Thả rơi đôi giày thủy tinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một câu chuyện nói về đôi giày thủy tinh. Câu chuyện vào ngày xưa, tất nhiên là lúc đó chưa có lịch treo tường, chẳng có đồng hồ, nói chung là mọi người chỉ biết đo thời gian bằng ánh nắng mặt trời rực rỡ chiếu rọi trên những cánh rừng và trên những cánh đồng cỏ non. Mọi người biết rằng đã hết một ngày khi bóng đêm tràn đầy mọi nơi. Biết hết một năm khi muôn hoa đua nở.

Vào thời đó, tình yêu không rối bời như hiện nay, các cặp tình nhân không khổ sở vì tình trạng kẹt xe. Ngày đó, em chưa biết làm đẹp. Người ta cũng chưa biết  làm ra thủy tinh để tạo ra những đồ vật như ly, cửa kính… Vậy mà em mơ được tặng một đôi giày thủy tinh. Em gọi là đôi giày làm bằng nước.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Yểng-đó là tên em. Mãi về sau này, tức là cho đến hôm nay, anh cứ thắc mắc cái tên Yểng có nghĩa là gì? Nhưng em có tên là gì đi nữa thì cũng chẳng hề chi, quan trọng là anh biết em có mặt trên cuộc đời này. Đôi khi em thắc mắc: “Tại sao giờ đây người ta không còn kể truyện cổ tích nữa?”. Anh chẳng biết tại sao, nhưng em đã là chuyện cổ tích của anh rồi.

Ờ, ngày xửa ngày xưa. Ngày đó, trong cánh rừng rậm xa xôi kia có một hang đá, nơi cất giấu một đôi giày làm bằng thủy tinh. Nghe đồn rằng đôi giày ấy do một nàng tiên dệt nên từ hàng ngàn sợi tơ trời trong một lần ghé xuống trần gian dạo chơi. Đôi giày đã được nàng tiên mang vào đôi chân xinh đẹp của mình để đi khắp thế gian. Nó tỏa ra những sắc màu lộng lẫy, được nàng tiên cất giấu trước khi bay trở lại tiên giới. Nhưng dẫu là ngày xưa, vẫn không có điều gì gọi là bí mật. Chuyện đôi giày thủy tinh được loan truyền từ miệng muông thú. Chú thỏ con lông trắng xinh xinh một hôm đã thỏ thẻ với em: “Ôi, bàn chân này đẹp lắm. Bàn chân này mới xứng đáng mang đôi giày thủy tinh”. Em ngước mắt hỏi anh: “Sao anh không đem đôi giày thủy tinh về cho em?”. Anh đã lặn lội qua bao nhiêu cánh rừng, phải leo qua bao nhiêu ngọn núi, phải vất vả trăm bề để lọt vào trong cái hang sâu thăm thẳm và mang đôi giày thủy tinh về cho em. Vậy mà khi đưa đôi chân vào, em đã hét lên: “Đôi giày này cứng quá, em không thích đâu. Em chỉ thích mang giày cỏ cơ”.

Từ trên đỉnh núi cao vời, em đã ném đôi giày anh vất vả đến dường nào để mang về cho em xuống thăm thẳm sâu. Sẽ không ai tìm ra đôi giày thủy tinh đó, vì dưới thẳm sâu kia là biển cả với những con sóng dữ đang gào rú như có thể nhấn chìm tất cả mọi vật.

*
Chuyện cổ tích ấy đã mấy ngàn năm, mấy vạn năm anh và em không  biết. Ta cũng không biết ta đã tái sinh bao nhiêu kiếp và trong bao nhiêu kiếp luân hồi đó, có mấy kiếp ta đã gặp nhau và yêu nhau? Ôi, anh không nhớ, và em cũng không nhớ nổi cả chuyện em đã ném đôi giày thủy tinh kia vào lòng đại dương phẫn nộ. Không nhớ gì hết.

Rồi một hôm hai đứa hẹn hò đi xem phim. Không chọn mà gặp. Đó là phim đôi giày thủy tinh. Chuyện phim kể: “Hoàng tử xinh đẹp nước nọ có chiếc giày thủy tinh xinh đẹp. Chàng rao truyền khắp thiên hạ rằng nếu cô gái nào trên thế gian này có thể mang vừa chiếc giày thủy tinh thì cô gái đó sẽ là vợ Hoàng tử”. Trong phim, khi cô gái đưa bàn chân xinh đẹp của mình vào đôi giày thủy tinh cũng lại hét to: “Em không thích chiếc giày này, mang chiếc giày này đau chân lắm”.

Coi phim xong, em trầm ngâm khi hai đứa ngồi ở quán nước. Hình như chính chuyện phim đã lay đọng trí nhớ của em từ ngàn năm trước. Nửa đêm, em gọi điện: “Em muốn ra biển. Anh cùng em ra biển nhé”.

