Tết của những người 'chạy dịch' về quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau cuộc “chạy dịch” lịch sử trên chiếc xe máy cũ cùng vợ và đứa con mới sinh về quê, những cặp vợ chồng nghèo quê Nghệ An đang chuẩn bị đón cái tết nhờ tấm lòng hảo tâm từ khắp nơi chia sẻ, giúp đỡ.
Đỡ đẻ cho vợ ở phòng trọ
Sau 3 tháng “chạy dịch” về quê, anh Lương Văn Bách (28 tuổi, ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp, H.Tương Dương, Nghệ An) đã quen trở lại với cuộc sống nơi núi rừng. Ở quê không có việc làm ổn định, vợ ở nhà trông con nhỏ, anh Bách lên rừng làm rẫy, đào măng.
“Về đến nhà, trong tay không còn đồng nào, may được những người tốt bụng giúp đỡ nên mấy tháng nay, vợ chồng tôi đã có tiền để trang trải cuộc sống và mua được 1 con trâu”, anh Bách nói.
Vợ chồng anh Bách rời núi rừng Nghệ An vào TP.HCM làm thuê kiếm sống từ đầu năm 2020. Anh Bách làm nghề tự do, chị Kha Thị Ánh, vợ anh, làm công nhân may mặc. Từ tháng 6.2021, hai vợ chồng phải nghỉ việc vì dịch Covid-19, “sống mòn” trong căn phòng trọ ở Q.Bình Tân.

Chị Lầu Y Tránh và đứa con 7 ngày tuổi trên đường “chạy dịch” về quê. Ảnh: M.X.H
Chị Lầu Y Tránh và đứa con 7 ngày tuổi trên đường “chạy dịch” về quê. Ảnh: M.X.H
Những đồng tiền tích cóp ít ỏi còn lại rồi cũng hết. Vợ có thai, sắp sinh con. Anh Bách dự tính đưa vợ về quê để sinh nở, nhưng dịch kéo dài, thành phố bị phong tỏa nên hai vợ chồng đành phải ở lại. Không có tiền mua quần áo, bỉm sữa cho con, những người cùng dãy trọ lên mạng xã hội đăng thông tin xin hỗ trợ và được một số người hảo tâm mua tặng bỉm, quần áo gửi đến.
3 giờ sáng 13.9.2021, chị Ánh trở dạ. Hai vợ chồng chỉ còn lại 100.000 đồng nên anh Bách không thể đưa vợ đến bệnh viện sinh con. Anh Bách ngồi bên vợ, động viên để vợ tự vượt cạn. Khu nhà trọ nhiều phòng đang có F0 nên anh Bách không dám gõ cửa nhờ ai mà gọi điện về cho mẹ mình ở quê, hỏi cách đỡ đẻ.
Hơn 6 giờ sáng cùng ngày, chị Ánh vỡ ối, sinh con. Anh Bách đỡ đẻ cho vợ theo cách của người mẹ ở quê bày cho. May mắn, đứa con trai đã chào đời khỏe mạnh trong căn phòng trọ. Từ những đồng tiền chia sẻ của những người đồng cảnh ngộ ở dãy trọ, anh Bách có tiền mua sữa cho con và thức ăn bồi dưỡng cho vợ.
Ngày 4.10.2021, vợ chồng anh Bách cùng đứa con mới sinh 20 ngày tuổi được bọc trong chiếc khăn và lỉnh kỉnh đồ đạc rời thành phố về quê. Hành trình về quê dài hơn 1.500 km bằng chiếc xe máy cũ. Khi về đến TT.Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), anh Bách kiệt sức, không chạy được nữa. May mắn, vợ chồng anh gặp được nhóm thiện nguyện tại đây và được họ hỗ trợ xe ô tô về Nghệ An, khi quãng đường về nhà còn hơn 500 km.
Ôm con 7 ngày tuổi “chạy dịch”
“Lúc đó dịch bùng phát mạnh nên em sợ quá, thấy nhiều người đồng hương tháo chạy về quê nên em cũng phải liều”, anh Xồng Bá Xò (21 tuổi, ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, H.Tương Dương, Nghệ An) kể.
Anh Xò và vợ là chị Già Y Tránh (19 tuổi) vào Bình Dương làm công nhân trong một nhà máy chế biến gỗ. Dịch Covid-19 ập đến, nhà máy có F0 nên phải đóng cửa, anh Xò mất việc khi vợ sắp sinh con. Ngày 21.7, chị Tránh đến bệnh viện sinh mổ bé trai và 4 ngày sau thì ra viện, về lại phòng trọ. Số tiền tiết kiệm được cũng hết. Thấy những công nhân đồng hương ồ ạt chạy xe máy về quê tránh dịch nên dù con còn nhỏ, vết mổ đẻ chưa lành nhưng vợ chồng anh Xò vẫn quyết định hồi hương.

