(GLO)- Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở đồng bằng Khu 3. Những năm tháng lăn lộn cùng nhân dân vùng sâu địch hậu ở Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình… cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn chịu đựng gian khổ, bảo vệ dân, giúp đỡ dân, chiến đấu hy sinh dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, vinh dự được Bác Hồ tặng cờ “Giúp dân, đánh giặc”. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, những năm qua, trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Sư đoàn chủ động tiến hành công tác dân vận và đạt kết quả tốt.
Hoạt động kết nghĩa là hình thức phổ biến của Sư đoàn 320. Những năm qua, Sư đoàn đã duy trì nền nếp các hoạt động với 28 đầu mối kết nghĩa theo phân cấp với địa phương. Trong hoạt động kết nghĩa, đơn vị cùng địa phương lập ban chỉ đạo chung, phân rõ trách nhiệm từng bên, xác định công việc cần giải quyết, định kỳ hội ý rút kinh nghiệm và từng năm đều tổ chức đánh giá kết quả, thống nhất phương hướng hoạt động tiếp theo. Nhờ vậy hoạt động kết nghĩa từng bước đi vào chiều sâu, không để kẻ xấu lợi dụng kích động chia rẽ quân dân, mối quan hệ giữa đơn vị với địa phương ngày càng đoàn kết gắn bó, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Nhà rông văn hóa xã Ia Dom do cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 320 xây dựng. Ảnh: Hùng Tấn |
Lập tổ đội công tác đến các cơ sở khó khăn, có tình hình phức tạp làm công tác dân vận là công việc Sư đoàn làm có hiệu quả. Sư đoàn đã tổ chức trên 150 tổ, đội công tác với hơn 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ về 17 xã, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng cũ của các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Pah, Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Đak Đoa, Mang Yang và TP. Pleiku làm công tác dân vận. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hành quân vượt hàng trăm cây số đến các buôn làng xa xôi hẻo lánh “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận rõ âm mưu phá hoại cách mạng nước ta của kẻ thù; vận động đồng bào định canh, định cư, phát triển sản xuất xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, huấn luyện dân quân và xây dựng các tổ chức vững mạnh. Để các đội công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước các đợt công tác, đơn vị thường cử cán bộ cùng địa phương đến nghiên cứu kỹ tình hình cơ sở, thống nhất việc cần làm, sau đó tổ chức lực lượng có đủ các thành phần theo yêu cầu đặt ra, cán bộ, chiến sĩ đội công tác được quán triệt rõ nhiệm vụ.
Xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) vốn là căn cứ của Sư đoàn trong chiến đấu chống đế quốc Mỹ, bà con dân tộc Jrai ở đây quen đốt rẫy làm nương, nay vận động bà con làm lúa nước, các chiến sĩ của Sư đoàn phải vừa làm vừa hướng dẫn bà con từ làm đất, gieo lúa, chăm bón đến thu hoạch. Không chỉ làm một vụ mà phải làm hai, ba vụ liền bà con mới thấy cái lợi làm lúa nước vừa nhàn, vừa cho thu hoạch cao, lại không phải đi xa. Biết được cách làm rồi, bà con tự khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích. Từ mô hình làm lúa nước ở Ia Lang, Sư đoàn đã giúp địa phương chỉ đạo các cơ sở đến học tập làm theo.
Hành quân huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận, Sư đoàn vận dụng khá thành công. Sư đoàn đã tổ chức trên 150 lượt đại đội với gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia hành quân về các địa bàn, phần lớn là địa bàn các xã vùng sâu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vừa huấn luyện vừa làm công tác dân vận. Hành quân dã ngoại được xác định rõ trong kế hoạch huấn luyện hàng năm với nội dung, tổ chức phương pháp cụ thể đến từng đại đội. Mỗi đợt hành quân, Sư đoàn đều xác định rõ từng việc phải làm có hiệu quả, tổ chức quán triệt giáo dục nhiệm vụ, bồi dưỡng những kiến thức liên quan và chuẩn bị chu đáo các mặt cho bộ đội. Do vậy, các đợt hành quân đều đạt kết quả tốt vừa rèn luyện nâng cao khả năng chiến đấu cho bộ đội gần với thực tiễn, vừa huy động được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia làm công tác dân vận. Nhiều đợt hành quân đã đem lại hiệu quả xã hội cao, tiêu biểu như đợt hành quân dã ngoại của Đại đội 1 và Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thăng Long). Trong đợt hành quân, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, 2 đại đội đã tham gia tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhân dân hai làng Mook Đen, Mook Trắng, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) dời làng cũ xây dựng làng định cư văn hóa mới. Bây giờ, Ia Dom đã trở thành điểm sáng về kinh tế-xã hội ở vùng biên.
Từ năm 2008, hưởng ứng phong trào thanh niên tình nguyện mùa hè xanh do Tổng cục Chính trị phát động, hàng năm vào dịp hè, Sư đoàn đều tổ chức cho tuổi trẻ trong đơn vị về các địa bàn vùng sâu, phối hợp với tuổi trẻ địa phương giúp nhân dân xây dựng cuộc sống. Từ đầu năm 2012, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Sư đoàn đã chỉ đạo và tổ chức cho các cơ quan, đơn vị (cấp trung đoàn) ký kết chương trình phối hợp xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015 với 6 xã trên địa bàn. Qua hơn 2 năm thực hiện, đến nay, các xã trên đều đạt được kết quả thiết thực; trong đó một số nơi đạt kết quả cao, tiêu biểu như xã Biển Hồ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, xã Trà Đa (TP. Pleiku) đạt 18/19 tiêu chí, xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) đạt 13/19 tiêu chí và xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) đạt 11/19 tiêu chí…
Từ khi trở lại Tây Nguyên, Sư đoàn đã đóng góp hàng vạn ngày công xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, đào đắp 211 km kênh mương dẫn nước, 254 km đường giao thông, dò gỡ mìn giải phóng 1.298 ha đất phục vụ sản xuất của nhân dân. Xây dựng 4 nhà rông văn hóa, di chuyển và xây dựng 4 làng định cư, làm mới 154 ngôi nhà và sửa chữa 212 nhà ở cho các gia đình chính sách và nghèo khó, xây dựng 27 nhà tình nghĩa; xây tặng 2 trạm y tế xã, một trường tiểu học, một trường mẫu giáo, 9 phòng học, sửa chữa, nâng cấp 30 phòng học khác và tặng thiết bị trị giá 354 triệu đồng; xóa mù chữ 6 đợt với 300 lượt người; khám-chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người; phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; quyên góp tặng quà, tặng sổ tiết kiệm các thương binh, gia đình liệt sĩ và đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương với số tiền trị giá hàng tỷ đồng…
Hùng Tấn