Nhiều bạn trẻ cho rằng một cánh cửa đóng lại sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra sau những ngày cách ly xã hội.
Bạn trẻ sống chậm trong dịch Covid-19. Ảnh: THÚY HẰNG |
Có thời gian đọc sách nhiều hơn
Trong những ngày này, khi mọi thứ bắt đầu ổn định trở lại, nhiều bạn trẻ nhớ lại về khoảng thời gian mình phải đối mặt với sự thay đổi vì cách ly xã hội.
Một số bạn cho biết sau thời kỳ cách ly xã hội điều còn lại là sức khỏe, những kỳ thi quan trọng, những lớp học đang còn dở dang. Hoặc còn lại một đám cưới chưa kịp diễn ra, có khi điều còn lại chính là người mình thương yêu...
Nguyễn Phước Huy, (30 tuổi) quản lý một trang thương mại điện tử ở Q.9, TP.HCM, cho biết trong thời gian dịch bệnh, các đối tác (đặc biệt là nước ngoài) gần như không có thêm đầu việc cho Huy và không biết khi nào họ mới kết nối lại. Huy cũng cố gắng nhiều nhưng hiệu quả không như kỳ vọng. Cho nên bây giờ Huy nghĩ phải làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn để bù đắp phần việc bị trễ và những thứ mình đã mất đi vì dịch.
Nhiều bạn trẻ cho biết nhờ cách ly xã hội nên cơ hội rèn luyện sức khỏe được nhiều hơn.Ảnh: PHẠM HỮU |
Tuy vậy, Phước Huy cũng chia sẻ bên cạnh cái mất đi cũng mở ra cho anh nhiều cơ hội mới. Huy đã tận dụng những ngày cách ly để đọc thêm những cuốn sách mà anh từng không có thời gian để đọc. Và nhất là học thêm tiếng Anh, vốn là thứ Huy yếu nhất. “Mình học được cách tập trung vào bản thân nhiều hơn, xem mình còn điểm yếu nào để kịp thời cải thiện...”, Huy cho hay.
Ngoài ra, Huy còn được tập thể dục nhiều hơn, chăm lo sức khỏe hơn. Và theo anh, sau tất cả, sức khỏe là thứ quan trọng nhất.
Kỹ năng ứng phó với những điều tréo ngoe trong cuộc sống
Nguyễn Phạm Diệp Uyên (25 tuổi, ngụ đường Trần Não, Q.2, TP.HCM) thì cho rằng dịch Covid-19 thực sự đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của bạn. Đầu tiên là Uyên bị dời chuyến giao lưu quốc tế 5 tuần đến Mỹ. Sau đó, Mỹ cũng ngừng cấp các visa nên Uyên vẫn chưa tính toán được các bước tiếp theo cho con đường học vấn...
“Tôi bị mất những thứ mà tôi dự định trong nhiều năm mà không bao giờ tôi có thể lấy lại được”, Uyên nói.
Khi bắt đầu cách ly xã hội, Uyên đã đặt ra thử thách bản thân là mỗi ngày nhảy dây 30 phút để tăng cường sức khỏe. Đến nay Uyên đã thực hiện được một tháng và nó trở thành thói quen tập luyện lúc nào không hay. Điều đáng nhớ nhất của Uyên khi ở nhà là khoảng thời gian nhìn nhận lại nhiều thứ. Nó giúp Uyên hoạch định được kế hoạch dài hạn khác, có thêm cái nhìn về sự thay đổi, ứng phó với những điều tréo ngoe trong cuộc sống... Đó là những cái được mà Uyên cảm nhận được sau những ngày cách ly xã hội.
“Trong khoảng 3 tháng thì còn xoay sở được, nghỉ thêm nữa thì cũng đuối”, đó là lời tâm sự của bạn Mai Kiều Oanh, làm việc trong ngành giáo dục tại đường Tô Ký, Q.12, TP.HCM.
Tuy vậy, Oanh lại có sự lạc quan khi khoảng thời gian nghỉ vì dịch bệnh đã giúp cô làm được nhiều điều. Oanh kể: “Tôi có một thời gian nghỉ ngơi thật sự vì trước tết tôi rất căng thẳng. Rồi có thời gian ở nhà học hỏi những kiến thức mới hơn, định hướng lại chuyện nghề nghiệp của mình”.
Theo Phạm Hữu (Thanh Niên)