Đại hội các hội văn học nghệ thuật được trông chờ nhất: Đại hội đại biểu Hội nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ 23 đến 25.11, với sự tham gia của hơn 500 nhà văn. Và một cuộc đối thoại thẳng thắn của phóng viên Lao Động với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX.
Ảnh: T.V |
Được biết ông là một trong số những ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Ông có vui về điều đó?
- Tôi vui vì nhiều hội viên tin tưởng. Một ngày nào đó, cậu bé ở làng Chùa làm thơ, nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đi ra thành phố văn chương là cả một chặng đường vô cùng khó khăn, phức tạp. Tôi không nghĩ sẽ trở thành một nhà thơ, lại càng không nghĩ có ngày, nhiều hội viên tin tưởng tôi có thể làm Chủ tịch Hội nhà văn.
Mỗi ứng viên nên đưa ra một dự án tầm chiến lược phát triển hội trong vòng 5-10 năm để các hội viên phản biện ngay tại Đại hội. Ông có nghĩ như thế?
- Rất nên, vì như thế các ứng viên có cơ hội thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, quan điểm, chiến lược. Và hội viên nên bầu trực tiếp Chủ tịch tại Đại hội. Đó là sự văn minh khi ứng viên Chủ tịch có thể trả lời và đáp ứng đến đâu các nhu cầu, đòi hỏi và kỳ vọng của hội viên. Tôi nghĩ 50% hội viên thích bầu trực tiếp so với nửa còn lại thích bầu theo kiểu truyền thống: Đại hội bầu Ban chấp hành và Ban chấp hành bầu ra Chủ tịch.
Vì sao văn học Việt Nam những năm gần đây thiếu một tác phẩm sừng sững cả về tầm vóc tư tưởng và sự khai phá ngôn ngữ văn học?
- Nó đến từ thái độ nhà văn với con đường lựa chọn. Đó phải là sự chọn lựa lớn, nghiêm túc. Thường các tác phẩm văn học ở ta gần đây chỉ dừng ở mô tả, phản ảnh thậm chí là ám chỉ, phản biện trong khi những tác phẩm lớn không chỉ phản ánh, phê phán mà có ý thức vượt thoát ra khỏi những vụn vặt cá nhân hay chuyện dành cho báo chí như nạn tắc đường, chuyện cải tiến sách giáo khoa, kể cả tham nhũng. Đó không phải là đối tượng tối cao của văn học mà văn học phải hướng tới hành vi khác của con người ứng xử với thế giới này. Chưa có những nhà văn có tư tưởng lớn và dâng hiến thực sự vì điều đó.
Còn đổ lỗi cho Hội nhà văn là sai lầm. Hội lo tổ chức, kết nối, động viên hội viên, tôn vinh và lan tỏa những giá trị thật sự của văn học và nghiên cứu, khám phá, phát hiện hiện ra xu thế của văn chương thời đại mới. Còn tác phẩm lớn phải là tự thân mỗi nhà văn. Nếu Hội Nhà văn không trao giải cho tác phẩm lớn thì bạn đọc sẽ tìm thấy, nếu tác phẩm không xuất bản trong nước thì nó xuất hiện ngoài biên giới.
Theo ông, cách viết hay đề tài quan trọng hơn? Phải chăng nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong văn học Việt đang bị chững lại so với văn học thế giới?
- Đề tài không quan trọng bằng cách viết thể hiện được tư tưởng xuyên suốt của tác giả. Hiện nay, ngôn ngữ của văn học Việt đang trì trệ, mệt mỏi và sáo mòn. Tôi hay ngồi một mình ở một quán càphê ở Hà Đông 10 năm nay, ngồi đến cũ mèm, để khi đọc thơ của một bạn trẻ mới giật mình quay lại quán càphê đó và nhận ra nó chứa đựng không gian lớn lao hơn nhiều. Vẫn là hiện thực cũ nhưng góc nhìn mới thì mới.
Thường người ta thành danh ở lĩnh vực nào lại hay thích được công nhận ở lĩnh vực khác. Giờ đây, ông thích được gọi là họa sĩ hay nhà thơ Nguyễn Quang Thiều?
- Tôi từng viết văn xuôi 20 năm, truyện ngắn được dịch, giới thiệu và đánh giá cao, tuy nhiên thơ ca mới là câu chuyện bên trong tôi. Hội họa cũng chỉ là văn bản thứ hai của thơ ca còn thiếu hụt ở đâu đó. Nhiều tranh gần đây, tôi chép cả thơ lên, nó tạo ra bố cục tranh hay hơn nhưng cũng chỉ ra thơ ca vẫn thống trị trong tôi. Tôi thích viết trường ca vì trường ca chứa đựng nhiều tầng lớp của câu chuyện, nó có nhân vật. Tôi vừa hoàn thành 1 trường ca sử dụng các thể loại: thư từ, hồ sơ, bản thảo, kịch 1 màn, đối thọai và tiểu luận… nhưng tổng thể nó rất nhuần nhuyễn.
Có nhiều người bảo: Thơ ông lạ nhưng khó đọc…
- Người phương Tây nhìn thơ tôi rõ ràng như nhìn cây trong ánh sáng, dù có sự khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ. Các bài viết giới thiệu về thơ tôi trên các tạp chí thơ quốc tế nhưng tôi sợ không dịch ra vì e nhiều người lại nghĩ rằng đó là PR.
Nói thơ tôi khó hiểu vì nhiều người không chịu thay đổi cách nhìn. Danh họa Picasso trong một triển lãm tranh khi thấy có 1 nhà tài phiệt Mỹ bảo không hiểu; đã cầm 1 tờ báo bằng tiếng Trung lên hỏi ông ý có đọc được không. Rồi Picasso bảo: Phải học mới đọc được. Phải tìm ra chìa khóa để mở cánh cửa vào thế giới thi ca. Nhiều câu thơ vang lên như câu nói thường nhật nhưng phải đặt nó trong một cấu trúc khác, tư duy khác. Văn nghệ sĩ phải tạo ra thế giới riêng của anh ta và không thể chiều lòng đám đông dù nghệ thuật phục vụ con người.
Thơ ca có đủ sức lấp đầy những khoảng trống trong ông?
- Nhà thơ Phạm Tiến Duật có nói rất hay rằng thơ ca lấp đi khoảng trống của người đọc nhưng lại đào thêm một khoảng trống của nhà thơ. Khi làm xong bài thơ tưởng như lấp đầy khoảng trống thì nó lại đào thêm một khoảng trống khác. Không có bài thơ tuyệt mỹ cũng như điểm đến không quan trọng bằng hành trình. Trong trường ca “Lò mổ” của tôi có câu: “Ánh sáng chính là nơi người đứng dậy và bước đi”.
Còn người dân làng Chùa có một câu định nghĩa về nghệ thuật: Tiếng bình vỡ trên nền nhà là âm thanh, còn tiếng vỡ trong lòng người là âm nhạc. Hiện thực nó chỉ là hiện thực, còn suy ngẫm, tưởng tượng về nó mới là công việc của văn học nghệ thuật.
- Xin trân trọng cảm ơn!
Theo VIỆT VĂN (thực hiện)