Tản văn: Mùa mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy hôm nay mưa. Mưa như nghiêng vò trút nước xuống khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng ngập chìm trong mưa. Nhìn cảnh mọi người vất vả trong biển nước, lòng thắt lại, chênh chao về phía bão giông đã neo dấu tuổi thơ tôi.

Cái miền quê nghèo ven biển ấy, mỗi năm hứng chịu vài trận bão. Hễ nghe tin bão xa, mẹ lại lo lắng chuẩn bị mọi thứ đối phó với bão. Từ việc chằng chống nhà cửa, cây cối, dọi lại mái nhà phòng gió lốc, mưa dột, đến chuẩn bị rơm rạ chất đốt và nhu yếu phẩm. Bởi khi đã mưa xuống, nước dâng lên thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, ngồi trong nhà nghe gió rít mưa tuôn còn thấy sợ nói gì chuyện đi ra ngoài.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sợ nhất là những lần bão ập đến vào ban đêm, trở tay không kịp. Bởi ngày trước phương tiện thông tin còn nghèo nàn, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian mà dự báo thời tiết. Chuyện đêm hôm đang ngủ say sưa mà đám trẻ con chúng tôi bị dựng dậy chạy bão là chuyện thường. Bị gọi dậy giữa đêm, nghe tiếng gió rít, tiếng mưa dội ầm ầm thì tự động tìm áo mưa quấn vào người, với cây đèn bão rồi đi theo mẹ ra ngõ.

Tới tận bây giờ, lòng tôi vẫn cảm phục lắm cái người nào đã “phát minh” ra cây đèn bão rất đơn giản mà hữu ích ấy. Ai cũng có thể tự làm và nhà nào cũng có một chiếc. Chỉ cần lấy cái vỏ chai thủy tinh, hơ trên lửa cho thật nóng, rồi cắt rời phần đáy chai độ 4-5 cm, quấn ba sợi dây thép lại như cái quang bé xíu, kết nối phần đáy với phần thân chai rồi đặt vào cái quang ấy. Uốn một sợi dây thép nhỏ thành cái lò xo dính chặt vào đáy chai, bên trên lò xo đặt đồng xu có cái lỗ tròn, luồn một sợi bấc đèn qua lỗ đồng xu, đổ dầu vào phần đáy chai. Phía trên cổ chai được cắt ngắn bớt, che lại bằng một chiếc chụp đèn thường được làm rất khéo từ vỏ cây măng phơi khô. Thế là có một chiếc đèn bão (hay còn gọi là đèn chai) vô cùng hữu dụng trong mùa mưa bão. Chỉ có nó mới chống chọi nổi sức gió giật các cấp kèm theo mưa lớn trong những trận bão. Có hôm, gió xoay tít mù cây đèn trong bàn tay bé xíu của tôi, gió tưởng như có thể xô ngã cả tôi nếu không có cánh tay mẹ tôi giữ lại. Ấy thế mà ngọn lửa bé tí trong cái vỏ chai kia chẳng hề hấn gì, vẫn lấp lánh sáng trong đêm dẫn lối cho chúng tôi.

Mẹ tôi khi ấy cõng đứa em trên lưng, một tay nắm tay tôi dò dẫm bấm chặt mười ngón chân đến tấy đỏ trên mặt đường đất thịt trơn như đổ mỡ, luôn miệng nhắc tôi cẩn thận kẻo ngã và phải cầm thật chắc cây đèn. Mưa vuốt mặt không kịp, chiếc nón cũ mẹ đội trên đầu luôn bị hất ngược ra phía sau, manh áo mưa cũng chỉ đủ giữ cho đứa em tôi trên lưng mẹ khỏi ướt. Dò dẫm được vào xóm phía trong đê để gửi con, khi nào trời cũng đã quá nửa đêm. Mẹ lại một mình trở về lo chống chọi với bão để giữ cửa nhà và hoa màu, sao cho tổn hại ở mức thấp nhất. Còn chúng tôi, cùng với những đứa trẻ khác trong làng, lăn lóc ngủ trong ổ rơm nhà người quen, chờ bão tan để được mẹ đón về.

Sau này về thăm quê, chuyện được chúng tôi nhắc đến nhiều nhất chính là những lần đi tránh bão. Đáng nhớ nhất là chuyện một đứa ngày ấy phải đi ngủ nhờ lúc còn bú mẹ, đêm thèm sữa rúc vào ti bác chủ nhà bú nhờ, bị đứa con bác ấy đánh cho vì dám tranh mẹ của nó. Đứa đi tránh bão bú nhờ ấy, giờ cũng đã thành tiến sĩ. Nhắc chuyện cũ, mắt nó xa xăm.

Bao nhiêu mùa mưa bão đã qua, cũng không ít giông gió trôi ngang cuộc đời. Những đêm lạnh nằm nghe mưa gió, nhớ đến quặn lòng cái ánh đèn chai leo lét hắt xuống mặt đường trơn như đổ mỡ. Và mỗi lần nghe tin bão xa, ruột gan như thắt lại, cầu mong mưa bão đừng nghiêng về phía quê nhà.

Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.