi đợt tình nguyện thường có 10-14 y-bác sĩ trẻ tham gia. Ngoài khám tại địa điểm cố định, các y-bác sĩ còn đến khám, cấp thuốc cho người khuyết tật, người cao tuổi đi lại khó khăn.

Bác sĩ Hoàng Thị Loan-Bí thư Đoàn cơ sở Y tế TP. Pleiku-chia sẻ: “Tôi không nhớ hết số lần mình tình nguyện tham gia khám bệnh cho người dân. Mỗi chuyến đi tuy có mệt, song lại vô cùng ý nghĩa, giúp chúng tôi hiểu hơn tình hình đời sống, sức khỏe của bà con, từ đó mà nỗ lực góp sức chia sẻ phần nào khó khăn của họ”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 CLB thầy thuốc trẻ đang hoạt động. Hàng năm, mỗi CLB thường tổ chức 2-5 hoạt động tình nguyện tại vùng sâu, vùng xa. Hoạt động thường được tổ chức vào ngày cuối tuần. Thay vì nghỉ ngơi, các y-bác sĩ lại hăng hái, tình nguyện đến với những vùng khó khăn để khám bệnh cho người nghèo, xem đó là một cách đóng góp, chia sẻ. Việc làm này góp phần lan tỏa giá trị cao đẹp như lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”.

Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-thông tin: “Với phương châm “Ở đâu có thầy thuốc trẻ, ở đó có hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, thời gian qua, các y-bác sĩ trẻ thường xuyên hành trình về vùng khó để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân. Đây là dịp để đội ngũ y-bác sĩ trẻ của các bệnh viện gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết, chung sức vì các hoạt động cộng đồng. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn, tập hợp các CLB thầy thuốc trẻ tiến tới thành lập Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.