Thanh long vỏ vàng ruột thạch bén đất Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên triền đất rộng khoảng 3,5 ha là hơn 2.000 trụ thanh long vỏ vàng ruột thạch mơn mởn hoa, quả. Chủ nhân khu vườn là bà Nguyễn Vũ Việt Hà (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Dẫu hơi “khó chiều”, song loại quả này có giá trị kinh tế tương đối cao, được thị trường ưa chuộng.


Cách đây 12 năm, bà Nguyễn Vũ Việt Hà bắt tay làm nông nghiệp sạch với hơn 7 ha cà phê, hồ tiêu và một số loại cây ăn quả như mít Thái, bơ booth, chanh dây... Bà đặt tên cho trang trại là “Đề Tâm Farm” gắn liền với thông điệp “Chia sẻ thức ăn của mình tới cộng đồng”; hướng đến mục tiêu đưa ra thị trường những loại nông sản sinh học canh tác từ tâm vì sức khỏe của người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Sau nhiều năm, vườn cây dần già cỗi, kém hiệu quả. Được sự giới thiệu, tư vấn từ một người bạn ở TP. Hồ Chí Minh, giữa năm 2018, bà Hà quyết định quy hoạch lại nông trang; đồng thời, mạnh dạn tiếp cận và đưa về vườn một số giống cây trồng mới, trong đó có thanh long vỏ vàng ruột thạch. Tại thời điểm ấy, Đề Tâm Farm là một trong những nhà vườn đầu tiên trên cả nước trồng thử nghiệm giống thanh long này.

Một góc vườn thanh long vỏ vàng ruột thạch của bà Nguyễn Vũ Việt Hà (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Một góc vườn thanh long vỏ vàng ruột thạch của bà Nguyễn Vũ Việt Hà (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi

“Giá giống nhập về lúc bấy giờ khá đắt đỏ, cộng với việc đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ nên chi phí phải bỏ ra tương đối cao. Vì thế, ban đầu, tôi chỉ trồng thử nghiệm 150 trụ, tương đương diện tích khoảng 0,5 ha. Giống mới chưa kịp thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương nên lúc trồng có một số cây bị chết; quá trình sinh trưởng, phát triển cũng khá chậm. Đặc biệt, khác với các loại thanh long bản địa, giống thanh long vỏ vàng ruột thạch rất khó thụ phấn tự nhiên mà cần phải có sự can thiệp của người trồng. Do chưa hiểu rõ điều này nên thời gian đầu, tỷ lệ cây đậu quả thấp khiến gia đình vô cùng lo lắng”-bà Hà chia sẻ.

Trước thực tế đó, bà Hà đã tích cực nghiên cứu tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời thuê 1 kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm để giúp gia đình canh tác. Kiên trì gần 3 năm, cuối cùng, bà cũng chinh phục thành công loại thanh long “khó chiều” này, tự thuần giống và nhân rộng ra 3,5 ha với trên 2.000 trụ. Thời gian từ khi thanh long làm nụ tới lúc thu hoạch kéo dài khoảng 70 ngày. Vì vậy, để có hàng cung ứng ra thị trường quanh năm, bà Hà đã can thiệp về mặt kỹ thuật để thanh long ra quả “gối đầu”. Ở mỗi trụ, bà cũng chỉ giữ lại 15-20 quả nhằm đảm bảo được kích thước và chất lượng.

Đầu năm 2021, hơn 500 trụ thanh long trong vườn cho thu hoạch lứa đầu tiên, chuẩn từ mẫu mã đến chất lượng. Mỗi quả nặng tầm 550-950 gram; vỏ màu vàng óng, tai xanh; ruột trắng sữa, trong như thạch, vị ngọt thanh. Tính đến nay, bà Hà đã thu hoạch được 3 đợt, bình quân mỗi đợt 1 tấn thanh long, mức giá bán dao động trong khoảng 150-250 ngàn đồng/kg. “Chúng tôi chủ yếu kết nối, cung cấp thanh long cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và chuỗi siêu thị Nhật Bản AEON ở miền Bắc. Để đủ điều kiện cung ứng cho những đơn vị trên, chúng tôi phải đảm bảo nguồn hàng chất lượng, chuẩn sạch; có kiểm nghiệm các chỉ tiêu hữu cơ”-bà Hà cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Sơn-chủ quán chay Vân Sơn (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chuẩn bị thanh long để bán cho khách hàng. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Hồng Sơn-chủ quán chay Vân Sơn (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chuẩn bị thanh long vỏ vàng ruột thạch để bán cho khách hàng. Ảnh: Hồng Thi

