Sắc mai vàng ven sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đông ra hàng rào bưng mẻ mứt gừng ngoại phơi hồi trưa nắng gắt. Mẻ mứt đặng nắng khô dần, nước đường đông lại thành từng mảng trắng tinh dưới đáy mẻ. Năm nào cũng vậy, ngoại có thói quen làm đôi ba thứ mứt để tết ăn cho vui nhà vui cửa. Dì Nương bơi xuồng qua nhà ngoại chơi thấy ngoại lúi húi làm mứt, dì cười bảo bây giờ ngoài chợ người ta bán đầy, mua mứt nào cũng có, hơi sức đâu mà ngồi lọ mọ làm mứt như hồi xưa. Ngoại cười: “Quen rồi! Mứt nhà mình làm vừa sạch vừa ngon, đi mua ba thứ mứt ngoài chợ, toàn phẩm màu, sợ dữ lắm!”.

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân



Đông không thích ăn mứt gừng, song nó cũng ráng nhắm mắt mà ăn, dần dần cũng quen. Ngoại thấy Đông cầm miếng mứt gừng nhai nhóp nhép ngoài hàng rào, ngoại giật mình hỏi: “Đông, bây có thích ăn mứt gừng đâu, bây chê nó cay, bây chảy nước mắt. Sao bây ăn ngon miệng dữ vậy?”. Đông đưa tay gãi gãi đầu, lí nhí: “Tại má con thích ăn mứt gừng”. Ngoại cười mà lòng ngoại chua chát.
 
Chiều nghiêng ngả trên mấy đọt dừa xù xù trong xóm nhỏ. Mấy con chim non bay về tổ trước lúc đêm buông. Thấy Đông ngồi dưới bến sông hai chân đong đưa dưới làn nước mát lành của dòng sông cuối năm chảy ngang qua xóm nhỏ, dì Nương hỏi vọng:
 
- Đông, sao ngồi buồn hiu vậy con, bộ nhớ má hả? Tết này má mày có về không? Đi gì lâu dữ, thấy mày đợi, dì thương đứt ruột.
 
Đông nhoẻn miệng cười lộ hai cái răng khểnh. Mắt Đông lại ươn ướt và hình như cổ họng Đông nghẹn lại thì phải. Nó nói như cố rặn ra từng chữ một:
 
- Má con về chứ! Về với con, với ngoại.
 
- Bộ má mày gọi điện nói về hả, dì mừng cho mày.
 
Đông lắc đầu, mắt buồn bã như cái buồn của hoàng hôn rơi vụn mặt sông:
 
- Dạ không, má con không có gọi điện, ngoại cũng không nói. Chỉ là...
 
Đông ngập ngừng, dì Nương cũng không hỏi nữa. Nếu dì hỏi thêm chắc Đông bật khóc dưới bến sông quê. Nhiều lần Đông cũng ngồi khóc một mình dưới bến. Nó hay khóc ở chỗ đó. Đơn giản vì không ai thấy nó khóc. Con trai mà, ai đời lại để cho người khác thấy mình khóc bao giờ. Nước mắt Đông khi đó giọt ngắn giọt dài, giọt rơi xuống cổ, giọt rớt xuống nước hòa tan vào con nước sông quê.
 
Các nhà trong xóm đã hái xong lá mai cả rồi, có cây mai lạ lùng bật ra những nụ biếc rờn và nở hoa trước tết. Đông nhìn mà nôn nao. Hôm trước ngoại cũng sai Đông hái lá mai, ngoại lụm khụm nên hái lá dưới thấp, Đông hái lá trên cao, từng đợt lá tuôn xuống gốc cây xanh ngắt. Ngoại nói với Đông cây mai này ông ngoại trồng hồi ông đi chiến đấu trở về, tính đến nay cũng lâu năm, cũng là cụ mai rồi, tuổi nó cũng không thua gì tuổi của má Đông. Nhắc đến má, lòng Đông lại nhói. Không phải vì má không thương Đông mà vì má để Đông lại với ngoại rồi đi biền biệt không về. Đông nhớ hôm má đi, má ôm Đông thật chặt. Đông vòng tay ngang qua eo má, ngoại xách giỏ đi sau đưa má ra tận đầu xóm. Má nói:
 
- Đi chuyến này hơi lâu má mới về, Đông ở lại với ngoại, đừng khóc nghen Đông!
 
Đông mếu máo thít chặt vòng tay vào người má:
 
- Lỡ má bỏ con đi luôn rồi sao?
 
Má cười, vẫn nụ cười hiền lành như thuở nào má vừa vuốt mái tóc xòa ngang trán Đông vừa cười. Đông thấy má như cô Tiên xanh trong câu chuyện mà Đông đọc được.
 
- Bỏ Đông sao được? Má đi là đi tìm ba về cho Đông. Ba về thì má mới yên tâm, Đông mới hạnh phúc.
 
