Sân kho hợp tác xã và những ký ức không quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quê tôi nay chẳng còn tên gọi, các sân kho hợp tác xã cũng không còn tồn tại nhưng những ký ức đẹp đẽ trên mảnh sân rộng thênh thang, lát gạch tàu đỏ au ngày đó chẳng thể nào phai
Nói tới làng quê người ta hay liên tưởng tới "cây đa, bến nước, mái đình" với những hình ảnh quen thuộc, giản dị mà có đi đâu xa, ai ai cũng hướng về. Quê tôi cũng giống như bao miền quê khác của nông thôn miền Bắc. Trước đây có tên gọi là xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa; nằm bên bờ sông Chu hiền hòa nước chảy đêm ngày, chở nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Nhưng nay, hai cái địa danh xã và huyện ấy tra cứu trên phần mềm cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước thì không còn nữa mà được thay thế vào đó là thị trấn Thiệu Hóa. Cái tên gọi ấy không còn là do quê tôi thuộc trung tâm hành chính huyện mới Thiệu Hóa được tách ra từ huyện Thiệu Yên và Đông Sơn (cũ). Tôi xa quê đã rất lâu rồi nhưng ký ức vẫn còn in hằn miền quê với những kỷ vật rất đỗi thân quen đến quyến luyến, bịn rịn dâng tràn.
Nơi lưu dấu bao kỷ niệm
Cuộc sống thuở xưa ấy lùi xa vào quá khứ thật nhanh như một giấc ngủ trưa. Đó là những năm 70, 80 của thế kỷ trước, cái thời mà chúng tôi không sao quên được với những ngày mùa rộn ràng, những buổi đi xem "chiếu bóng màn ảnh rộng, biểu diễn nghệ thuật sân khấu đất" rất chi là thú vị đến hồn nhiên và những "sự vụ" đọng mãi ở cái sân kho của hợp tác xã đầy kỷ niệm.
Tôi nhớ như in về các sân kho của ba làng Trí Cẩn, Kiến Hưng và Dương Hòa. Ba cái sân kho hợp tác xã ở ba làng khác nhau nhưng kiểu cách xây dựng sao nó rất giống nhau. Khi chúng tôi lớn lên thì sân kho đã có tự bao giờ. Sân rộng lắm. Cả ba nằm ngay trung tâm của ba làng để tiện cho sinh hoạt tập thể mỗi khi trong làng tổ chức các trò chơi nhân ngày lễ, Tết và những buổi biểu diễn văn nghệ giữa các đội sản xuất với nhau khi mùa cấy bắt đầu, vụ thu hoạch kết thúc...
 
Một buổi xem chiếu bóng ở sân kho hợp tác xã. (Ảnh minh họa từ internet)
Một buổi xem chiếu bóng ở sân kho hợp tác xã. (Ảnh minh họa từ internet)
Làng Trí Cẩn là cái sân kho thuộc đội 2 làm trung tâm của 3 đội sản xuất: Một, Hai, Ba. Làng Kiến Hưng là cái sân kho thuộc đội Năm làm trung tâm của 4 đội sản xuất: Bốn, Năm, Sáu, Bảy và đây cũng là cái sân kho Trung tâm của xã Thiệu Hưng. Còn một cái sân nữa là thuộc làng Dương Hòa. Cái sân kho này đặt trung tâm tại đội sản xuất 10 cho 4 đội: Tám, Chín, Mười và Mười Một.
Các sân kho thời đó cứ vào mùa thu hoạch lúa là tất cả các đội sản xuất của ba làng mang lúa về tập trung để tuốt. Tiện thể sân này dùng để phơi lúa. Ngày mùa, lúa dàn trải đầy sân và các nam thanh niên được phân công túc trực bảo vệ chung. Những ngày này, quê tôi vui như hội, nghĩ lại cứ nhơ nhớ và tiếc nuối đến lâng lâng.
Sân kho cũng là nơi để cho các đội chiếu phim lưu động và các đoàn biểu diễn nghệ thuật của tỉnh ghé công chiếu và biểu diễn cho người dân quê tôi thưởng thức cùng với các xã lân cận mỗi khi có phong trào thi đua.
Mỗi sân kho là một dãy nhà kho kiên cố và vững chắc. Nhà kho xây to, đồ sộ lắm, nằm lọt bên trong sân và được sắp xếp rất ngăn nắp cho tiện để ôtô, máy cày, xe bò kéo ra vào. Khu nhà kho nhiều căn rộng, dùng để chứa lương thực chủ yếu là lúa, cửa được đóng rất chắc để kẻ gian không thể lọt vào ăn trộm được, nối dài mấy dãy tít tắp. Cột được xây bằng vật liệu gì sao mà khó hòng bong tróc được. Nghe đâu nhà kho ấy là của chủ điền phú nông thuở đã rất chi là xa. Mái lợp ngói vảy cá, loại ngói này nay khó kiếm ra lắm, thỉnh thoảng còn vài ngôi nhà còn sót lại nhưng rêu phong, cổ kính rồi. Mái ngói này chim, dơi rất thích bởi đây là nơi yên tĩnh nhất cho chúng trú ngụ vì trần nhà cao lắm không ai nghịch phá tới.
