''Cơn mưa kèm gió lớn suốt đêm làm con đường trước nhà Lê Hoàng Nhân (xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) bùn sình khó đi, bờ chuối đã trổ quày bị gió quật gãy quá nửa.
Nhân vẫn thường giành hết công việc nặng nhọc nhưng sắp tới nếu phải đi học xa, không biết ai sẽ làm thay cha Nhân - Ảnh: NGỌC TÀI |
Mưa dột tứ bề làm Nhân trằn trọc, nhớ người mẹ đang vất vả mưu sinh ở Sài Gòn, lo cho cha đi đứng khó khăn và đứa em gái vừa phải chăm cha vừa xoay xở đủ thứ để có thể đến trường.
Mình thực sự ước ao có thể đi học tiếp nhưng lại sợ làm cha mẹ thêm khổ cực, em gái thêm gánh nặng. Lê Hoàng Nhân |
Biến cố của cha
Từ nhỏ Nhân sống cùng ông bà ngoại ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ông bà dù tuổi đã cao nhưng thương con cảnh nghèo khó, phải lang bạt mưu sinh, nếu dẫn các cháu theo thì chuyện học hành của tụi nhỏ phải dang dở. Vì vậy, Nhân ở với ngoại, rau cháo qua ngày.
Còn vợ chồng anh Lê Hoàng Vu (41 tuổi, cha Nhân) mùa khô thì cày ruộng, trồng lúa, làm thuê làm mướn, mùa nước thì chạy xuồng qua cánh đồng tỉnh Long An giăng câu, thả lưới.
Không đến mức "muỗi kêu như sáo thổi" nhưng những tháng ngày lênh đênh giữa đồng không mông quạnh, điều khiến hai vợ chồng sợ nhất là cảnh trái gió trở trời, đau ốm.
"Mấy năm đó cá mắm còn nhiều. Đi suốt ba tháng mùa nước cũng kiếm được đồng vô đồng ra" - anh Vu nhớ lại. Là trụ cột gia đình, sẵn tính siêng năng, nếu chịu khó thì cuộc sống vẫn ổn định.
Ai có ngờ biến cố ập đến. 7 năm trước, vụ tai nạn giao thông khiến người đàn ông khỏe mạnh bỗng chốc thành người không thể lao động. Mọi gánh nặng dồn lên vai vợ, cuộc sống gia đình Nhân thêm phần chật vật.
Buôn gánh bán bưng không đủ, mẹ Nhân quyết định lên Sài Gòn làm công, hằng tháng gửi tiền dành dụm về để lo thuốc men cho chồng, miếng ăn trong nhà và một ít để phần hai anh em đi học. Từ khi cha gặp tai nạn, em gái Nhân về ở với cha để sớm hôm chăm sóc cho anh Vu.
"Con người ta mới lên lớp 10 đã có xe máy đi học. Hai đứa con tui, đứa thì đi xe đạp cũ, đứa thì đi nhờ xe bạn bè. Vậy mà kêu nghỉ học, không đứa nào chịu.
Thấy con ham học quá mình cũng không đành lòng bắt nghỉ. Đời mình đã nghèo khó còn gặp cảnh éo le. Các con nghỉ học sợ cũng khổ như mình" - anh Vu tâm sự.
18 tuổi, đậu cùng lúc hai trường đại học nhưng Nhân thực sự ngập ngừng trước lựa chọn sẽ học tiếp hay ngừng lại, gánh vác gia đình.
Và nỗi lòng của Nhân
Vừa qua, Hoàng Nhân trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bằng hình thức xét học bạ. Điểm thi khối A của bạn cũng khá cao: 25,15 điểm.
Gần đến ngày nhập học, Nhân xin ngoại về ở cùng cha và em gái. Thương cha sức khỏe ngày một yếu mà vẫn lén làm việc nặng, Nhân thường giành hết phần việc để làm. Hết cắt cỏ cho bò, tắm bò rồi quay sang chăm bờ chuối đang bắt đầu ra quả.
Ở khu dân cư ấp Cả Răng, gia đình Nhân chỉ có vỏn vẹn cái nền nhà. Kinh tế gia đình ngoài nuôi bò, trông cậy thêm vào bờ chuối trồng ké trên đất người bà con.
"Hôm qua dông gió dữ lắm, chuối gãy hết trơn mà toàn chuối đã trổ quày" - anh Vu tặc lưỡi. Nói rồi anh buồn xo, không bắt con nghỉ học nhưng khả năng của gia đình lại không thể lo khoản chi phí nhập học.
Trước đây, cha của Nhân còn gắng gượng đan ghế nhựa kiếm thêm tiền nhưng mấy tháng nay không có đơn hàng mới, anh đành nằm chèo queo. Túng thiếu bủa vây, đến ngôi nhà trên khu dân cư cũng đã dột nát tả tơi.
Nhìn căn nhà rồi nhìn những quày chuối đang trổ gặp cảnh mưa dông, anh Vu ước gì mình có thể phụ giúp các con để con bớt tủi thân.
Thấy cha trầm ngâm, Nhân càng nặng lòng hơn: "Mình thực sự ước ao có thể đi học tiếp nhưng lại sợ làm cha mẹ thêm khổ cực, em gái thêm gánh nặng".
Cô Võ Thị Bích Tuyền, giáo viên Trường THPT Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), rất ấn tượng với cậu học trò thường nhịn ăn đến lớp nên lúc nào cũng gầy gò.
Biết hoàn cảnh Nhân đặc biệt khó khăn nên thầy cô cũng thường ưu tiên nhiều suất học bổng nhưng chỉ trang trải được phần nào, trong khi chặng đường sắp tới của Nhân quá nhiều thử thách.
"Nhân là học trò rất có ý chí. Em luôn nhận thức hoàn cảnh của mình nên phấn đấu học hành. Nhân khao khát được đi học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định để đỡ đần cho gia đình. Thầy cô trong trường mong sao em có thể thực hiện ước mơ đó" - cô Tuyền hi vọng.
12 năm đến trường, cậu học trò gầy gò nhất lớp Lê Hoàng Nhân đều đạt học lực giỏi. Năm lớp 12, bạn còn đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. |
NGỌC TÀI (TTO)