Tại sao cầu thủ Việt Nam chấn thương liên miên?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quá tải hay va chạm mạnh dẫn đến chấn thương đã đành, nhưng gần đây một loạt cầu thủ Việt Nam bị đau nặng chỉ sau những tình huống khá “vớ vẩn” lúc tập luyện hay khi thi đấu.
Dù tranh chấp không quyết liệt nhưng Duy Mạnh vẫn dính chấn thương nặng trong trận tranh Siêu cúp/ Ảnh: Độc Lập
Dù tranh chấp không quyết liệt nhưng Duy Mạnh vẫn dính chấn thương nặng trong trận tranh Siêu cúp/ Ảnh: Độc Lập
Chấn thương nối tiếp chấn thương
Chiều qua, gặp lại Trần Đình Trọng, chúng tôi hỏi: “Sức khỏe của anh sao rồi?”, Trọng lấy tay xoa xoa đầu gối rồi nói: “Tôi đã hồi phục khoảng 80% nhưng xoay trở vẫn chậm, nếu chạy nhanh vẫn cảm thấy hơi nhói”.
Cách đây đúng 9 tháng, sau một tình huống bị vấp cỏ trong trận đấu với HAGL tại vòng 12 V-League 2019, trung vệ của đội Hà Nội ngã xuống sân Pleiku và đã bị chấn thương dây chằng. Anh phải sang Singapore phẫu thuật (vào đầu năm 2019, Trọng đã từng sang Hàn Quốc điều trị chấn thương mẻ xương mu bàn chân bị dai dẳng từ 2 năm trước).
Bệnh viện Parkway (Singapore) dự kiến cũng sẽ là địa chỉ mà Duy Mạnh sẽ mổ “tổ hợp” chấn thương đầu gối mà nặng nhất là dây chằng chéo trước bị đứt hoàn toàn. Mạnh bị chấn thương nặng sau pha va chạm với cầu thủ TP.HCM tại trận Siêu cúp quốc gia, pha va chạm mà người ngoài nhìn vào đều cảm thấy “không có gì nghiêm trọng vì hai cầu thủ không lao vào nhau với tốc độ cao” (lời HLV đội Hà Nội Chu Đình Nghiêm).
Quang Hải vẫn chưa lấy lại phong độ sau chấn thương/ Ảnh: Giang Nguyễn
Quang Hải vẫn chưa lấy lại phong độ sau chấn thương/ Ảnh: Giang Nguyễn
Nhìn sang các đội khác, Phan Văn Đức sau khi vô địch AFF Cup 2018 trở về CLB SLNA đã tái phát chấn thương hai lần mà điều đáng nói là đều bị trong các buổi tập bình thường của đội, không đối kháng, không đua tranh. Phạm Xuân Mạnh cũng vậy. Những tưởng Mạnh sẽ trở lại một cách khỏe khoắn ở đầu mùa giải 2020 nhưng cách đây hai tuần, anh bị chấn thương cổ chân cũng trong buổi tập nội bộ của SLNA - không tranh chấp mà là tự chấn thương.
Danh sách “thương binh” ở các đội bóng còn phải kể đến Hà Minh Tuấn, Lương Xuân Trường, Nguyễn Huy Hùng, Đỗ Thanh Thịnh… Một thực trạng đáng lo ngại khi có đến 6 gương mặt trong đội hình xuất phát U.23 Thường Châu đã bị đau nặng từ nửa năm đến cả mùa là Phan Văn Đức, Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường, Trần Đình Trọng và Phạm Xuân Mạnh! Chưa kể Nguyễn Tuấn Anh, Võ Huy Toàn cũng từng “mất tích” một thời gian dài vì chấn thương.
Áp lực thi đấu khủng khiếp dẫn đến quá tải
Có một thực tế không thể phủ nhận là trong 2 năm qua các tuyển thủ trẻ Việt Nam phải cày ải quá nhiều. Thành công ở giải U.23 châu Á 2018 cùng với chiến lược trẻ hóa đã khiến những chàng trai tuổi đôi mươi sau đó chịu áp lực cực nặng từ sân chơi quốc nội đến đấu trường quốc tế như ASIAD 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, SEA Games 30, vòng loại - vòng chung kết U.23 châu Á, vòng loại World Cup 2022… Đơn cử tiền vệ Quang Hải thi đấu xấp xỉ 120 trận trên mọi mặt trận từ 2018 đến nay - con số “khủng” hơn cả Ronaldo.
