Thầy giáo làng tìm di chỉ cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong trưa tháng 5, giữa nắng nóng cùng gió Lào hầm hập, thầy giáo già Lê Quốc Tường kể cho tôi nghe về những tìm tòi, phát hiện của ông qua 35 năm sưu tầm hiện vật đồ đá mới ở xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

 Thầy Tường và chiếc rìu đá sưu tầm ở xã Phú Định
Thầy Tường và chiếc rìu đá sưu tầm ở xã Phú Định



Những sưu tầm của người thầy giáo làng có giá trị lớn về mặt học thuật cũng như bổ sung một địa chỉ khảo cổ mới đáng được chú ý trên bản đồ khảo cổ Việt Nam.

Truyền đam mê sử đến học trò

Lên Phú Định, xã kinh tế mới miền núi huyện Bố Trạch, hỏi nhà thầy Tường ở đâu, người làng chỉ rất nhiệt tình, không ít người khoe từng là học trò của thầy. Thầy Tường dạy môn Lịch sử nên hay sưu tầm dụng cụ bằng đá mà con người xưa dùng làm vật chặt cây, chiến đấu dã thú… Người dân gọi thầy là “thầy Tường đồ đá”.

Cô nhân viên Phòng Văn hóa xã hội của xã Phú Định tên Lê Thị Lưu Luyến nói: “Em là một trong số hàng ngàn học trò của thầy Tường. Thầy dạy môn sử sống động và hấp dẫn bởi cách giảng dạy trực quan với đạo cụ bằng đá tinh xảo”. Luyến đưa tôi đến căn nhà nép mình dưới vườn cây trên ngọn đồi nhỏ. Thầy Tường đã về hưu được 3 năm nhưng vẫn đam mê những mảnh rìu, mảnh tước… bằng đá.

“Đó là mùa hè 1985, Phú Định đường sá xa cách, học trò của tôi bị ốm, tôi cuốc bộ chân đất đến thăm. Hồi đó, hệ thống y tế không phát triển, trò sốt ở nhà, người nhà lấy một mảnh đá mài thành bột cho con uống. Vị phụ huynh ấy giải thích là những mảnh đá đó được cha ông truyền lại rằng có linh khí đất trời tự nhiên. Sốt uống vào sẽ lành. Trò uống 3 hôm thì lành. Tôi tò mò vì sao mảnh đá lại có công dụng vậy, liền xin về xem xét. Với phương pháp luận của người học sử, tôi nhận thấy, mảnh đá ấy là một chiếc rìu cách tuổi đời tôi ước đến 12.000 năm... Đấy là một phát hiện tình cờ nhưng đã “đóng đinh” vùng đất cổ Phú Định ngày xưa từ thời kỳ đồ đá trước Công nguyên. Cái này tôi tự nghiên cứu bằng tài liệu đọc được và từ các hình ảnh đối chứng. Tôi nói với vợ tôi, cũng là một giáo viên trường làng rằng, Phú Định đã trở thành một vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử cổ học và cần một cuộc khảo cổ tầm cỡ”, thầy Tường kể.

Xác định đấy là một di chỉ như Bàu Tró (Đồng Hới), Cồn Nền (Quảng Trạch), hay như các di chỉ quan trọng khác, thầy Tường đã truyền cảm hứng khám phá lịch sử cho các lớp học trò từ lớp 6 đến lớp 9 của mình. “Tôi đã phát động 2 phong trào: Chúng em làm khảo cổ và Nhân dân làm khảo cổ. Từ đó, hơn 100 hiện vật là rìu đá, mảnh tước, cuốc đá… được học trò, người dân tìm thấy. Với tôi, vui nhất là học trò đã hào hứng học môn Lịch sử. Khi các em đi chăn trâu, cắt cỏ đều biết tranh thủ tìm kiếm hiện vật bằng đá để cùng nghiên cứu, học tập và hiểu hơn về lịch sử hình thành từ buổi sơ khai của loài người ở giai đoạn thời kỳ đồ đá mới”, thầy Tường tâm sự.

Cô gái Lê Thị Lưu Luyến, người được thầy Tường truyền cảm hứng nghiên cứu lịch sử, nhớ lại: “Chúng em học trường làng, học trong sách thấy loài người trải qua những thời đại đồ đá cũ, đồ đá mới, nhưng không tưởng tượng ra được như thế nào. Nhờ học thầy Tường, các thế hệ học trò ở đây đã được quan sát những hiện vật sinh động. Những mảnh tước, mảnh rìu bằng đá im lìm hàng ngàn năm trên mảnh đất quê hương được thầy đưa vào tiết học. Nhờ đó, chúng em biết về hàng ngàn năm trước người Việt cổ sinh hoạt như thế nào để sinh tồn, duy trì cuộc sống trước tự nhiên, trước dã thú. Thầy vẫn thường khuyên chúng em, tổ tiên loài người từ thời kỳ đồ đá cũ đến thời kỳ đồ đá mới khổ trăm bề, nhưng đã tiến hóa để bước vào thời kỳ kim khí. Vì thế, trong cuộc sống, các em phải vượt khó học tập, tiếp cận khoa học công nghệ để góp phần phát triển đất nước”.