Đông gật đầu, dụi đầu vào người má, ấp ủ cái hương thơm trên người má, hương thơm quen thuộc của nắng cháy sương đồng. Giá có chiếc túi Đông sẽ bỏ hương má vào đó để lâu lâu nhớ má Đông đem ra mà ngắm, mà hôn.
 
- Má đi rồi về nghen má, con với ngoại đợi!
 
Má đi, khi chiếc đò dọc ghé lại dưới bến sông và người lái đò hối má xuống nhanh để đò kịp cập bến chợ tỉnh lúc nắng tràn ngập nắng. Đông với ngoại đứng trên bờ nhìn theo bóng má đến khi khuất dạng sau khúc quanh của một dòng sông khúc khuỷu lượn dòng...
 
Ba má gặp nhau như thế nào, cưới hỏi ra sao mà Đông chào đời có khuôn mặt hệt như khuôn mặt của ba, đường nét phong trần và làn da bánh mật... Đông không biết. Ngoại cũng không nói cho Đông biết. Đến khi Đông gượng hỏi ngoại mới trả lời: “Khi nào bây lớn hơn chút ngoại kể cho bây nghe, chuyện người lớn, con nít biết gì mà hỏi để ghét bỏ, hận thù?”. Đông im lặng. Nhưng người ở xóm này ai cũng biết và càng thương má Đông nhiều hơn. Dạo nọ có chiếc ghe mua lúa của người thanh niên kia nhà xa xóm này cách mấy lần đò, mấy con sông. Chiếc ghe mua lúa ghe lại xóm ngoại, người thanh niên đó gặp má Đông khi má đang ngồi gội đầu dưới bến nước. Lúc đó bến sông còn sạch, dòng sông này còn trong biếc, mát lạnh. Người đó thấy má Đông xinh đẹp lại hiền lành nên thương, lần nào về ngang qua xóm cũng ghé lại nhà ngoại hai ba ngày, coi ngoại với má như những người thân thuộc. Ngoại thấy người đó thương má nên mở lời: “Con có thương Quyên thì về nhà nói ba má mang cau trầu qua đây hỏi cưới cho đúng phong tục, nhắm được thì ra tết má gả con Quyên cho”.
 
Người thanh niên lòng rộn rã, còn má đang nghĩ đến cảnh pháo hoa tưng bừng, xác pháo rơi đầy bến nước. Nhưng khi người thanh niên đó về nhà thưa chuyện thì gia đình bên đó không đồng ý. Người đàn bà độc đoán lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền nói với anh: “Gái nhà giàu không lấy, đi lấy gái nhà nghèo trong cái xóm cò gáy khỉ ho. Không môn đăng hộ đối thì còn lâu mới tính đến chuyện cưới xin”. Má biết chuyện khóc hết nước mắt, người đó cũng buồn lắm. Nhưng má đã lỡ trao thân cho người ta rồi. Còn người ta cũng lỡ thương má rồi. Thương thiệt lòng chứ không nghĩ đến chuyện hèn sang. Người đó gọi má là “mình”, má cũng gọi người ta là “mình ơi” ngọt xớt. Vậy là hai người nên vợ nên chồng, một chuyện tình đẹp như cổ tích.
 
Đông ra đời, má đặt Đông đứng trên mảnh đất quê hương, dặn Đông lớn lên sống nghĩa tình, đừng bao giờ trọng tiền hơn trọng nghĩa.
 
Nhưng một ngày cuối năm má thấy ba buồn, má hỏi thì ba chỉ nói muốn về nhà một thời gian. Má không cản. Ai cũng có một mái nhà để trở về, như má rời nhà mấy hôm đã thấy nhớ cái mái lá đơn sơ phất phơ trong nắng chiều vàng ửng. Má để ba đi. Dì Nương hỏi má có lo ba đi luôn hay không, đàn bà có chồng mà không có hôn thú thì cũng hơi mạo hiểm, người ta chẳng có gì để ràng buộc. Má cười: “Còn thằng Đông”. Má tin nhất định ba sẽ về.
 
Ba đi, mười bữa, nửa tháng, một năm... rồi hai năm... thời gian cứ trôi. Ba cũng chưa chịu về với má. Ban đầu má buồn lắm, má nghĩ ba đã thay lòng. Nhưng má tin ba, tin lời hứa dưới bến sông năm nào. Bến sông còn ở đó, tình nghĩa thì cũng chẳng đổi thay. Và rồi má quyết định đi tìm ba, một quyết định lạ lùng, mạo hiểm nhưng má chấp nhận.
 
Vậy là má đi.
 
Vậy là ba biền biệt phương trời.
 