Vợ chồng anh Xò cùng con trai... Ảnh: K.Hoan
Vợ chồng anh Xò cùng con trai... Ảnh: K.Hoan

...và căn nhà mới. Ảnh: K.Hoan
...và căn nhà mới. Ảnh: K.Hoan
Anh Xò mang theo ít đồ dùng cá nhân, chị Tránh quấn đứa con mới một tuần tuổi trong khăn rồi về quê bằng xe máy. Vợ chồng anh đi cùng đoàn hơn 50 người khác đều ở Nghệ An, trong đó có anh trai và chị dâu. Tuy nhiên, trên đường đi, xe máy của anh Xò nhiều lần hỏng nên bị tụt lại phía sau. Trên đường về, một số người thấy thương nên cho vợ chồng anh đồ ăn, nước uống và tiền. Khi đến đèo Lò Xo (Quảng Nam), có người chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Câu chuyện hành trình về quê của vợ chồng anh được nhiều người biết và giúp đỡ. Về đến Đà Nẵng, một nhóm thiện nguyện đã thuê xe ô tô chở gia đình anh Xò về quê.
Cùng cảnh ngộ, anh Và Bá Sao (22 tuổi, ở xã Tri Lễ, H.Quế Phong, Nghệ An) cùng vợ và đứa con 3 tuổi cũng phải rời Bình Phước vào một ngày đầu tháng 10.2021 về quê khi vợ anh là chị Thò Y Dũng đang mang bầu sắp sinh con. Vợ chồng anh Sao đưa con vào Bình Phước cạo mủ cao su thuê từ tháng 2.2021.
Vào đến nơi, chị Dũng phát hiện mình mang thai đứa con thứ hai. Dịch Covid-19 ập đến, thất nghiệp, vợ chồng anh quyết định về quê bằng xe máy dù biết chị Dũng sắp đến ngày sinh nở. Về đến tỉnh Quảng Trị, chị Dũng trở dạ và sinh con ngay bên vệ đường. 4 người trong gia đình sản phụ này được lực lượng y tế địa phương hỗ trợ, đưa họ về khu cách ly chăm sóc rồi được đưa về quê bằng ô tô.
Ấm lòng ngày trở về
Bản Phà Lõm nằm gần biên giới Việt - Lào. Bản có 124 hộ dân thì phần lớn là hộ nghèo. Cuộc sống bám rừng khó nhọc nhưng khó đủ ăn đã buộc hầu hết thanh niên, trung niên ở đây phải rời quê đi làm thuê. Dịch Covid-19 ập đến, hàng chục cặp vợ chồng ở Phà Lõm đã phải trở về quê giữa chừng, trong đó có vợ chồng anh Xồng Bá Xò và đứa con đầu lòng 7 ngày tuổi.
Câu chuyện về những cuộc “chạy dịch” hy hữu này được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội và báo chí đã khiến nhiều người xúc động, thương cảm. Sau khi về quê, nhiều người hảo tâm đã lần tìm số điện thoại và địa chỉ của những gia đình đặc biệt này để giúp đỡ họ. Vợ chồng anh Xò đã nhận được hàng trăm triệu đồng từ sự chia sẻ này. Có tiền, anh Xò sửa sang, nâng cấp lại căn nhà cũ do bố mẹ để lại, còn dư chút vốn để mua bò, cái “cần câu” mưu sinh lâu dài.
“Vợ chồng em rất biết ơn những người hảo tâm đã giúp đỡ. Tết này, vợ chồng em đã có nhà mới đón tết và có chút vốn liếng làm sinh kế lâu dài”, anh Xò nói.
Xã Tam Hợp, một xã vùng biên ở Nghệ An, chỉ có 537 hộ dân nhưng có đến 339 người từ các tỉnh phía nam “chạy dịch” về quê giữa chừng. Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, cho biết cuộc sống người dân còn rất khó khăn do đất sản xuất ít. Xã được quy hoạch hơn 868 ha đất rừng sản xuất, nhưng chỉ mới thực hiện được 368 ha. Tư liệu sản xuất ít, không có việc làm ổn định nên người dân buộc phải tha hương. Sau khi “chạy dịch” về quê, xã đã phối hợp với huyện tư vấn để người dân chuyển hướng tìm việc có tay nghề thay vì lao động phổ thông để dễ tìm việc làm trong tỉnh, tạo điều kiện để các gia đình vay vốn làm ăn, một số hộ dân đã được hỗ trợ lợn giống để nuôi.
Gần 7.000 người “chạy dịch” về quê khiến áp lực dồn lên huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, cho biết khoảng 1/3 trong số 30.000 người trong độ tuổi lao động của huyện nhiều năm nay đã phải ly hương để mưu sinh. Hàng ngàn lao động trụ cột nghỉ việc về quê, không còn việc đồng nghĩa với hàng ngàn gia đình này sẽ khó khăn hơn. Để tạo sinh kế cho người dân, H.Kỳ Sơn đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đã hỗ trợ hàng chục con bò để người dân nuôi. Huyện đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An giao 83.000 ha đất rừng phòng hộ cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ và trồng dược liệu dưới tán rừng để làm sinh kế lâu dài cho người dân ngay tại quê mình.
Theo Khánh Hoan (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.