(GLO)- Tết Trung thu với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là con em người dân tộc thiểu số là cả một ước mơ xa xỉ. Bánh trung thu, chiếc đèn lồng xanh đỏ... luôn là điều mong chờ của biết bao tuổi thơ nghèo.
“Em muốn được rước đèn Trung thu”
Ước mơ đêm Trung thu của chị em Hiền: “Tối Trung thu nếu em xin được tiền, tụi em sẽ mua lồng đèn ra khu vực chợ đêm để ngồi và chơi chung với nhau”. Ảnh: Lệ Hằng |
...Đó là ước mơ hồn nhiên trong trẻo của những trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, không phải những đứa trẻ nào cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn ấy, bởi, với chúng, còn nhiều lắm những khó khăn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Đâu đó, vẫn còn những mảnh đời xót xa, những ánh mắt thèm thuồng khi các em đi ngang qua những gian hàng bánh trung thu hay lồng đèn. Chỉ một bữa cơm ấm áp, hay mỗi mẩu bánh trung thu với chiếc lồng đèn nhỏ trên tay là cả một ước mơ với các em.
Trong những ngày Trung thu cận kề, Phố núi Pleiku khá nhộn nhịp bởi nhiều trẻ được ba mẹ chở đi chơi và mua tặng những chiếc lồng đèn đủ màu sắc. Lẫn vào không gian rộn rã, ấm áp ấy là hình ảnh những đứa bé đen nhẻm với bộ quần áo đã sờn màu đang len lỏi xin tiền ăn cho bữa tối của mình. Đếm những đồng tiền vừa mới xin được, em Võ Thị Diệu Hiền (8 tuổi, cư trú đường Nguyễn Thiếp, TP. Pleiku), bẽn lẽn nói: “Mẹ đi nhặt ve chai bán nên em không có tiền đi học. Hai chị em phải đi xin để có tiền phụ mẹ. Mỗi tối em xin được mấy chục ngàn đồng, khi về nhà là lúc gần 2 giờ sáng rồi”. Hiền hào hứng kể tiếp: “Tối Trung thu nếu em xin được tiền, tụi em sẽ mua lồng đèn ra khu vực chợ đêm để ngồi và chơi chung với nhau”. Ước mơ đêm Trung thu của chị em Hiền quá nhỏ bé và thật giản dị!
Bên ngoài một nhà hàng sang trọng, cô bé 14 tuổi Nguyễn Thị Lệ thẩn thờ ôm chiếc rổ đựng những thanh kẹo cao su và xấp vé số. Em nói với giọng buồn: “Trung thu đối với em rất bình thường vì em quen không có bánh và lồng đèn rồi. Mẹ bỏ rơi em từ nhỏ. Ba chạy xe ôm nên em đi bán thêm vé số để phụ ba trả tiền thuê nhà”.
Vào thôn Teng Nong (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi có gần 200 hộ nghèo, gia đình nào cũng đông con. Vì gia đình nghèo, khi cái ăn còn không đủ no thì làm sao có tiền mua bánh kẹo và đồ chơi cho con em mình vui Tết Trung thu. Nhà Ksor Pho có 3 anh chị em nên những năm trước em còn được may mắn đi học và đón tết Trung thu cùng bạn bè ở trường. Thế nhưng, năm nay vì gia đình gặp khó khăn nên em phải ở nhà trông em, kiếm củi, nấu cơm. Và gần đến Trung thu Pho lại càng buồn hơn. “Em muốn được đi học, được đi chơi, có đồ chơi đẹp và có nhiều đồ ăn”-Pho tâm sự.
Trẻ nghèo thôn Teng Nong (xã Ia Rong- Chư Pưh). Ảnh: Ngọc Thu |
Ước muốn giản đơn của Ksor Pho cũng chính là ước mơ của tất cả trẻ em ở thôn Teng Nong này. Đồ chơi đủ màu sắc hay lồng đèn nhấp nháy đắt tiền đối với những đứa trẻ nơi đây chỉ là điều mơ ước. Những trò chơi dân gian quen thuộc hay những cây nến đốt sáng cũng có thể thu hút được cả chục đứa trẻ chụm đầu vào để hưởng chút ánh sáng, coi như đó là một chiếc đèn lung linh cho đêm rằm Trung thu.
Với các bậc làm cha, làm mẹ, thì những bận rộn lo toan cuộc sống hàng ngày cũng đã khiến họ cũng không mấy quan tâm tới những ngày lễ, Tết dành cho các con của mình. Bà Nay H’Thun (thôn Teng Nong-xã Ia Rong), buồn bã nói: “Con mình đông lắm, không có cái ăn, cái mặc. Khi mình lên rẫy thì anh em nó ở nhà tự trông nhau. Hồi giờ đâu biết Trung thu là gì. Chỉ nghe trống lân đánh tùng tùng thì biết Trung thu đến rồi”.
Những nụ cười hồn nhiên, những ánh mắt tươi vui lấp lánh của các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh luôn khiến chúng tôi xúc động mỗi khi ghé thăm. Với 93 em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn ở đây thì Tết Trung thu là dịp các em háo hức, mong chờ nhất. Đinh Huê (8 tuổi), chia sẻ: “Cha mẹ mất sớm nên em về sống tại Trung tâm. Em mong chờ tới Trung thu để được rước đèn, phá cỗ cùng các bạn”.
Đem Trung thu về cho trẻ
Sự quan tâm, sẻ chia của xã hội sẽ giúp trẻ nghèo có được một mùa Tết tình thân trọn vẹn và ý nghĩa. Ảnh: Trần Dung |
Vào những ngày giữa tháng 8 (Âm lịch) này, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị và các tổ chức xã hội lên kế hoạch vui Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng như nhiều địa phương khác, dịp này, phường Yên Đổ (TP. Pleiku) đã có nhiều hoạt động tích cực để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn có được niềm vui nho nhỏ trong ngày Tết Trung thu. Anh Nguyễn Văn Phi-cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phường Yên Đổ (TP. Pleiku) cho biết: “Mỗi dịp Trung thu đến phường đều tổ chức tặng quà cho các em. Trung thu năm nay phường tổ chức tặng 47 suất quà (mỗi suất trị giá 100 ngàn đồng bằng hiện vật). Những trường hợp quá khó khăn, phường sẽ mang đến tận nhà để trao tặng và động viên an ủi gia đình các cháu”.
Với nhiều trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội luôn là nguồn động viên tinh thần lớn lao. Ông Nay Ky-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, cho hay: “Để hỗ trợ cho các trẻ em nghèo vui Trung thu, xã Ia Rong đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các em từ những ký gạo cho đến sách vở. Hiện tại, xã đã vận động “Quỹ vì người nghèo” được 20 triệu đồng. Số tiền này sẽ chia đều cho các hộ nghèo và một phần mua bánh kẹo cho các em vui Trung thu”.
Để sẻ chia bớt những khó khăn thiệt thòi cho các em, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai thì dịp Trung thu này, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em lang thang... Bên cạnh đó, tổ chức “Đêm hội Trăng rằm” vui Trung thu năm 2015 cho trẻ. Nhằm tạo điều kiện cho các em được tham gia các hoạt động lễ hội Trung thu vui tươi, lành mạnh, an toàn, bổ ích và có ý nghĩa. Những hoạt động ý nghĩa này phần nào làm cho không khí đón Tết Trung thu của các em thêm vui tươi và ấm áp.
Hy vọng với sự quan tâm, sự hòa đồng sẻ chia của xã hội sẽ giúp trẻ em nghèo có được một mùa Tết tình thân trọn vẹn và ý nghĩa.
Nhóm Phóng viên