Krông Pa xác lập quyền sở hữu cho đặc sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai hỗ trợ và chủ trì xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu cho một số sản phẩm đặc trưng của địa phương, trong đó có thịt bò Krông Pa. Từ những kết quả đã đạt được, Sở tiếp tục triển khai xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, hệ thống chế biến thịt bò một nắng đã đi vào sản xuất thử nghiệm tại 2 cơ sở ở huyện Krông Pa. Ảnh: Trần Dung
Hiện nay, hệ thống chế biến thịt bò một nắng đã đi vào sản xuất thử nghiệm tại 2 cơ sở ở huyện Krông Pa. Ảnh: Trần Dung

Huyện Krông Pa có hơn 63 ngàn con bò, chiếm 16% tổng đàn bò của tỉnh. Với tiềm năng, lợi thế vốn có, thời gian qua, việc thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò thịt tại Krông Pa đã được triển khai tích cực. Trong đó, huyện chú trọng lai hóa đàn bò địa phương, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang bán chăn thả nhằm từng bước nâng cao chất lượng đàn bò.

Ông Trần Văn Lương-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa-cho biết: Song song với việc nâng cao chất lượng và sản lượng thịt, huyện đã lựa chọn thịt bò một nắng đưa vào kế hoạch phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh; từng bước xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm từ đàn bò thông qua việc liên kết 4 nhà (Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông).

25 năm gắn bó với nghề làm thịt bò một nắng, bà Đinh Thị Hậu (thị trấn Phú Túc) từng bước đưa nhãn hiệu bò một nắng Tuấn Hậu vươn xa. Bà cho hay: “Với hương vị đặc trưng của núi rừng, món thịt bò một nắng ngày càng tiêu thụ mạnh. Hiện cơ sở Tuấn Hậu cũng như một số cơ sở khác ở huyện Krông Pa đã hoàn tất thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thực hiện quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng nhất”. Cuối năm 2018, cơ sở Tuấn Hậu được Sở KH-CN và Trường Đại học Tôn Đức Thắng chọn triển khai mô hình “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa”. Qua thực tế, mô hình được đánh giá rất cao. Đây được xem là khâu đột phá trong chế biến, bảo quản sản phẩm từ thịt bò để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thịt bò một nắng trứ danh của Krông Pa.

Theo Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa, hiện nay, hệ thống chế biến thịt bò một nắng đã đi vào sản xuất thử nghiệm tại 2 cơ sở trên địa bàn. Hệ thống chế biến này đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất thịt bò một nắng tại Krông Pa đánh giá cao về tính tiện dụng, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp truyền thống.

 Đoàn công tác của sở KH-CN kiểm tra mô hình “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa”. Ảnh: Trần Dung
Đoàn công tác của Sở KH-CN tỉnh Gia Lai kiểm tra mô hình “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa”. Ảnh: Trần Dung


Xác định vai trò quan trọng của KH-CN trong nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, thời gian qua, Sở KH-CN đã tích cực hỗ trợ huyện Krông Pa nhanh chóng tiếp cận các giải pháp KH-CN phù hợp với thực tiễn, phục vụ phát triển đàn bò; đồng thời tạo ra các sản phẩm từ thịt bò đảm bảo chất lượng và tạo dựng sản phẩm đặc sản địa phương. Cùng với đó, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh đặt hàng triển khai 2 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh nhằm khai thác thế mạnh trong chăn nuôi bò của huyện Krông Pa, gồm: Dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai” và đề tài “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa”.

Ngoài ra, để kịp thời bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, Sở KH-CN phối hợp với UBND huyện Krông Pa triển khai nhiệm vụ “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Bò Krông Pa-Gia Lai”. Đây là những nhiệm vụ mang tính chất nối tiếp, tập trung giúp huyện Krông Pa từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh, sản phẩm đặc sản địa phương. Trong đó, tập trung cải tạo chất lượng đàn bò thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; từng bước thay đổi tập quán nuôi thả rông sang hình thức chăn thả, bán chăn thả và tiến tới chăn nuôi tập trung trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: “Để hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh nói chung và huyện Krông Pa nói riêng, ngành KH-CN triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu chọn tạo giống, kỹ thuật chăn nuôi đến chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề đặt ra của các ngành sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, việc xác định đúng đối tượng trong nghiên cứu và triển khai sẽ giúp triển khai, nhân rộng các mô hình được tốt hơn và giải quyết các vấn đề mà địa phương, doanh nghiệp, người dân đang cần”.

 

 TRẦN DUNG-TẤN THẮNG
 

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.