Rừng Tây Nguyên tăng hay giảm - Bài 2: Diện tích tăng, chất lượng giảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia cho rằng, rừng tự nhiên đảm bảo tính đa dạng sinh học và việc giữ đất sẽ tốt hơn rừng trồng. Do vậy, phục hồi rừng tự nhiên là chiến lược lâu dài và giải pháp tốt nhất để đảm bảo tính bền vững của rừng cũng như hạn chế tác hại của thiên tai, lũ lụt. Cùng với đó, cần đa dạng hóa loại cây trồng rừng, chọn những loại cây sinh khối lớn, có rễ sâu để giữ đất.
Giảm chức năng phòng hộ và tính đa dạng 
Trước tình trạng rừng tự nhiên liên tục bị suy giảm, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động mọi nguồn lực để quản lý, bảo vệ diện tích rừng còn lại, đồng thời tăng cường công tác trồng rừng tăng độ che phủ, bảo vệ môi môi trường sinh thái... Theo UBND tỉnh Gia Lai, năm 2019, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã trồng được 5.139ha rừng, đạt 102% kế hoạch đề ra và dự kiến năm 2020 sẽ trồng 5.000ha. Tỉnh Đắk Lắk cũng tăng cường quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng. Trong năm 2019, tỉnh Đắk Lắk đã trồng được 2.236ha rừng, đạt 192% so với kế hoạch. 
Nỗ lực trồng rừng của các tỉnh Tây Nguyên để nâng cao độ che phủ rừng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, rừng trồng vẫn khó thay thế rừng tự nhiên ở nhiều mặt. Theo GS-TS Bảo Huy, nguyên Trưởng Bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (Khoa Nông - Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên), hiện nay rừng trồng ở Tây Nguyên chủ yếu là các loại cây keo, bạch đàn, thông… Đây là rừng một tầng, cùng tuổi, chức năng bảo vệ môi trường, bảo vệ đầu nguồn, giữ đất rất kém. Rừng trồng thường là cây sinh trưởng nhanh, bồi hoàn lại cho đất ít, do đó đất đai của rừng trồng sau vài chu kỳ thường bị thoái hóa. Bên cạnh đó, rừng trồng nghèo nàn về đa dạng sinh học vì chỉ trồng một loại cây.
Trong khi đó, rừng tự nhiên gồm nhiều tầng cây, tầng rễ khác nhau, khác tuổi nên có chức năng bảo vệ đầu nguồn, tích lũy carbon, bảo vệ và nâng cao dinh dưỡng đất, cải thiện không khí tốt hơn nhiều và là nơi trú ngụ của các loài động vật. Rừng tự nhiên rất đa dạng loài, không chỉ cây gỗ mà lâm sản ngoài gỗ, động vật, vi sinh vật, nấm… Ngoài ra, sản phẩm rừng tự nhiên cung cấp vô cùng đa dạng từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ để làm thức ăn, thuốc, nguyên vật liệu, hương liệu. Vì thế, rừng tự nhiên bền vững và giúp bảo tồn đa dạng sinh học. Ông Bảo Huy cũng cho rằng, giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và chức năng bảo vệ môi trường của rừng trồng kém hơn hẳn so với rừng tự nhiên. Vì vậy, cần tách biệt độ che phủ của rừng tự nhiên với rừng trồng.
 
Diện tích rừng trồng ở tỉnh Đắk Lắk tăng, tuy nhiên chưa đảm bảo được các yếu tố phòng hộ như rừng tự nhiên. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Diện tích rừng trồng ở tỉnh Đắk Lắk tăng, tuy nhiên chưa đảm bảo được các yếu tố phòng hộ như rừng tự nhiên. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Đồng quan điểm, TS Trương Hồng, nguyên quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đánh giá, về tính đa dạng sinh học và việc giữ đất thì rừng tự nhiên tốt hơn rừng trồng. Rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học nhiều hơn rừng trồng từ hệ thực vật đến động vật. Thực vật thì có nhiều loại cây phân bố trên một vùng, từ cây gỗ lớn, cây bụi, cây dược liệu, còn động vật thì đủ loại sinh sống. Trong khi đó, rừng trồng tính đa dạng ít hơn, thường chỉ có một loài là chính.
