Tết trong cung đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán được coi là một trong những lễ tiết lớn nhất trong năm. Sau ngày 25 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng là thời gian vui tết trong hoàng cung.
Các vũ công trong ngày lễ.
Các vũ công trong ngày lễ.
Qua triển lãm Cung đình đón tết (đang diễn ra đến ngày 23.2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội), với nguồn tài liệu được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu thế giới), công chúng có thể mường tượng phần nào về những ngày tết trong hoàng cung xưa.
"Cứ tưởng cây nêu chỉ dựng lên ở những ngôi nhà bình dân trong làng xóm, vậy mà trong cung đình cũng làm việc như vậy. Điều đó cho thấy hoàng tộc luôn nghĩ về gốc gác của mình"-Nhà sử học Dương Trung Quốc

Hoàng cung tiến hành những công việc chuẩn bị đón tết bắt đầu bằng lễ ban lịch năm mới hay còn gọi là lễ Ban sóc. Sau lễ Ban sóc thường diễn ra vào ngày mùng 1 tháng chạp, triều đình ấn định ngày nghỉ tết và trang hoàng hoàng cung.

Ngày 25 tháng chạp thường là ngày cử hành lễ Phong ấn (hay còn gọi là lễ Phất thức), nghi thức biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính để chuẩn bị đón tết. Trong lễ này, các ấn chương được lau chùi cẩn thận trước khi cho vào hòm niêm phong.
Vào thế kỷ thứ 17, Samuel Baron, một thương lái nước ngoài, đã mô tả như sau: “Ngày 25 tháng chạp, ấn triện được lật ngược lên và cất vào trong hộp đúng 1 tháng. Trong quãng thời gian đó, công đường đóng cửa, không có hoạt động xét xử gì diễn ra...”.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoàng đế và các quan đại thần trong triều không thực sự hoàn toàn nghỉ tết sau lễ Phong ấn. Bản Phụng Thượng dụ của Nội các vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) có ghi: Theo lệ có việc phong ấn, khai ấn nhưng đó là lúc bình thường vô sự, còn khi có việc quân thì không thể cứng nhắc theo lệ này.
Vua Khải Định đến thỉnh an hoàng mẫu ở cung Diên Thọ.
Vua Khải Định đến thỉnh an hoàng mẫu ở cung Diên Thọ.
Ngày 30 tết trong hoàng cung diễn ra các nghi lễ thiêng liêng, mang ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ để đón năm mới. Các hoàng tử, hoàng thân chia nhau đến các đền, miếu làm lễ Tuế trừ tiễn biệt năm cũ. Việc tế tự được tiến hành vào sáng sớm để bày tỏ lòng thành kính. Lễ xong, triều đình làm lễ Thướng tiêu (dựng nêu), nghi thức đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ với năm mới, chào đón năm mới sắp sang và cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng được bình an.
Trong ngày đầu năm mới, tức ngày mùng 1 tết, vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Làm lễ xong, vua ngự ở điện Thái Hòa. Tại đây, lễ Nguyên đán được cử hành trọng thể. Các hoàng tử, hoàng thân, trăm quan làm lễ Khánh hạ. Sau lễ mừng tết, nhà vua ban yến, thưởng tết cho các thân phiên, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên, cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.
Mùng 2 tết, hoàng thượng đến làm lễ Tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua triều Nguyễn), ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống.
Ngày mùng 3 tết, nhà vua lại thân đến Thái miếu làm lễ, sai các hoàng tử, hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, ngày đó vua ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.
Một buổi lễ trong cung đình.
Một buổi lễ trong cung đình.
Dưới triều Nguyễn, việc thưởng tết được diễn ra vào đúng dịp tết. Một văn bản của Bộ Hộ vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có nội dung ghi cụ thể việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán: “Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng;... thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội... đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc”.
Trong các khoản vâng theo chiếu báu để ban ơn cho quân dân vào Tết Nguyên đán năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), có một khoản rằng, người 80 tuổi trở lên cấp cho 1 súc vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho 1 súc lụa, 2 phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho 2 súc lụa, 1 súc vải, 3 phương gạo. Văn bản còn nêu rõ: “Chúng thần đã dán treo công bố rộng khắp để toàn hạt được biết... Lại sức cho các quan phủ huyện đến trấn làm đơn lãnh lương gạo về lị sở, theo hạng phân cấp để tiện cho dân. Nghiêm sức không được mượn việc mà xâm lạm, lừa dối, để trừ thói xấu...”.
Ngày mùng 7, ngày cuối của kỳ nghỉ tết, triều đình tổ chức lễ Há tiêu (hạ nêu), rồi tiễn thần (tống thần). Cũng vào ngày này, triều đình làm lễ Khai ấn, tượng trưng cho công việc của một năm mới bắt đầu. Sau khi làm lễ Khai ấn, công việc mới được tiếp tục trở lại.
Các nhạc công trong trang phục ngày lễ.
Các nhạc công trong trang phục ngày lễ.
Trong những nghi lễ diễn ra trong dịp tết, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận lễ Thướng tiêu (dựng nêu) cho thấy sự tương đồng giữa tết trong cung đình và trong dân gian. “Cứ tưởng cây nêu chỉ dựng lên ở những ngôi nhà bình dân trong làng xóm, vậy mà trong cung đình cũng làm việc như vậy. Điều đó cho thấy hoàng tộc luôn nghĩ về gốc gác của mình. Bản thân quốc gia là cái làng lớn, cũng như ngôi làng là nơi tập hợp nhiều gia đình... Chính sự ý thức về thế thứ, trật tự như thế làm cho xã hội phát triển hài hòa, có trách nhiệm với nhau”, ông Quốc bày tỏ.
Ngọc An (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null