Tường rào sân kho được xây bằng gạch, đá xanh cao lắm. Trên mặt tường rào ấy, người ta cắm rất nhiều miếng mảnh vỡ của chai thủy tinh. Chúng tôi không dám đùa nghịch với hàng chông thủy tinh ấy vì sợ chảy máu.
Sợ ma - nỗi sợ đầy thú vị của tuổi thơ
Hết mùa thu hoạch lúa hay không có sự kiện gì thì sân kho trở lại dáng vẻ im lìm, buồn tênh và chỉ còn bộ máy tuốt lúa nằm chờ mùa thu hoạch khác tới. Sự vắng lặng của sân và sự thông thoáng lại là chỗ chơi lý tưởng của trẻ con chúng tôi.
Chiều đến, chúng tôi tụm lại nhảy lò cò đếm đo, ước lượng sự rộng dài của sân. Còn nhớ sân dài lắm, chúng tôi chạy bộ từ đầu sân phía Bắc đến cuối sân phía Nam cũng mệt bở hơi tai. Sân lát gạch tàu đỏ au, viên gạch vuông cạnh cỡ 30 cm gì đấy, xếp hàng thẳng băng. Trên nền gạch này, ngồi xem chiếu bóng màn ảnh rộng thích lắm. Bởi vì sân quá rộng nên bọn trẻ con rủ nhau đếm xem bao nhiêu hàng và viên gạch thì lâu lắm mới hết. Gạch lát chi chít nhìn lóa cả mắt.
Chúng tôi cũng thuộc loại dở hơi, lò cò đi đếm số gạch cho đổ mồ hôi để có chuyện đố nhau cá cược kem mút. Ấy thế mà nhiều đứa cũng chịu thua, có khi cả người lớn nữa. Bà tôi nghe chúng tôi tranh cãi thắng thua về số lượng các viên gạch ở sân kho ỏm tỏi liền hù dọa: "Sân kho ma núp nhiều lắm đấy". Nghe vậy, chúng tôi đứa nào đứa nấy hoảng rồi không dám vào đó chơi nữa, núp sau lưng bà thủ thỉ: "Bà ơi, người ta xây tường cao lắm bà ạ! Mà sao ma núp được?".
Bà chẳng giải thích thêm gì. Thấy bà im, chúng tôi sợ rồi hoài nghi nghĩ ra đủ chuyện thêu dệt lên, thì thầm to nhỏ. Nỗi sợ càng làm cho chúng tôi cảm thấy nếu có ai trong làng mất là chập tối không dám đi ngang qua cửa buồng nhà mình nữa. Chúng tôi tin bà nói đúng bởi bà là người tường tận với hình ảnh cái sân kho đó nhiều nhất.
Từ đó trở đi cứ hễ đi ngang qua cái sân kho đó chúng tôi chả ai nói với nhau điều gì, cứ thế ba chân bốn cẳng vùng chạy không dám ngoái cổ lại sợ ma túm chân chạy không được. Qua được cái ải của cái sân là chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, mặt lấm la lấm lét. Nhiều đứa chúng tôi còn nghĩ ra cách đi ngang cái sân là rủ con chó đi theo để bớt sợ. Nhưng có khi đi ngang qua lại cứ nghe tiếng chim hót trong nhà kho và tiếng gió thổi lại càng sợ thêm. Ban ngày đã sợ ngộ nhỡ ban đêm có chuyện gì đi ngang qua thì sao. Ui chao ơi! Chúng tôi giành nhau đi ở giữa. Nếu mà ma níu thì có người đi trước và đi sau chịu. Vậy là hễ mẹ sai đi lên bờ ao hái rau mà trời hơi tối là ưỡn ẹo bịa bị thế này thế kia để né đi qua cái sân kho mà bà bảo có "ma núp".
Về sau chúng tôi nghĩ "sợ quái gì? Mình anh hùng lên chứ!" và cứ rủ nhau ra kho chơi trốn tìm cho thỏa thích.
Thời gian thấm thoắt trôi, cái sân kho ở ba làng của quê tôi không còn nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà của người dân quê tôi sinh sống. Bây giờ mấy chục năm trôi qua nhắc lại, chúng tôi nhớ mãi cái sân kho chứa đầy kỷ niệm thời đó khi được vui đùa thỏa thích trên sân phơi hợp tác xã, rồi còn được đi xem chiếu bóng, tuồng, chèo… Nỗi nhớ thi thoảng hiện về và văng vẳng đâu đây tiếng quê hương. 
PHÙNG VĂN ĐỊNH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.