Rừng già Tà Xùa cuốn hút đến quên lối về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng núi miền Tây Bắc của Tổ quốc như một kho tàng các phong cảnh hoang sơ, bí hiểm và quyến rũ mê hoặc lòng người. Những đỉnh núi cao chót vót, mây mù bao phủ trở thành điểm đến cuốn hút nhiều du khách hay người đam mê trekking.
Cảnh sắc khu rừng nhuốm màu cổ tích - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Cảnh sắc khu rừng nhuốm màu cổ tích - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Vừa qua, chúng tôi bị dẫn dụ đến khu rừng già Tà Xùa (Trạm Tấu, Yên Bái) với vẻ đẹp đầy ma mị, cuốn hút đến quên lối về.
Qua "Mỏm Rùa", "Sống Lưng Khủng Long"
Hiện nay, nhiều du khách vẫn nhầm tưởng Tây Bắc chỉ có một khu rừng núi Tà Xùa. Nhưng thực chất có hai địa danh cùng mang tên Tà Xùa. Thứ nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, thuộc huyện Bắc Yên (Sơn La); thứ hai là vùng núi Tà Xùa thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
Từ Hà Nội, du khách đi theo quốc lộ 32 khoảng 200km đến thị xã Nghĩa Lộ rồi rẽ vào đường tỉnh lộ 112 đi huyện Trạm Tấu. Trải qua cung đường gần 50km đèo dốc khá hiểm trở, du khách sẽ tới được bản Tà Xùa, xã Bản Công.
Tà Xùa Rêu xanh bám kín lấy thân cây tạo ra khu rừng kỳ dị - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Tà Xùa Rêu xanh bám kín lấy thân cây tạo ra khu rừng kỳ dị - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Sau hành trình dài, chúng tôi quyết định nghỉ lại một đêm tại nhà của người Mông bản địa. Những nếp nhà sàn bằng gỗ san sát nhau chạy từ giữa lòng thung lũng lên sườn núi. Đồng bào dân tộc ở đây vẫn canh tác nông nghiệp và chăn nuôi là chính. Một số ít thì kinh doanh thêm vài sạp tạp hóa nhỏ cùng nghề đang "hot" là dẫn khách lên núi.
Với người khỏe mạnh hoặc dân leo núi chuyên nghiệp, hành trình leo núi thường kéo dài 2 ngày 1 đêm, với dân du lịch bình thường là 3 ngày 2 đêm. Thuê người Mông bản địa dẫn đường là yêu cầu bắt buộc đối với các đoàn. May mắn, chúng tôi được người dân giới thiệu hai chàng trai Giàng A Say và Giàng A Tỉnh đã có kinh nghiệm nhiều lần dẫn khách lên núi.
Sau khi mua xôi, thịt gà, nước uống và các đồ dùng cá nhân đầy đủ, chúng tôi xuất phát cùng hai chàng trai Mông hiền lành này. Cung đường men theo những bờ ruộng để tiến về phía chân núi. Càng lên cao, khung cảnh núi rừng càng thâm u, hùng vĩ. Người dẫn đường phải lấy dao phát bớt cành, lá để chúng tôi luồn lách qua những bụi tre, khóm cây rậm rạp.
Leo núi băng qua những khu rừng rậm - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Leo núi băng qua những khu rừng rậm - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Đến gần trưa, sau khoảng 5 tiếng vừa leo vừa nghỉ, chúng tôi đến được điểm nghỉ chân đầu tiên tại tảng đá mang tên "Mỏm Rùa". Đây là điểm check-in được dân phượt yêu thích. 
"Mỏm Rùa" là khối đá lớn nhô ra khỏi sườn núi với hình dáng như một cụ rùa. Vị trí này ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, với không gian bao la mây trời, rừng xanh, núi thẳm. Khi chiều tà dần buông, chúng tôi đến được khu lán nghỉ chân ở độ cao gần 2.500m. Đây là điểm lán mới được người Mông đi núi dựng lên để nghỉ qua đêm, hoặc tránh mưa gió khi đi rừng.
Sáng hôm sau, bình minh hiện lên đầy kỳ vĩ với biển mây bồng bềnh chiếm trọn lòng thung lũng. Ngay trước mắt nhóm chính là "Sống Lưng Khủng Long" Tà Xùa sừng sững đầy kiêu hãnh. 
Suối đá giữa khu rừng xanh thẳm - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Suối đá giữa khu rừng xanh thẳm - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Đây đúng là một dải núi ấn tượng bậc nhất vùng Tây Bắc, khi chạy uốn lượn, điệp trùng. Đỉnh của cả dải núi dài nhưng rất hẹp, với hai bên là vực thẳm hun hút. Đi trên đỉnh của "Sống Lưng Khủng Long" là một trải nghiệm mang lại nhiều cảm giác cho du khách.
Lạc vào khu rừng kỳ quái
Sau một hành trình dài băng qua nhiều vực sâu, dốc cao, chúng tôi tiến đến gần đỉnh núi. Từ độ cao 2.700m đến đỉnh 2.865m là khu rừng với thảm thực vật độc đáo và lạ mắt. Đây là cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, vẫn còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ như thuở ban đầu.
Khu rừng luôn có không khí âm u, ẩm ướt và hơi lạnh tỏa vào cơ thể. Nhiều lúc mây sương biến thành những trận mưa phùn rả rích, chúng tôi phải lấy áo mưa ra mặc. Càng đi sâu và lên độ cao mới, rừng cây rêu càng hiện ra kỳ dị, như một ma trận sẵn sàng giam nhốt đoàn lữ khách.
Rêu có chỗ thành từng thảm ngay ở dưới đất. Đi trên những thảm rêu sẽ cảm thấy vô cùng thích thú. Trong một gốc cây rêu khô ráo, các chàng trai, cô gái thi nhau vào ngả lưng thử cảm giác thư giãn đặc biệt. Ở trên thân cây, những nhánh phong lan sống cộng sinh đẹp đẽ và quyến rũ.
Chẳng biết từ bao giờ, hàng ngàn, hàng vạn cây cối ở đây bị các loài rêu cỏ bám quanh và biến thành một khu triển lãm rêu xanh. Có lẽ vì thế, khi người ta khám phá ra khu rừng này, do quá ấn tượng nên đặt hẳn cho nó cái tên riêng "Rừng Rêu". Có những thân cây cổ thụ bị rêu xanh thẫm bám sống từ ngàn đời nay, khiến chúng ta liên tưởng đến những con quái vật của rừng xanh.
Khóm phong lan sống cộng sinh trên gốc cây rêu phong - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Khóm phong lan sống cộng sinh trên gốc cây rêu phong - Ảnh: NGUYỄN VĂN DUY
Những loài rêu, cỏ, dương xỉ, phong lan… sống cộng sinh, ký sinh trên thân gỗ, trên cả đá. Chúng đã nhận hơi ấm, chất dinh dưỡng từ sương, mưa và không khí hay chính những mảnh vụn tích tụ xung quanh để sống và tạo ra một khu rừng độc đáo. Tuy là nước nhiệt đới gió mùa ẩm, nhưng khu rừng với thảm thực vật kiểu này rất hiếm ở Việt Nam.
Chiều muộn của ngày thứ 2 ở cánh rừng Tà Xùa, chúng tôi tìm đến được đỉnh cao nhất với chóp inox ghi thông số 2.865m. Theo ghi nhận của dân du lịch và cơ quan chức năng quản lý thì đây là đỉnh núi cao thứ 14 ở nước ta hiện nay.
Tác giả đứng dưới những
Tác giả đứng dưới những "cây rêu"
Theo NGUYỄN VĂN DUY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.