Thật có lỗi với mẹ tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quê ngoại tôi ở làng Bảo An (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhưng tôi chưa một lần về quê đúng nghĩa! Sống ngay trên chính quê mẹ đầy niềm tự hào mà tôi vẫn như một người tạm trú

Quê tôi dọc triền sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Làng Bảo An là quê mẹ của tôi. Những năm còn thơ bé, nằm trên chiếc chõng tre dưới đêm trăng thượng nguồn, mẹ thường kể về ông ngoại tôi, lâu ngày hình ảnh của ông gần gũi đến thân quen như một ông tiên trong truyện cổ tích.

Nghe mẹ tôi kể, ông ngoại Phan Niên là một vị quan trong thời phong kiến, thường đi ngựa lang bạt từ làng Bảo An về Đại Lộc như một văn nhân nhàn tản. Không biết có phải từ gốc gác lang bạt này của ông mà về sau mẹ tôi trở thành con dâu của xứ sở thượng nguồn sông Vu Gia?

Câu chuyện tuổi thơ chắp vá, mơ hồ ấy ngỡ đã quên lâu rồi, cho đến năm 1975, khi tôi dạy học tại huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), mẹ đôi lần cùng tôi về nhà thờ tộc Phan trong những dịp thanh minh quê ngoại.

Từ đó, tôi hiểu thêm cội nguồn, quê mẹ của tôi. Một vùng quê, một vùng văn học, chiếc nôi văn hóa trù phú của đất Quảng Nam "chưa mưa đã thấm" là nơi mẹ tôi sinh ra. Nếu không có những năm tháng sống và làm việc ở nơi đây thì chắc gì tôi đã hiểu tường tận quê ngoại của mình.

 

Gò Nổi - quê mẹ tôi Ảnh: PHẠM TẤN LỜI
Gò Nổi - quê mẹ tôi Ảnh: PHẠM TẤN LỜI


Nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi còn làm văn nghệ ở Điện Bàn, ngày ấy các nhà văn Phan Tứ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Thị Kim Cúc, Hoàng Minh Nhân… mỗi lần về đây sáng tác, tôi đều được tháp tùng cùng các anh chị đi dọc con sông Thu Bồn. Từ "Những biền dâu sống lại" của Ngô Thị Kim Cúc đến bút ký "Đứa con phù sa" của Hoàng Phủ Ngọc Tường rồi tuyển thơ "Giữa xanh thẳm Thu Bồn" của nhiều tác giả. Tất cả họ đã soi mình vào mảnh đất này như chiếc thuyền con tắm mát giữa dòng sông lịch sử thông qua bằng chính tác phẩm của mình.

Những ngày mẹ sống bên tôi ở thị trấn nhỏ này, nỗi nhớ quê luôn là tâm trạng khắc khoải, bồn chồn đến day dứt của bà. Mẹ cứ mong được các con đưa về thăm nhà thờ tộc Phan trên Gò Nổi. Và biết đâu chính những câu thơ tôi viết về làng Đại Hồng bé nhỏ, nơi quê chồng của mẹ lại là tâm trạng của bà với cái làng Bảo An, quê ngoại của tôi mà mẹ đã cách xa từ thời còn con gái:

"Cái làng ấy ra đi cùng tôi

Mà tôi nào hay biết

Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết

Con sông quê, bóng núi cứ chập chờn

Xưa tôi sống trong làng, giờ làng sống trong tôi".


Quê chồng, một bên là núi non thơ mộng, nơi có thắng cảnh Bằng Am - Khe Lim nổi tiếng, bên kia là con sông Vu Gia hiền hòa chảy dọc suốt thời thiếu nữ mẹ tôi những năm tháng chiến tranh. Thế mà trong một góc nhỏ của ký ức, mẹ tôi vẫn luôn thao thức nhớ về cái làng Bảo An ngày thơ bé với biết bao vui buồn...

Những năm 1980, do phụ trách Chi hội Văn học Nghệ thuật Điện Bàn mà tôi may mắn được cùng với các nhà văn lần theo hành trang cuộc đời của những nhân vật lịch sử như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phan Khôi, Lê Đình Dương, Trần Quý Cáp… trên mảnh đất giàu có văn hóa này.

Trong bút ký "Đứa con phù sa", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: "Trong khoảng một nghìn năm trăm năm từ ấy đến giờ, trải biết bao hoạn nạn của trời đất, thế mà cái dòng chảy của sông Thu Bồn hầu như không hề thay đổi".

Dòng chảy không đổi, con sông ấy vẫn cứ mãi đắp bồi tốt tươi cho cuộc sống con người, cho mai sau trường tồn, rạng rỡ. Văn nghệ sĩ khắp nơi về đây bằng chính tấm lòng ngưỡng mộ, tri ân. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không lần theo quá khứ, không dừng lại ở tính chất hoài cổ mà bao giờ ông cũng nồng ấm hiện tại, dùng lịch sử để lý giải những vấn đề của hôm nay.