Muốn giải mã vùng đất cổ

Từ năm 1993, thầy Tường lập một danh sách hơn 100 học sinh có những cống hiến cho phong trào Chúng em làm khảo cổ, để ghi nhận sự tích cực của các em khi làm công tác sưu tầm những hiện vật lịch sử bằng đá… Thậm chí, thầy còn trích lương để thưởng các em mua tập vở, sách nhằm khích lệ tinh thần nghiên cứu, học tập của các em. Đến nay, thầy Tường đã sưu tầm được hơn 100 hiện vật trên mảnh đất Phú Định. Trong số hơn 100 mẫu sưu tầm được, thầy giáo làng đã tạo ra một bộ sưu tập với 28 hiện vật đầy đủ lớp lang, thứ tự có giá trị về lịch sử, khoa học từ phổ biến đến quý hiếm để tặng bảo tàng Quảng Bình; 4 mẫu khác tặng cho ngành văn hóa huyện Bố Trạch.

Theo bà Trần Thị Diệu Hồng, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, toàn bộ 28 hiện vật đều thuộc giai đoạn đầu của nền văn hóa Hòa Bình kéo dài đến hậu kỳ đồ đá mới, văn hóa Bàu Tró có niên đại khoảng 12.000 năm đến 3.500 năm trước Công nguyên. Bộ sưu tập góp mặt đầy đủ các mẫu vật như: mảnh tước, bôn đá, lưỡi cuốc, lưỡi rìu, phác vật rìu đá - những công cụ mà người nguyên thủy chế tạo sử dụng trong lao động, sản xuất. Chất liệu các công cụ khá phong phú, từ những lưỡi rìu bằng đá cuội ghè đẽo một mặt đến các mẫu rìu vai xuôi, vai vuông được mài toàn thân.

Bà Diệu Hồng đặc biệt nhấn mạnh, ngoài mẫu vật rìu Hòa Bình, Hoa Lộc, Quỳnh Văn, Hạ Long, Phùng Nguyên, Bàu Tró, bộ sưu tập còn có một mẫu vật rìu đá Bắc Sơn. Đây là những hiện vật mà các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước chưa phát hiện được trong những lần khai quật trước đó vào năm 1923 và 1980 ở Quảng Bình. Phát hiện hết sức độc đáo và có giá trị khoa học vô cùng to lớn này đã đánh dấu địa danh Phú Định trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ khảo cổ học của cả nước.

Thầy giáo Lê Quốc Tường trăn trở: “Di chỉ Bàu Tró tìm được 77 hiện vật, Phú Định phát tích hơn 100 hiện vật. Nếu có một cuộc khảo cổ nghiêm túc cấp tỉnh hoặc cấp nhà nước, tôi tin đây sẽ là một di chỉ khảo cổ quan trọng. Có thể người ta cho tôi chỉ là một giáo viên làng không biết sâu chuyên môn khảo cổ, nhưng tôi tin chắc, nơi đây còn phát lộ nhiều bất ngờ nếu các nhà khoa học chú tâm tìm kiếm. Mảnh rìu đá Bắc Sơn là một mảnh rìu quan trọng, đấy là mảnh rìu của một nền văn hóa còn sớm hơn cả những hiện vật tìm ra ở Bàu Tró. 35 năm qua, tôi mong có một cuộc thám sát chuyên nghiệp, nay về hưu đã 3 năm, tuổi già sức yếu, số hiện vật còn lại tôi đã tặng cho các giáo viên dạy lịch sử, truyền lại một phần cho con tôi. Tôi vẫn mong có một cuộc khảo cổ ở Phú Định để giải mã những gì tôi tìm tòi 35 năm qua ở mảnh đất cổ này”.

Ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, cho biết: “Bảo tàng tỉnh đang có các kế hoạch lập những điểm khảo cổ trên địa bàn. Phú Định là một địa danh trong kế hoạch này. Việc khảo cổ sẽ lập các hố thám sát để xác định lịch sử vùng đất. Nó sẽ được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành rất nghiêm túc”.

Theo MINH PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.