(GLO)- Với ưu điểm dễ nhớ, dễ học cộng với nhịp điệu vui nhộn, hài hước khiến cho dân vũ trở thành món ăn tinh thần và là sân chơi vô cùng bổ ích, lý thú dành cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3).
Dân vũ được hiểu là những điệu nhảy đơn giản mà mọi người đều có thể tham gia. Chẳng kể lứa tuổi, nghề nghiệp hay mối quan hệ thân-sơ, chỉ cần bật nhạc lên, mọi người đều có thể nhún nhảy theo từng động tác. Có lẽ, đó cũng chính là ưu điểm để vài năm trở lại đây, phong trào dân vũ đã được đưa vào trong các đơn vị quân đội nhằm động viên, khích lệ tinh thần văn hóa-văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ.
Cán bộ, chiến sĩ đang biểu diễn bài dân vũ “Trống cơm”. Ảnh: A.H |
Mới đây, tại Liên hoan “Tiếng hát binh nhì” và múa hát tập thể do Sư đoàn 320 tổ chức, chúng tôi đã vô cùng bất ngờ trước những bài biểu diễn dân vũ của các chiến sĩ Tiểu đoàn 1. Dường như đó là một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, khác xa so với những hình ảnh trước đó mà chúng tôi đã từng thấy trên thao trường huấn luyện. Hàng trăm chiến sĩ xếp thành từng hàng và khi tiếng nhạc bật lên, tất cả đều thực hiện đồng đều, thuần thục các động tác trong các bài dân vũ: “Anh Ba Hưng”, “Trống cơm”. Chiến sĩ Đoàn Văn Đường (Trung đội 2, Đại đội 4) chia sẻ: “Đây là hai bài dân vũ phổ biến mà chiến sĩ nào cũng được học. Nhờ những điệu nhảy vui tươi, hài hước này mà chiến sĩ nhanh chóng làm quen với môi trường mới, bạn bè mới và vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân”.
Theo Đại úy Hoàng Văn Khánh-Chính trị viên Tiểu đoàn 1, dân vũ được xem là hoạt động văn hóa-văn nghệ quần chúng, có tính kết nối cộng đồng cao nên ngay sau khi tiếp nhận và ổn định chiến sĩ mới, đơn vị đã tổ chức cho chiến sĩ làm quen với hai điệu nhảy dân vũ vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ và vào các tối thứ tư, thứ sáu hàng tuần. Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, 100% chiến sĩ đều thuộc hai bài dân vũ. Do các động tác trong cả hai bài dân vũ đều đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày nên chỉ mất vài ngày là các chiến sĩ đã có thể thuần thục. “Nếu tập từng người thì chỉ mất khoảng 3-4 buổi là chiến sĩ có thể thực hiện được từng động tác nhưng nếu ghép vào đội hình tập thể thì khoảng 2 tuần là đồng đều”-Đại úy Hoàng Văn Khánh cho hay.
Vài năm trở lại đây, dân vũ đã trở thành một sân chơi mà hầu hết các chiến sĩ của Tiểu đoàn đều yêu thích. Các điệu nhảy dân vũ không chỉ giúp chiến sĩ mạnh dạn hơn trong các hoạt động tại đơn vị mà còn giúp họ tự tin thể hiện mình trong các buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ với các đơn vị kết nghĩa. Chiến sĩ Nguyễn Văn Cường (khẩu đội 1, Tiểu đoàn 1), cho biết: “Những động tác mạnh mẽ, dứt khoát, vui nhộn trong từng điệu nhảy giúp em giải phóng mọi căng thẳng, mệt mỏi và tập trung hơn vào công việc của ngày hôm sau”. Còn chiến sĩ Đoàn Văn Đường thì: “Lúc trước, mỗi khi đứng trước đám đông, em rất run nhưng từ khi tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ, nhất là tham gia “Tiếng hát binh nhì” và dân vũ tại đơn vị, em thấy mình tự tin hơn hẳn”. Không chỉ có Đoàn Văn Đường, Nguyễn Văn Cường mà nhiều chiến sĩ khác đều mong muốn đến các tối thứ tư, thứ sáu và các ngày nghỉ mỗi tuần để có thể được… thả lỏng cơ thể và “say” trong các điệu dân vũ.
“Phong trào văn hóa-văn nghệ không chỉ động viên, khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ sau những giờ học tập, huấn luyện mệt nhọc ngoài thao trường mà còn góp phần tạo thêm động lực để chiến sĩ học tập, huấn luyện hăng hái, hiệu quả hơn. Đặc biệt, tại Liên hoan “Tiếng hát binh nhì” và hội thi Báo tường, múa hát tập thể do Sư đoàn tổ chức, Tiểu đoàn 1 vinh dự đạt giải nhất ở cả ba nội dung”-Đại úy Khánh nhấn mạnh.
Anh Huy