Ngoài ra, khả năng điều hòa khí hậu của rừng tự nhiên tốt hơn hẳn rừng trồng. Cũng chính rừng tự nhiên có hệ thực vật phong phú nên hệ rễ cây đa dạng, nhiều loại nên giúp giữ đất tốt hơn, đảm bảo tính thấm nước, hạn chế dòng chảy bề mặt, qua đó hạn chế lũ quét, lũ ống, xói lở do mưa nhiều. Thực tế vừa qua cho thấy, tình trạng sạt lở chính là những vùng ít rừng, chỉ còn những cây bụi nhỏ, cây cỏ, rễ không đủ, không nhiều để giữ kết cấu đất lại, mưa nhiều ngày làm rã đất gây sạt lở. Còn rừng trồng, cũng vì tính đa dạng sinh học ít, như cây keo, hệ rễ phân bố không rộng, không sâu nên không tạo thành hệ thống rễ để giữ đất.  
Tính đến tháng 6-2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện, xử lý 1.309 vụ phá rừng, canh tác nương rẫy trái pháp luật, diện tích rừng bị phá là hơn 410ha. Tuy nhiên, trên thực tế, rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như phá rừng vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới, sử dụng công cụ cơ giới có gắn thiết bị giảm thanh. Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý.
Nỗ lực phục hồi rừng tự nhiên
Theo TS Trương Hồng, phục hồi rừng tự nhiên là chiến lược lâu dài và giải pháp tốt nhất để đảm bảo tính bền vững của rừng cũng như hạn chế tác hại của thiên tai, lũ lụt. Trong đó, phục hồi bằng cách khoanh nuôi, bảo vệ và trồng thêm ở những nơi mật độ ít. Muốn làm tốt việc bảo vệ, khoanh nuôi rừng tự nhiên thì cần có cơ chế đảm bảo đời sống cho người giữ rừng. Đối với rừng trồng thì phải chọn những loại cây phù hợp với điều kiện sống của vùng đất. Cần đa dạng cây rừng, nên trồng nhiều loại, từ cây có chu kỳ khai thác ngắn đến cây có chu kỳ từ 10-20 năm. Bên cạnh đó, cần chọn những cây sinh khối lớn nhưng phải gần và phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gần với kiểu phân bố của rừng tự nhiên.  
Còn theo GS-TS Bảo Huy, để khôi phục rừng thì rừng phải có chủ thực sự và có quyền sở hữu diện tích rừng do họ phục hồi, vì việc phục hồi rừng tự nhiên đòi hỏi thời gian dài, chi phí lớn. Vì vậy, chủ rừng phải là chủ sở hữu rừng thì mới an tâm đầu tư, chăm sóc, bảo vệ. Còn cơ chế chủ rừng là tập thể của nhà nước như hiện nay sẽ không thành công. 
Theo Bộ NN-PTNT tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ còn diễn ra thường xuyên. Tình trạng tranh chấp về đất rừng giữa người dân địa phương với các đơn vị chủ rừng còn xảy ra một số nơi, kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến người dân tiếp tục phá rừng, lấn chiếm đất rừng…
Nguyên nhân xảy ra có nhiều lý do, thị trường lâm sản có nhu cầu cao; chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, vai trò lãnh đạo còn mờ nhạt, thiếu quyết liệt để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật nhưng không có biện pháp ngăn chặn; một bộ phận chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực để bảo vệ diện tích rừng được giao. Bên cạnh đó, một bộ phận kiểm lâm chưa hoàn thành nhiệm vụ, cá biệt có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành công vụ, tạo dư luận xấu trong xã hội…
Về giải pháp bảo vệ rừng, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới, theo Bộ NN-PTNT, cần có nhiều biện pháp, như rà soát, xây dựng cơ chế chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng trên cơ sở giao rừng gắn với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; nghiên cứu trình Chính phủ một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên; đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định, lập quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến để thực hiện chuyển hóa rừng trồng hiện có rừng và rừng trồng thâm canh… Để triển khai thực hiện, các tỉnh Tây Nguyên cần chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời tình trạng dân di cư tự do theo hướng ổn định đời sống và việc làm; xây dựng phương án toàn diện về bảo vệ phát triển rừng, xác định rõ vấn đề nổi cộm, các điểm nóng chặt phá rừng để tổ chức ngăn chặn.
HỮU PHÚC - ĐÔNG NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.