Sôi động thị trường việc làm tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội chợ việc làm năm 2023 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) ngày 4-3 đã kết nối hơn 60 doanh nghiệp với hàng trăm người lao động có nhu cầu việc làm. Kết quả, 251 lao động đã được tuyển dụng trực tiếp vào làm việc tại 29 doanh nghiệp và xuất khẩu lao động, du học tại một số nước.

Hàng ngàn cơ hội cho người lao động

Hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia hội chợ với nhu cầu tuyển dụng trên 4.000 lao động ở 14 nhóm ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Công ty TNHH Jason Furniture Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 1.500 lao động phổ thông làm việc tại tỉnh Bình Phước. Ông Ke Sen Xian-Giám đốc hành chính Công ty-cho hay: “60-70% công nhân của Công ty là người Gia Lai, Đak Lak. Vì họ rất siêng năng nên chúng tôi tiếp tục tuyển thêm lao động tại các địa phương này. Sau khi nhận việc, ngoài chế độ tiền lương, công nhân còn được hưởng nhiều phúc lợi khác như: hỗ trợ nhà ở, cơm giữa ca, tăng ca, đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, lương tháng 13... Mức thu nhập 6-17 triệu đồng/người/tháng”.

Gian hàng Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thu hút sự quan tâm tìm hiểu của người lao động. Ảnh: Yến Dung

Gian hàng Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thu hút sự quan tâm tìm hiểu của người lao động. Ảnh: Yến Dung

Năm 2023, Công ty cổ phần May Gia Lai mở rộng thêm xưởng may gia công xuất khẩu sang Mỹ và EU. Vì vậy, Công ty có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động phổ thông có nghề hoặc chưa biết nghề. Sau 1 ngày tham gia hội chợ, Công ty đã tư vấn, giới thiệu cho hơn 100 lượt lao động, tuyển dụng trực tiếp 53 lao động và hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp 122 lao động. Phấn khởi trước kết quả ấy, ông Đỗ Quốc Dũng-Phó Tổng Giám đốc Công ty-thông tin: Khi vào làm ở Công ty, người lao động sẽ được ký hợp đồng chính thức, được đóng bảo hiểm xã hội và mức thu nhập dao động trong khoảng 7-15 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, ngoài tiền lương, người lao động còn được hỗ trợ cơm trưa, xăng xe, tiền thưởng đủ ngày công, thưởng năng suất, chất lượng, bổ sung lương... Với lao động chưa biết nghề, Công ty sẽ đào tạo miễn phí và trả lương. Công ty có ký túc xá với đầy đủ tiện nghi cho người lao động ở miễn phí.

Với nguồn lao động dồi dào, Gia Lai được xem là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ở trong nước cũng như đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có trên 200.000 lao động được tạo việc làm, trong đó có gần 9.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tại hội chợ, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã giới thiệu các chương trình phi lợi nhuận với chi phí thấp gồm: đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm của Hàn Quốc; đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; đưa thực tập sinh hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản; tuyển mộ trực tiếp người lao động đi làm việc tại Đài Loan; tuyển lao động làm việc ở các ngành điện tử, công nghệ thông tin, nhà hàng, khách sạn tại Cộng hòa Liên bang Đức. Bà Phạm Ngọc Lan-Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước-cho hay: “Người lao động tham gia chương trình chỉ phải đóng góp chi phí hành chính rất nhỏ. Đối với một số chương trình, người lao động còn được hỗ trợ các chi phí đào tạo, ký túc xá, khám sức khỏe. Người lao động sau thời gian làm việc ở nước ngoài có vốn tích lũy để khởi nghiệp. Sau khi về nước đúng hợp đồng được Trung tâm hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc)”.

Tư vấn, kết nối việc làm bền vững

Hàng trăm người lao động, học sinh, sinh viên đã có mặt tại hội chợ để tìm hiểu thông tin, nhận tư vấn từ các nhà tuyển dụng về vị trí việc làm, mức thu nhập. Tốt nghiệp THPT và muốn tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản, anh Hoàng Thanh Dương (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) đến gian hàng của Trung tâm Lao động ngoài nước để được hỗ trợ tư vấn. “Các tư vấn viên rất nhiệt tình. Tôi đã cơ bản nắm bắt được các điều kiện cần thiết để đăng ký ngành nghề, cách thức đăng ký, thi tuyển cũng như chi phí, tiền lương. Điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, học vấn, tôi đều đáp ứng; chi phí cũng không quá cao so với mức thu nhập, tuy nhiên, tôi vẫn phải trao đổi với gia đình trước khi quyết định”-anh Dương chia sẻ.

Cũng tìm kiếm cơ hội đi xuất khẩu lao động, chị Ksor Liệu (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) bộc bạch: “Ở làng Ngo Rông của mình có 2 người đang lao động ở nước ngoài. Cả 2 đều có thu nhập ổn định và mình cũng muốn được đi lao động như họ để cải thiện kinh tế. Mình đã nghe tư vấn nhưng chi phí trước khi đi vượt quá khả năng kinh tế gia đình. Vì vậy, mình đã chuyển hướng tìm kiếm công việc may mặc hoặc chế biến thực phẩm ở các công ty trong nước”.

Ban tổ chức Hội chợ việc làm trao cờ lưu niệm và hoa cho các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Ảnh: Đinh Yến

Ban tổ chức Hội chợ việc làm trao cờ lưu niệm và hoa cho các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Ảnh: Đinh Yến

Ngoài chị Liệu còn có 152 lao động của huyện Đức Cơ đã được tư vấn, phỏng vấn trực tiếp. Trong đó, 9 lao động được tuyển dụng trực tiếp vào làm việc ở 6 doanh nghiệp; 78 lao động hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp; 3 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động và du học tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho hay: “Hội chợ việc làm được tổ chức quy mô, quy tụ nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với những vị trí việc làm, mức lương, chế độ phù hợp với người lao động. Đây là kênh thông tin việc làm chính thống nên người lao động rất yên tâm”.

Tìm hiểu kỹ thông tin ở một số doanh nghiệp tuyển dụng vị trí việc làm tại TP. Pleiku, ông Nguyễn Đức Huấn (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) nói: “Con gái tôi đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị marketing và đang làm cho một công ty dược phẩm. Tuy nhiên, công việc không ổn định, mức lương thấp nên gia đình cũng muốn tìm cơ hội ở những công ty có vị trí phù hợp, mức lương tương xứng, đặc biệt là được đóng bảo hiểm xã hội. Tìm hiểu thông tin tuyển dụng, tôi thấy vài nơi phù hợp song số lượng có hạn nên cũng băn khoăn về cơ hội của con”.

Sau 1 ngày tổ chức, hội chợ đã thu hút khoảng 800 lao động tham gia, trong đó, hơn 500 lượt lao động được tư vấn, kết nối việc làm. Đặc biệt, 251 lao động đã được tuyển dụng trực tiếp vào làm việc tại 29 doanh nghiệp trong nước hoặc đi xuất khẩu lao động, du học tại một số nước. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-nhận xét: “Hội chợ lần này đã diễn ra đúng kế hoạch, chu đáo, việc bố trí các gian hàng khoa học, thuận lợi cho doanh nghiệp lẫn người lao động có nhu cầu. Đây là một trong những giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người có nhu cầu, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh”.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.