Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm vừa qua, TP.Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan đã khiến cho ngành du lịch tại địa phương này dậm chân tại chỗ, phát triển chưa được như kỳ vọng. Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù ngành du lịch ở tỉnh đã từng bước phục hồi nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết triệt để... 

Du khách tham quan, trải nghiệm ở Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Du khách tham quan, trải nghiệm ở Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Chưa đạt như kỳ vọng
Hiện, TP.Buôn Ma Thuột có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không tương đối hoàn chỉnh so các địa phương trong vùng, tạo cho địa phương một vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực sự có tiềm năng phát triển du lịch. Địa phương còn có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như Cụm thác Gia Long, Dray Nur, Dray Sap, Buôn Ako Dhong, nhà đày Buôn Ma Thuột, hồ Ea Kao… nhiều năm qua được khách du lịch đánh giá cao.
Tuy nhiên, TP.Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, chưa đủ lực để tạo sức bật, gây được sự chú ý xứng tầm trên bản đồ du lịch Việt Nam... Đặc biệt sau dịch bệnh COVID-19, lượng du khách trong và ngoài nước đến với Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chưa được như kỳ vọng. Nhiều sản phẩm du lịch mới manh nha hình thành, nhưng nhỏ lẻ, manh mún, vướng các cơ chế chính sách, thiếu quy hoạch. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, mô hình kinh doanh gặp khó khăn, rào cản…
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk - chia sẻ: “Muốn làm du lịch tốt thì doanh nghiệp phải thu hút được khách lưu trú qua đêm thì mới có cơ hội tạo được giá trị, triển khai các sản phẩm chuyên sâu, độc đáo để giới thiệu, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của họ, qua đó có thể tăng nguồn thu. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc triển khai hệ thống nhà ở lưu trú trên đất nông nghiệp nên nhiều du lịch đến một số địa phương trong tỉnh chỉ có vài tiếng đồng hồ rồi di chuyển, chưa có được sự ấn tượng”.
Ông Trương Ngọc Quang - Giám đốc Công ty Ca cao Nam Việt Sơn - bày tỏ: Từ sản một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại khi chuyển qua mở rộng thêm ngành dịch vụ du lịch thì đơn vị gặp khó trong việc xây dựng các tour, tuyến vì nhiều điểm du lịch ở địa phương không được liền kề với nhau dẫn đến khó khăn khi di chuyển. Ngoài ra, hệ sinh thái du lịch ở địa phương chưa được mở rộng, chưa có được sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan.
Cần thay đổi tư duy làm du lịch
Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng Giám đốc Đam San Tourist - nhận định: “Du lịch là phải kết nối, nếu không kết nối những cái nhỏ lẻ sẽ khó phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng. Theo tôi, chúng ta cần xác định đến Buôn Ma Thuột là đến với trung tâm vùng Tây Nguyên chứ không phải riêng một huyện hay thành phố nào của tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột đã và đang là “Thành phố cà phê của Thế giới” nên cần có sự liên kết về chiều sâu, sản phẩm du lịch đạt chất lượng nhằm tạo được sức bật cho đô thị này nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung”.   
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Để tạo dựng hình ảnh du lịch Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung thì trước mắt phải làm một cách chuyên nghiệp, khắc phục cho được tình trạng manh mún, tự phát, thiếu đồng bộ; đồng thời, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và sự chung tay của cả cộng đồng địa phương. Ngoài ra, văn hóa xuất phát từ con người, cho nên cần xây dựng đội ngũ quản lý, nhân viên du lịch có trình độ chuyên môn cao, có lối ứng xử, giao tiếp văn minh và tinh thần, thái độ phục vụ chuyên nghiệp.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, Đắk Lắk cần tập trung phát triển văn hóa gắn với xây dựng hình ảnh con người Đắk Lắk văn minh, thân thiện, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp thiết, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo và tham mưu tỉnh ban hành Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng xử, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; từng bước tạo được niềm tin, sự hòa đồng, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk đối với khách đến sinh sống, học tập, tham quan, du lịch trong thời gian tới; từ đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu để phát triển du lịch tỉnh.
Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - nhấn mạnh: Thành phố có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” và là địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” và là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như kỳ vọng của Trung ương thì địa phương rất cần những ý kiến đóng góp, những ý tưởng sáng tạo của các chuyên gia để có thể cụ thể hóa, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển thành phố.
Theo ông Hưng: Những ý kiến tham gia góp ý từ các doanh nghiệp nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn... và các địa phương về những giải pháp mang tính thiết thực, những khuyến nghị, kinh nghiệm thực tiễn về quy chế, thể chế, chính sách có tính đột phá, đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới - một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh... đồng thời xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và có bản sắc. 
Hôm nay (10.6), Báo Lao Động phối hợp với Viện Du lịch Nông nghiệp Việt Nam và Hội doanh nhân TP.Buôn Ma Thuột chủ trì, tổ chức buổi tọa đàm “Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trong tình hình mới”. Mục đích tạo ra sự kiện truyền thông để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, kêu gọi đầu tư cho TP.Buôn Ma Thuột - đặc biệt lĩnh vực du lịch, bất động sản du lịch và du lịch canh nông, du lịch cộng đồng. Song song với đó, đây là dịp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại địa phương đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Đồng thời, là dịp để các chuyên gia, các diễn giả có tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình kinh doanh, đầu tư ở các dự án, địa phương khác, hiến kế cho địa phương...
Theo Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.