Biển đêm trải dài trên mặt nước những làn sóng chao vàng do ánh đèn của các tàu cá hắt vào. Em thì thầm: “Em mơ một câu chuyện. Đó là chuyện anh đã tặng cho em một đôi giày thủy tinh. Trong câu chuyện đó em đã ném đôi giày thủy tinh xuống một vực sâu lắm, rất sâu. Em còn nhìn thấy khi đôi giày chạm vào biển, nó lóe ra rất nhiều tia sáng”. Anh dỗ dành: “Chắc tại em vừa mới xem phim, em bị phim trộn vào giấc mơ”. Em thì thầm: “Không. Phải chi em có một đôi giày thủy tinh…”.

Những cửa hàng bán giày dép không ai bán giày thủy tinh. Giày thủy tinh có chăng là bán trong những cửa hàng lưu niệm. Và người ta chỉ mua một chiếc giày thủy tinh chứ không ai mua một đôi. Những chiếc giày thủy tinh ấy không thể mang vào chân được, vì chúng nhỏ xíu. Còn vị hoàng tử của ngày xưa đem chiếc giày thủy tinh ra kêu gọi cô gái nào mang được vào để lấy làm vợ cũng đã không còn trên trái đất này.

Em bảo: “Ai mang cho em một đôi giày thủy tinh chắc là người đó yêu em lắm”. Câu nói này không phải của cô gái ngày xửa ngày xưa, mà của cô Yểng bây giờ. Chú thỏ trắng đã không có mặt, nhưng cái nhíu mày của em là mệnh lệnh.

Tìm đâu ra đôi giày thủy tinh cho em đây? Đôi giày cổ tích chắc giờ này đã nằm sâu dưới lớp bùn của đại dương, đang trở mình nhớ lại nguyên do mình bị ném đi.

Trong tất cả những câu chuyện tình, ai cũng muốn  có một kết thúc có hậu. Có những người cũng sẽ thành đôi, ở chung một mái nhà. Mái nhà của hai trái tim yêu thương nhau không cần to rộng, cũng chẳng cần có vườn hoa, ghế xích đu hay tiểu cảnh. Miễn là đôi lứa yêu nhau cảm thấy ấm áp vì mình được ở bên nhau. Thế thôi.

Anh cũng mơ cùng Yểng về chung trong một mái nhà. Anh tự hứa là tiền bạc kiếm được anh sẽ đưa hết cho em. Mỗi lần hút thuốc anh sẽ ra sân, không hút trong phòng ngủ để em khỏi ngợp khói thuốc. Em nấu món gì, dù có bỏ nhiều mắm muối hay quá nhiều ớt cay anh cũng đều khen ngon. Nếu em thích đi xem ca nhạc mà anh lại thích đi xem kịch, thì anh cũng sẽ đi xem ca nhạc cùng em. Ôi, biết bao nhiêu điều anh mơ ước được làm cho em.

*
Rồi ta xa nhau. Dù nhủ vạn lần là đừng lìa nhau. Anh và em chơi trò chơi trốn tìm giữa lòng thành phố rộng. Hai tháng không gặp nhau. Hai tháng dài đằng đẵng.

Anh đã phải đi lang thang nhiều nơi với hy vọng mỏng manh là tìm cho em một đôi giày thủy tinh. Cuối cùng, anh đã nhìn thấy đôi giày thủy tinh rồi. Ôi, đôi giày thủy tinh trưng bày với sắc màu lóng lánh trong một cửa hàng bán đồ chơi cũ kỹ. Cô gái bán hàng xinh xinh đưa cho anh đôi giày: “Đây là đôi giày đẹp, người bán lại cho em nói là họ vớt được trong một mẻ lưới. Anh có mua thì em bán rẻ cho. Để đây mãi mà chẳng ai ngó ngàng tới nó”. Sao lại không mua? Anh cảm ơn cuộc sống đẩy đưa để cho anh đã gặp được đôi giày thủy tinh. Có thể đây là đôi giày cổ tích? Có thể lắm.

Đôi giày được gói trong một chiếc hộp có thắt nơ hồng. Em sẽ ngạc nhiên khi mở nó ra có phải không?  Chắc chắn rồi.

Anh vội tới nơi em ở. Căn phòng em thuê vẫn đóng cửa. Bà chủ nhà bảo: “Cô ta đã trả phòng rồi”. Anh hỏi: “Bà biết Yểng đi đâu không?”. Bà chủ nhà lắc đầu.
Vậy đó, em biến mất trong đám đông như chuyện cổ tích.
Anh đã thả rơi đôi giày thủy tinh trên phố. Những mảnh thủy tinh vỡ tan tành.

Khuê Việt Trường

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.