Thác Bà dịu dàng giữa nền xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ trung tâm huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đi khoảng 8 cây số theo đường đến Nhà máy Thủy điện Ia Ly rồi rẽ trái không bao xa, du khách sẽ gặp một thác nước ẩn mình giữa những ruộng lúa và cây cỏ. Đó là thác Bà thuộc thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh.
Đang đi bộ qua lối mòn quanh co, bị che khuất bởi những tán cây, tầm mắt du khách bỗng rộng mở ra trước một mảng màu xanh dịu dàng, thoáng rộng của ruộng lúa. Càng đến gần, tiếng nước dội càng mạnh. Trời trong, mây trắng. Xa xa, các trụ điện 500 kV vững chãi, vươn cao như cũng muốn tô điểm thêm cho vẻ đẹp của thiên nhiên nơi này.
“Thổ địa” Phan Nguyên Trị-công chức xã Nghĩa Hòa-cho biết: Dòng suối tạo nên thác Bà bắt nguồn từ Ia Nueng (Biển Hồ, TP. Pleiku). Sau nhiều lần chảy quanh co, nó đổ về đây và là nguồn nước tưới tắm không thể thiếu cho cà phê, lúa và hoa màu của các xã: Nghĩa Hòa, Ia Nhin…
Thác Bà không quá rộng và độ cao cũng chỉ vừa phải. Thác không đổ từ một đỉnh hay vách núi cao. Nói một cách nôm na, thác là sự trượt chân và vấp ngã của dòng nước từ một mặt bằng có cao độ khoảng 5 m xuống miệng một hang đá và vùng phụ cận, vốn là sự đứt gãy địa chất từ xa xưa. Không hung hăng nhưng thác Bà vẫn tung bọt trắng xóa và tạo nên lớp lớp làn hơi bụi lan tỏa làm dịu hẳn bầu không khí xung quanh. Các khối đá đủ hình dạng, tàn tích của núi lửa còn hiện hữu trong lòng suối gây sự lạ lẫm cho điểm tham quan này. 
Thác Bà (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: N.Q.T
Thác Bà (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: N.Q.T
Thác Bà có tự bao giờ thì không ai biết. Nhưng theo các vị cao niên như Huỳnh Ưng (80 tuổi), Nguyễn Văn Minh (67 tuổi) thì khoảng năm 1958, nhiều gia đình từ 3 huyện Bình Sơn, Mộ Đức và Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) di dân đến Nghĩa Hòa lập nghiệp. Ngày ngày đối mặt với rừng xanh, chính những người dân Quảng Ngãi đi mở đất đã đặt tên cho dòng thác này.
Các cụ già ở Nghĩa Hòa được hỏi cũng cho biết thêm: Xưa kia, cùng với thác Bà còn có thác Ông. Suối nhiều nước, cả hai con thác này khi đó đều ầm ào, mạnh mẽ. Những lúc thanh vắng, tiếng nước đổ nghe như lời hô đáp giữa sơn lâm vốn còn hoang vu. Tiếc rằng, theo thời gian và sự biến cải của con người, cặp thác được định danh theo tín ngưỡng miền Trung chỉ còn lại một nửa như ngày nay.
Cho đến hiện tại, thác Bà vẫn là một địa điểm hoang sơ, chưa hề có bất kỳ sự đầu tư nào. Mặc dù vậy, mỗi cuối tuần, khi thời tiết nắng ráo, đây vẫn là nơi đến của khá nhiều người yêu thích sự trải nghiệm, muốn hòa mình vào thiên nhiên trong trẻo. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh Nguyễn Minh Đức cho biết: Huyện đã có kế hoạch mở một con đường tiện lợi đến nơi này. Đây là tín hiệu vui đối với du khách có ý định tìm đến thác Bà trong nay mai.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.