Cựu bác sĩ đội U.23 Việt Nam Trương Công Dũng cho rằng: “Chúng ta cần phải tăng cường chất lượng, số lượng y tế ở cấp cơ sở là CLB. Câu chuyện về dinh dưỡng (bao gồm cả chế độ ăn uống và có riêng chuyên gia dinh dưỡng), chăm sóc y tế cần được xem trọng ngang việc bỏ tiền mua các ngôi sao. Nói ví von bỏ tiền mua xe xịn nhưng chúng ta cũng cần bảo dưỡng, lau dọn, thay nhớt thường xuyên thì xe mới chạy trơn tru được. Cầu thủ nước ngoài có yếu tố di truyền, thể lực và thể hình trội hơn, còn được tập luyện, chăm sóc rất tốt từ nhỏ nên luôn khỏe và mạnh hơn chúng ta. Ở các CLB chuyên nghiệp châu Âu, tỷ lệ bác sĩ, phục hồi với cầu thủ gần như là 1-1. Tại Việt Nam, từ Bắc vào Nam chỉ đếm được một vài trường hợp tạm tốt thôi, mà tôi đánh giá cao nhất là TP.HCM, Viettel bỏ tiền thuê chuyên gia thể lực, bác sĩ ngoại”.
Bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay gần đây là Thái Lan đã xây dựng cùng lúc 2 - 3 đội trẻ để chia sức tùy từng mặt trận. Ở giải U.23 châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cất hết những ngôi sao chơi ở nước ngoài hay là trụ cột ở các CLB trong nước. Nhưng Việt Nam lại khác, áp lực thành tích khiến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang-seo phải “cân” tất các giải đấu mà đội tuyển hay đội U.23, U.22 tham gia. Cũng vì áp lực thành tích mà ông Park luôn phải sử dụng tất cả những quân bài có trong tay, kể cả trong tình huống quân bài đó không ở trạng thái sung sức nhất. Việc sử dụng Đình Trọng tại giải U.23 châu Á 2020 được xem là nước cờ quá mạo hiểm của ông Park. Và nước cờ ấy đã không thành công như ý muốn chủ quan của chính ông.
Gốc rễ vấn đề
Nhưng sự quá tải dẫn đến chấn thương chỉ là một nguyên nhân. Gốc rễ sâu xa của các ca chấn thương, qua lăng kính của cựu HLV đội tuyển U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn: “Tuyệt đại đa số các CLB tại Việt Nam không đầu tư cho 3 vấn đề mấu chốt sau đây: Một là chế độ dinh dưỡng, hai là chuyên gia thể lực và ba là bác sĩ chuyên ngành (chữa trị chấn thương, hồi phục cho cầu thủ). Một số cầu thủ nói với tôi, cứ đến bữa cơm bộ phận nhà bếp nấu mỗi ngày, họ nhắm mắt mà nuốt vì nghèo nàn về thực đơn, đơn giản về cách chế biến, ít ỏi về số lượng. Còn nhớ hồi đội U.19 Việt Nam dự giải U.19 châu Á 2016 tại Bahrain, chúng tôi được chăm sóc dinh dưỡng bởi đầu bếp người Ý. Ăn rất nhiều thịt bò, cá, rau xanh. Thể lực lên cũng là yếu tố quan trọng giúp đội giành vé dự World Cup U.20 năm 2017”.
Ông Tuấn nói tiếp: “Trong thể thao, chấn thương là khó tránh khỏi nhưng vẫn có thể hạn chế chấn thương nếu biết cách phòng tránh. Cầu thủ không ăn đủ chất trong khi cơ thể của họ phải được hưởng chế độ dinh dưỡng dành cho VĐV đỉnh cao. Thể trạng không tốt cũng là lý do dễ dẫn đến chấn thương. Các đội chi nhiều tiền cho cầu thủ ngoại nhưng không dám bỏ tiền mời HLV thể lực và bác sĩ chuyên ngành. Thực tế thì tiền lương cho đội ngũ này ít hơn rất nhiều so với mua một cầu thủ ngoại. Nhưng 100% các CLB ở Việt Nam không làm điều này. Kể cả đội tuyển cũng xem nhẹ vấn đề dinh dưỡng nên chuyện cầu thủ tự chấn thương là điều tất yếu. Vì thế CLB, ban huấn luyện phải có trách nhiệm, biện pháp để hỗ trợ, tư vấn cho cầu thủ. Xin đừng tiết kiệm một cách vô lý để những cầu thủ của mình chấn thương một cách đáng tiếc”.
Theo Nhật Duy-Tiểu Bảo (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

VFF phạt HAGL vì đá xấu

VFF phạt HAGL vì đá xấu

Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa ra án phạt đối với CLB HAGL do có 5 cầu thủ nhận thẻ vàng ở trận đấu với CAHN thuộc vòng 7 LPBank V-League 2024/25.