Tây Nguyên biên giới sáng xuân này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Buổi sáng cuối năm, chúng tôi có chuyến hành trình lên biên giới theo lời mời của người bạn. Trời nắng đẹp. Hoa dã quỳ vẫn hồn nhiên khoe sắc. Màu xanh trên đường đến biên cương vẫn thắm đượm sau mùa mưa dài vừa dứt… Chúng tôi ngồi ở quán cà phê Công viên thị trấn Chư Ty đang vắng khách để đợi xe công vụ của huyện Đức Cơ đến đón. Không ngờ, ngoài người bạn đi cùng chúng tôi lại có cả Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định cũng muốn lên thăm các chốt biên giới.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Duy Lê
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Duy Lê

Quốc lộ 19 (nối dài) từ thị trấn Chư Ty lên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thời điểm này vắng phương tiện vận tải qua lại, khác hẳn so với khi đại dịch chưa hoành hành. Chúng tôi vào Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để báo cáo kế hoạch công việc và xin thêm người của đơn vị làm hướng dẫn viên đến các chốt tiền tiêu. Lãnh đạo đơn vị rất nhiệt tình cùng chúng tôi lặn lội đến thăm cán bộ, chiến sĩ đang trực chiến trên các chốt dọc theo đường biên giới. Rất tiếc là Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định lúc này nhận được điện thoại có công việc đột xuất phải quay xe trở về cơ quan nên đành gác lại chuyến đi.

Đến gần cửa khẩu, chúng tôi rẽ vào đường biên đi sâu theo hướng Tây Bắc để đến các chốt Biên phòng. Đi qua ngôi đền mới xây, một chiến sĩ trong đoàn giới thiệu với chúng tôi: Đây là khu vực mà trước đó Đồn trú đóng. Khi dời về vị trí hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã vận động xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ nơi này để ghi công ơn các chiến sĩ Biên phòng hy sinh trong trận chiến với Khmer Đỏ năm 1978 khi chúng đồng loạt tấn công vùng biên giới Tây Nam và biên giới tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ. Trong 9 ngày đêm bị địch bao vây, tấn công với hỏa lực mạnh, dù một số cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh nhưng những người còn lại vẫn dũng cảm, kiên cường bám trụ chống trả, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch. Sau khi cầm chân được lính Khmer Đỏ, nhờ sự chi viện của Quân khu 5, chúng ta đã đánh bật quân địch về bên kia biên giới. Với chiến công trong trận này, năm 1979, Đồn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dừng xe trên đường tuần tra, chúng tôi leo lên ngọn đồi thoai thoải để thăm, chụp hình lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ ở chốt chặn dã chiến đầu tiên. Một lán trại dựng tạm từ đầu mùa dịch dưới cây kơ nia cổ thụ rợp bóng mát, đủ cho 5-7 chiến sĩ Biên phòng, bộ đội địa phương và dân quân tăng cường tạm trú, sinh hoạt. Nơi đây đất khô cằn và xa nguồn nước nên không thể tranh thủ trồng rau, chăn nuôi để tăng gia cải thiện bữa ăn. Vì ở gần Cửa khẩu Quốc tế và khu dân cư, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm đến chốt tiền tiêu này cũng không quá khó khăn nên các chiến sĩ hoàn toàn yên tâm công tác tuần tra bảo vệ biên cương.

Tiếp tục cuộc hành trình trên con đường tuần tra biên giới ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chúng tôi băng qua những cánh rừng le bạt ngàn, thi thoảng còn sót lại những cây bằng lăng, cây cầy của rừng già vút cao, bên đường lác đác những nương bắp, rẫy mì của đồng bào địa phương canh tác. Cứ khoảng vài cây số lại xuất hiện một trạm gác có barrier chắn ngang đường. Thấy xe công vụ, các chiến sĩ trực bồng súng đứng chào. Đến một doi đất tương đối bằng phẳng, bên cạnh có con suối nhỏ, chúng tôi gặp chốt số 3. Ở đây cũng đầy đủ các lực lượng trực chiến do bộ đội Biên phòng chỉ huy. Tuy mới đặt trạm dã chiến từ ngày đầu dịch xuất hiện nhưng cơ sở vật chất như nhà tạm trú, bếp ăn, nhà vệ sinh… đều được dựng bằng tôn màu tối khá chỉn chu, ấm cúng. Nhìn vườn rau xanh, có cả ao cá nhỏ và mấy nhánh lan rừng treo trên cây cột gỗ của giàn mướp tươi tắn, chúng tôi hiểu rằng các chiến sĩ đã xác định tinh thần “trường kỳ” với mảnh đất biên cương này, quyết tâm giữ vững sự bình yên, an toàn cho Nhân dân trong mọi tình huống.

    Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Tú
Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Tú


Mặt trời lên cao, cái nóng phía Tây biên thùy của mùa khô đã len lỏi trên da thịt, chúng tôi chia tay các chiến sĩ ở chốt và “hành quân” đến điểm hẹn-chốt tiền tiêu cố định mà anh em thường gọi là chốt “Hữu Nghị”. Trong đoàn hôm ấy có nhiều anh chị đã từng đến thăm các chiến sĩ tại đây nên họ rất thân tình, mừng rỡ, tất nhiên có nhiều cán bộ, chiến sĩ mới tăng cường khá trẻ trung mà chưa kịp biết tên. Tuy cơ sở vật chất còn khá đơn sơ nhưng vị trí của chốt tiền tiêu này khá đẹp và thơ mộng. Chốt nằm dưới bóng những cây bằng lăng hàng trăm tuổi, bên cạnh là dòng Sê San, nơi “chia đôi sơn hà” Việt Nam-Campuchia (một nửa dòng sông bên kia thuộc huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Mùa này, nước sông Sê San đỏ ngầu, lặng lẽ đổ ngược về sông Sêrêpôk gần Stung Treng để nhập về dòng Mê Kông. Ngồi trên ngôi nhà sàn bên bờ sông lộng gió, nơi các chiến sĩ dựng tạm bằng gỗ để thư giãn và tiếp khách, chúng tôi quên đi chút mệt nhọc trên quãng đường nắng gắt vừa qua và có cảm giác như đang dừng chân ở một điểm trekking sơn thủy hữu tình đầy thú vị. Bấy giờ đã quá giờ trưa, chúng tôi quây quần cùng các chiến sĩ ở chốt dùng bữa cơm đạm bạc, ấm áp. Các chiến sĩ ở chốt khoe rằng, đây là bữa cơm dân dã thường ngày vì tất cả món như: thịt thỏ, cá trắng, cá chình um chuối, rau sống… là anh em tự nuôi trồng và đánh bắt ở sông, không phải mua sắm thứ gì. Nhưng với chúng tôi, đó là mâm cơm đãi khách với những đặc sản mà ở nhà hàng mới có. Để khẳng định điều ấy là sự thật, anh Hóa-bộ đội tăng cường-chỉ tay về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy nói: “Các anh chị biết rồi, Sê San là con sông giàu có về thủy sản, anh em chỉ cần bơi thuyền men theo ven bờ quăng vài tay lưới là có cá ăn cả ngày không hết. Thỏ thì nuôi. Rau thì trồng, ăn đủ quanh năm. Làm lính biên cương thì phải có kỹ năng tự cung tự cấp vì không phải lúc nào cũng chi viện, cung cấp được”.

Cuộc sống của những người lính ở các chốt tiền tiêu trên vùng biên giới Đức Cơ tuy gian khổ và thiếu thốn nhưng họ luôn lạc quan, gắn bó với mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Trong những tháng cao điểm phòng-chống đại dịch Covid-19, các chiến sĩ trực chốt tiền tiêu phải căng mình ngày đêm ngăn chặn các đối tượng xuất-nhập cảnh trái phép theo các đường tiểu ngạch; phối hợp với các lực lượng địa phương và Nhân dân bản địa đấu tranh bắt giữ các đối tượng lén lút xâm nhập biên giới bất hợp pháp, buôn lậu, phòng-chống ma túy… để bảo vệ sự bình yên vùng phên giậu.

Bịn rịn chia tay với những người lính trẻ trên chốt tiền tiêu khi trời chiều còn vương nắng, anh bạn tôi là dân làm văn hóa bỗng nhiên cảm xúc cất lên những câu hát trong bài “Chiều biên giới “(nhạc Trần Chung, thơ Lò Ngân Sủn) để thay lời tạm biệt: “Chiều biên giới em ơi/có nơi nào xanh hơn/như chồi non cỏ biếc/như rừng cây của lá/như tình yêu đôi ta/Chiều biên giới em ơi…”.

 

BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Những bộ cồng chiêng truyền đời

Những bộ cồng chiêng truyền đời

(GLO)- Không chỉ là tài sản có giá trị về mặt vật chất, những bộ cồng chiêng còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần đối với mỗi gia đình hoặc cộng đồng. Chúng được đặt tên và gìn giữ từ đời này sang đời khác để tiếng chiêng của ông cha được ngân vang mãi.
MC Nguyễn Hoàng Nam sứ mệnh cánh én

MC Nguyễn Hoàng Nam sứ mệnh cánh én

(GLO)- MC của phố núi Pleiku Nguyễn Hoàng Nam ví người dẫn chương trình như những cánh én mùa xuân, có sứ mệnh riêng. Nếu chim én báo hiệu mùa xuân yên vui thì người dẫn chương trình cũng có sứ mệnh lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Hướng đến du lịch xanh, phát triển bền vững

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Hướng đến du lịch xanh, phát triển bền vững

(GLO)- Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với lợi thế là vùng lõi, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang tích cực quảng bá, giới thiệu với bạn bè thế giới những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn, quản lý bền vững thiên nhiên. Đây cũng là bước ngoặt mở ra triển vọng đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai.
Dấu ấn Việt trên cao nguyên Boloven