Trò chuyện cùng P.V, ông Nguyễn Hồng Sơn-chủ quán chay Vân Sơn (24 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) cho biết: “Hiện tôi đang phân phối mặt hàng thanh long vỏ vàng ruột thạch của Đề Tâm Farm đến với người tiêu dùng ở Gia Lai. Tuy nhiên, đầu ra chỉ nhỏ lẻ vì người tiêu dùng còn e ngại giá thành cao. Khách hàng chủ yếu mua để chưng mâm ngũ quả. Từ đầu năm đến nay, tôi chỉ bán được hơn 100 kg”.

Ngược lại, tại thị trường Hà Nội, thanh long vỏ vàng ruột thạch của Đề Tâm Farm lại được khá nhiều người ưa chuộng. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Huyền-quản lý chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn Eco Foods-nói: “Chúng tôi nhập bán thanh long vỏ vàng của Đề Tâm Farm từ những ngày đầu tiên, mỗi lần khoảng 50-60 kg. Đây là loại trái cây khá lạ, đẹp mắt, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Quả vị ngọt thanh ở tâm ruột và chua nhẹ ở sát vỏ, hương thơm gần giống như vải thiều. Khách hàng từ việc mua để trải nghiệm thì giờ đã ưa thích nhiều hơn”.

Theo bà Hà, thị trường loại trái cây này đang rất tiềm năng nhưng nhiều người chưa dám trồng vì chi phí đầu tư cao, chất lượng quả lại phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật trồng và chăm sóc. Bà mong muốn sẻ chia kinh nghiệm và kỹ thuật cho nhiều người để nhân rộng mô hình, đồng thời đáp ứng nguồn hàng cung cấp cho thị trường. “Thời gian đến, tôi vẫn giữ nguyên diện tích thanh long vỏ vàng này, đồng thời trồng thêm 1 ha thanh long ruột trắng và ruột đỏ canh tác hữu cơ nhằm phục vụ đa dạng người tiêu dùng và duy trì ổn định nguồn thu nhập”-bà Hà thông tin.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Sau hơn 4 năm triển khai (2021-2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực để các địa phương phát triển. Chương trình là đòn bẩy cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

Giấc mơ của những người tha hương

Giấc mơ của những người tha hương

(GLO)- Khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (thuộc làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) từng được ví như vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” bởi sự hoang vắng và cằn cỗi. Ấy thế mà với những người dân miền Tây Nam Bộ tha hương, nơi đây trở thành miền đất hứa và cùng xây dựng quê hương thứ hai.

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

(GLO)- Bắt đầu với một vài bụi rau má, bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã mở rộng quy mô trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng hồ tiêu

Đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng hồ tiêu

(GLO)- Khoảng 2 năm trở lại đây, hồ tiêu tăng giá giúp bà con nông dân có lợi nhuận khá. Dù vậy, hiện nay, người dân không ồ ạt đầu tư trồng mới mà chỉ trồng dặm tại những trụ hồ tiêu bị chết và trồng xen vào vườn cà phê, cây ăn quả. Đồng thời, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng hồ tiêu.

Gương sáng vượt khó làm giàu ở xã Uar

Gương sáng vượt khó làm giàu ở xã Uar

(GLO)- Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã lan tỏa sâu rộng tại xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Trong số đó, ông Lương Bích Ngọc-Hội viên Chi hội Nông dân thôn Thanh Bình là điển hình tiêu biểu.

Tỷ lệ cà phê chế biến từ nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 23%. Ảnh: V.T

Gia Lai: Tỷ lệ cà phê chế biến đạt hơn 23%

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106.400 ha cà phê, sản lượng 312.050 tấn cà phê nhân. Mỗi năm, sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh khoảng 240.000 tấn, chiếm tỷ lệ gần 77%. Trong khi đó, tỷ lệ cà phê chế biến (cà phê bột, rang xay, hòa tan) chỉ đạt hơn 23%. 

Nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững

Nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững

(GLO)- Chương trình “Gắn kết-yêu thương” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Tổ chức Care tại Việt nam và Công ty Thực phẩm PepsiCo tổ chức tại 2 xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) và Ia Băng (huyện Đak Đoa) đã góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân về giá trị của sản xuất nông nghiệp bền vững.

null