Ngày ấy, anh Cao Thanh Tấn, một người rất yêu quý anh em văn nghệ, là bí thư trẻ xã Điện Quang luôn đồng hành cùng các nhà thơ, nhà văn để khám phá tinh hoa của vùng đất nhân kiệt này. Thế đó, mà tôi chưa một lần về quê đúng nghĩa! Sống ngay trên chính quê mẹ đầy niềm tự hào mà tôi vẫn như một người tạm trú! Tôi thật có lỗi với mẹ tôi.

Sáng nay, một mình tôi lái xe về Gò Nổi, đến ngay nhà thờ tộc Phan, phái Nhì, rồi ra một quán cà phê cóc ngồi nhớ lại bao điều. Nhớ năm 1988, tôi đã "gan dạ" dám đưa nhà thơ Phùng Quán về Trường Nguyễn Duy Hiệu làm đêm thơ "Tạ làng". Hội trường không còn một chỗ trống, những người yêu thơ đứng phía sau phải chất cao ghế bàn lên mới nghe được "Lời mẹ dặn" của ông.

Chiều hôm đó, nhà thơ Phùng Quán ngồi đàm đạo với thầy Nguyễn Văn Xuân về Phan Khôi - một nhân cách lớn, đã lựa chọn con đường để tự trở thành một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa xuất sắc. Thầy Xuân với giọng Quảng chắc nịch, sang sảng tại nhà ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch huyện lúc bấy giờ: "Phan Khôi là một kẻ sĩ tiêu biểu, là con người của thời đại, sinh ra từ các trào lưu yêu nước như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục. Truyền thống của làng quê văn hiến, của gia đình cộng thêm tố chất thiên bẩm đã hun đúc nên phẩm chất và bản lĩnh của một con người Quảng Nam thứ thiệt sừng sững hơn nửa thế kỷ, dù cuộc đời ông trải qua bao sóng gió…".

 

 Văn nghệ sĩ viếng mộ các danh nhân ở làng Bảo An. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Văn nghệ sĩ viếng mộ các danh nhân ở làng Bảo An. (Ảnh do tác giả cung cấp)


Tôi lại nhớ mới đây thôi, trong dịp đầu xuân cũng chính trên quê mẹ của mình, nhà văn Đặng Tiến từ Pháp về cùng với các nhà thơ Đông Trình, họa sĩ Vũ Dương... đến thăm các danh nhân Điện Bàn và dừng chân tại nhà thờ tộc Phan Bảo An này. Không ai nói ra nhưng tất cả đều ngước nhìn di ảnh cụ Phan Khôi như bày tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ.

Nhà văn Đặng Tiến, quê làng An Trạch, phủ Điện Bàn, lập nghiệp tại Pháp từ năm 1968, giảng dạy tại Đại học Paris với nhiều tác phẩm nổi tiếng, ông trò chuyện với chúng tôi: "Phan Khôi đủ đầy tài năng để có những bước đi tiên phong trong nhiều thể loại văn chương, góp phần làm thay đổi diện mạo tiến trình văn học đất nước. Bài "Tình già" trên Báo Phụ Nữ tân văn năm 1932, ông đưa ra một "lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ", khởi đầu cho phong trào Thơ mới sau này. Phan Khôi còn là một trong số người viết phê bình văn học đầu tiên ở nước ta, lại từng đóng vai ngự sử trên văn đàn để "dọn vườn" cho một số sách, báo đương thời ngày ấy... Cuộc đời của cụ gian truân đầy khí phách, hệt bài thơ "Nắng được thì cứ nắng" đầy bản lĩnh của Phan Khôi".

Trong quán cà phê giờ này có vài du khách và người dân địa phương thì phải, họ đang tranh luận hay đang cãi nhau về những ẩn ức oan khiên gì đó của Phan Khôi, nghe không rõ. Nhưng tôi lại liên tưởng đến cách lý giải của Phan Khôi về chuyện Quảng Nam hay cãi: Là phải "xét cho đến nơi, tìm chứng cứ ở sự thật, ấy là sự rõ ràng, khúc chiết, thẳng thắn và sẵn sàng tranh luận". Phong cách ấy đến bây giờ vẫn còn nguyên tính tươi mới để các thế hệ sau kế thừa đầy tự hào về tính cách Quảng Nam.

Một ngày về quê mẹ suy tư và tĩnh lặng. Hương vị của ly cà phê giữa làng quê Gò Nổi đầy ắp mùi rơm rạ bùn đất, dường như có một cảm giác rờn rợn từ ngọn gió ngoài đồng thổi về mang yếu tố tâm linh huyền bí. Tôi thì thầm: "Con xin lỗi mẹ". Không biết sao tôi lại tin vào điều kỳ diệu ấy, biết đâu ở một thế giới nào đó, mẹ tôi vừa phát hiện ra đứa con trai của mình đã hơn 60 tuổi rồi mới hiểu hết ngọn nguồn, quê mẹ. Và, tôi đang thả tâm hồn tôi, đang mơ được ngồi sau lưng ông ngoại trên yên ngựa để cùng ông lang bạt về nguồn, nơi có con sông Vu Gia một thời tuổi thơ mẹ tôi tắm mát.


 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

 

 

Theo Nguyễn Ngọc Hạnh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.