Không biết má có gặp ba hay không, không biết má có tìm thấy hạnh phúc đã dang dở năm nào hay không nhưng má vẫn đằng đẵng nơi nào. Má không về để Đông càng thêm thương nhớ.
 

 
Ngoại nói: “Đừng buồn nữa, tết này thế nào má mày cũng về thôi Đông”. Câu nói này quen quá, hình như năm nào Đông cũng nghe ngoại nói như vậy. Mà má có về đâu? Đông lạnh lùng bứt lá mai, bóng chiều đổ xòa trên mái nhà rơm rạ.
 
Tết đến, mai vàng trước sân bung nở. Đông ngồi ngoài thềm nhà buồn thỉu buồn thiu đến nỗi ngoại phải trách móc: “Cái thằng lạ thiệt, gì thì gì tết nhất phải vui chứ buồn so vậy, sao mà được?”. Đông ráng mở miệng cười tươi chứ lòng Đông héo úa. Giá mà má về, má dắt Đông đi sắm đồ tết như hồi xưa, má gội đầu cho Đông, má vuốt mái tóc phất phơ trên trán Đông mà dặn Đông đừng chạy ròng ròng ngoài nắng kẻo da Đông sạm hết. Hoặc má đánh đòn mỗi khi Đông bướng bỉnh lén má đi vớt cá lìm kìm ngoài ao bèo cũng được. Đông chịu hết, miễn là má về. Đông nghĩ vậy, không khí của ngày tết không làm Đông thêm vui, ngược lại nó càng khiến Đông thêm tê tái.
 
Nhưng ngoại từ sau nhà hấp háy cặp mắt kính nhìn ra dòng sông xanh uốn lượn trước nhà. Vừa đon đả bước ra vừa nói với Đông bằng một giọng nghẹn ngào xúc động:
 
- Đông ơi, thấy gì không con? Má con về kìa.
 
Đông ngạc nhiên nhìn ngoại, rồi Đông nhìn theo cánh tay ngoại chỉ qua bên kia sông. Lòng Đông thắt lại. Ngoại ơi! Má ơi!
 
- Đông ơi! Má về với con rồi đây! Đông...
 
Nghe tiếng gọi, Đông cắn nhẹ vào môi để Đông biết mình đang đau, Đông biết rằng đây là thực chứ không là mơ mộng. Má về rồi! Đông tíu tít chạy ra mà nước mắt tràn trề:
 
- Má! Má của con.
 
- Còn ba nữa - Má nói, giọng má Đông trìu mến.
 
Lúc này Đông mới để ý thấy ba đang đứng dưới gốc cây so đũa trổ bông trắng trắng hồng hồng, điềm nhiên mà đầy yêu mến.
 
Đông đã hiểu rằng mọi cuộc chia xa đều có ngày tương ngộ, chỉ là mình có chờ được hay không. Ba má đã về kịp khoảnh khắc giao thừa. Đông đã nghe ba với má thì thào bên tai Đông, hoặc thì thào vào lòng Đông một câu xua tan những cô đơn và đợi chờ của Đông sau bao nhiêu năm tháng:
 
- Đông ngoan, ba má đã về với Đông. Ba má không bỏ con đi thêm một lần nào nữa.
 
Ngoài sân, cội mai vàng đã bung nở tự bao giờ.


 
http://www.baolamdong.vn/vhnt/202102/sac-mai-vang-ven-song-3044160/

Theo HOÀNG KHÁNH DUY (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.

Bản hòa ca cùng triền ký ức

Bản hòa ca cùng triền ký ức

(GLO)- Dù đã có hơn 30 năm sống ở Pleiku nhưng khi đọc tập “Vân môi say phố” của Ngô Thanh Vân (NXB Hội Nhà văn, 2024), tôi lại có cảm tưởng được khám phá một miền đất tưởng chừng quá đỗi quen thuộc.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Hội viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh tại chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2024. Ảnh: H.N

Nhạc sĩ Gia Lai kiếm tìm tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn

(GLO)- Bám sát hơi thở cuộc sống và đưa bản sắc dân tộc vào tác phẩm, các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã thực sự cố gắng trong hoạt động sáng tác nhằm ghi dấu ấn. Song, làm gì để tác phẩm lan tỏa rộng rãi, ghi đậm trong tâm trí người nghe đang là trăn trở của những người tâm huyết.

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

(GLO)- Độc đáo, sáng tạo, ý nghĩa là những đánh giá chung về hơn 300 bức tranh của các tác giả “nhí” gửi về tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp do Hội đồng Đội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phát động gần 1 tháng qua.

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

(GLO)- "Nhớ Pleiku" là một tác phẩm đầy cảm xúc của tác giả Sơn Trần. Từng câu thơ vẽ nên bức tranh phố núi đẹp mơ mộng với cảnh sắc yên bình, quyện hòa cùng ký ức, tình yêu và nỗi nhớ...