Dấu ấn Việt trên cao nguyên Boloven

(GLO)- Attapeu-một trong những tỉnh thuộc cao nguyên Boloven nằm ở phía Đông Nam của Lào được đánh giá là giàu tiềm năng về đất đai, khoáng sản, thủy điện, lại có mối quan hệ gắn bó đặc biệt, thủy chung với Gia Lai. Nơi đây đã, đang và sẽ là miền đất lành cho những cánh chim bằng sải cánh, biến ước mơ, hoài bão thành các chương trình, dự án hợp tác đầy ấn tượng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân bản địa, phát triển vững mạnh doanh nghiệp, vun đắp tình hữu nghị sắt son Việt-Lào.
Công ty 75: Sôi nổi phong trào thi đua quyết thắng

Công ty 75: Sôi nổi phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất“, Chi nhánh Công ty 75 (Binh đoàn 15) luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, đơn vị đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn đứng chân.
Hướng đến mục tiêu  tăng trưởng xanh

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh

(GLO)- Giai đoạn 2015-2020, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào tăng trưởng xanh (TTX) trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Tỉnh đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động hướng đến mục tiêu TTX nhằm thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân, đồng thời thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Covid-19 và làng rừng của tôi

Covid-19 và làng rừng của tôi

(GLO)- Từ sau ngày giải phóng miền Nam 1975 đến nay, năm nào cũng vậy, dù khó khăn đến mấy, tôi cũng cố tự tìm cơ hội để về lại với buôn làng, với Tây Nguyên. Ở nơi ấy, tôi có bạn bè, có bà con anh em và toàn bộ tuổi trẻ của mình. Tôi tự nhận đó là quê hương thứ hai của mình.
Một thời ở Sân bay Pleiku

Một thời ở Sân bay Pleiku

(GLO)- Nằm ở vị trí chiến lược, Sân bay Cù Hanh (nay là Cảng Hàng không Pleiku) từng là một trong những sân bay quân sự và dân dụng quy mô lớn ở miền Nam. Xung quanh sân bay này có những câu chuyện mà ít người biết đến.
Vươn "cánh sóng" ra Trường Sa

Vươn "cánh sóng" ra Trường Sa

(GLO)- Đóng quân ở Tây Nguyên nhưng Lữ đoàn Thông tin 132 (Binh chủng Thông tin liên lạc) có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn 11 tỉnh, trong đó có các đảo ở Trường Sa. Để “cánh sóng“ nối Trường Sa gần hơn với đất liền, những cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đang ngày đêm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ mạch nguồn liên lạc được thông suốt.
Mã số vùng trồng: "Vé thông hành" cho nông sản xuất ngoại

Mã số vùng trồng: "Vé thông hành" cho nông sản xuất ngoại

(GLO)- Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã cấp 41 mã số vùng trồng cho cây ăn quả và 8 cơ sở đóng gói trái cây của tỉnh để phục vụ xuất khẩu. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nông sản Gia Lai có “vé thông hành“ vươn ra thị trường quốc tế.
Công ty TNHH một thành viên 72 vững vàng trên vùng biên giới

Công ty TNHH một thành viên 72 vững vàng trên vùng biên giới

(GLO)- Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đứng chân trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ. Những năm qua, đơn vị tích cực giúp địa phương xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ người dân thoát nghèo. Những việc làm ấy đã góp phần xây dựng thế trận vùng biên ngày càng vững mạnh, khắc họa sinh động hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ“ trong thời kỳ mới.
Sức bật Kông Chro

Sức bật Kông Chro

(GLO)- Dẫu phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng bằng sự đoàn kết, ý chí quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Kông Chro đã gặt hái những thành quả rất đáng tự hào. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục vững bước trên chặng đường xây dựng và phát triển.
Chư Krêy: Những du kích anh hùng

Chư Krêy: Những du kích anh hùng

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, dấu vết bom đạn đã chìm sâu dưới rẫy nương tươi tốt của người dân xã Chư Krêy (huyện Kông Chro). Vậy nhưng, những chiến công lừng lẫy của Đội du kích xã A3 anh hùng thì còn lưu mãi.
Không gian mở cho du lịch nông nghiệp

Không gian mở cho du lịch nông nghiệp

(GLO)- Khai thác lợi thế khác biệt của không gian nông nghiệp với nhiều sản vật và văn hóa đặc sắc, ngành du lịch Gia Lai hướng đến hình thành hệ sinh thái du lịch nông nghiệp để bắt kịp xu thế của cả nước và thế giới.
Mùa xuân về

Mùa xuân về

(GLO)- Mỗi khi mùa xuân về gõ cửa, không gian trải lên một liếp vàng của nắng để kết thúc một mùa đông lạnh lùng và bão táp. Những hạt mưa xuân giăng giăng như những sợi dây nối giữa đất và trời mở ra một cảnh quan huyền ảo mà các mùa khác không bao giờ có được. Riêng về nắng xuân cũng có nét riêng: không oi bức, gắt gẫm như mùa hè; không ảm đạm như mùa thu. Là màu nắng của tình yêu và hy vọng khiến cho lòng người cảm giác lâng lâng đón nhận một cách trân quý để mở ra một năm mới bình yên và hạnh phúc.