Trưa 23-8, ông Hồ Bách Khoa, Trưởng Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết cơ quan này đã phối hợp với Chi hội Cổ vật Sông Lam (Nghệ An) vừa sưu tầm được một đĩa sứ quý hiếm vẫn còn nguyên vẹn có minh họa cảnh chị em Thúy Kiều du xuân gặp chàng Kim Trọng.
Đĩa sứ này có đường kính 17cm, có men màu trắng ngà. Mặt đĩa có hai phần trang trí với màu men lam. Vòng ngoài có họa tiết ô trám nối liền nhau. Vòng trong có minh họa cảnh chàng Kim Trọng trên lưng ngựa rảo bước qua cầu, phía trước hai chị em Thúy Kiều đang e lệ và có đề hai câu thơ bằng chữ Hán theo thể đứng của Đại thi hào Nguyễn Du trong bài Độc Tiểu thanh ký: "Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẽ nữa/Người đời ai khóc Tố Như chăng?). Tiếp đó có 4 chữ Hán (dịch nghĩa: phỏng theo Truyện Kiều) và 4 chữ Hán theo kiểu lạc khoản (dịch nghĩa: tiết thanh minh năm Ất Dậu - 1945).
Theo ông Hồ Bách Khoa, bước đầu các nhà nghiên cứu sưu tầm cổ vật cho biết, đĩa sứ nói trên thuộc dòng gốm Nam Bộ nằm trong khung niên đại thập niên 40 của thế kỷ XX.
Minh họa cảnh chị em Thúy Kiều du xuân gặp chàng Kim Trọng trong dòng gốm Nam Bộ trên hiện vật gốm sứ rất ít, do đó đĩa sứ vừa được sưu tầm thuộc nhóm hiện vật quý hiếm. Và hiện nay, chiếc đĩa được giới sưu tầm xếp vào nhóm độc bản cần được lưu giữ, nghiên cứu và sớm trưng bày giới thiệu với khách tham quan trong nước và quốc tế.
Dương Quang (sggp)