Rau tập tàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tùy thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu và cả tập quán ăn uống của cư dân mà mỗi vùng miền có các loại rau đặc trưng khác nhau. Như vùng sông nước miền Tây có món rau nhút, bông điên điển. Cư dân miền núi có món rau rừng, lá é trắng, lá cây tèng leng. Về sau, cư dân nông nghiệp đã chắt chọn những loài rau ưng ý nhất từ tự nhiên mang về trồng, rồi nhân giống, lai tạo để có được sự đa dạng như bây giờ.
Có nhiều cách ăn rau, đơn loại và cả đa loại cùng một lúc tùy theo thực phẩm đi cùng cũng như cách chế biến. Tuy nhiên, cả ngẫu nhiên và ý thức, rau tập tàng có lẽ được dân mình chọn đầu tiên, phổ biến. Rau tập tàng là tổng hợp của nhiều loại rau ăn lá. Dựa vào “xuất xứ”, rau tập tàng được phân chia thành tập tàng mọc hoang và tập tàng vườn nhà.
Rau tập tàng mọc hoang có mặt ở mọi nơi: trong khu vườn, bờ ruộng, bờ mương, gò hoang, bãi bồi bên sông… và gồm đủ loại: rau má, rau sam, rau đắng, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, rau trai, mã đề… Mọc lên từ nền đất ẩm, tích tụ những gì tinh túy nhất của trời đất đã làm cho sắc, cho hương, cho vị của rau “mang đậm dấu ấn” cả khi chưa chế biến. Rau tập tàng có quanh năm nhưng ngon nhất là đầu mùa mưa. Bởi đó là thời điểm rau phát triển rất mạnh, tươi non. Thu hái rau nói chung hợp lẽ nhất là vào tảng sáng, khi sương trên lá cây vẫn chưa tan hết. Lúc này, tinh túy của cây rau chứa đựng đầy đủ nhất ở trên lá, trên quả chưa bị các yếu tố khác làm phân tán đi. Có lẽ vì thế rau không chỉ tươi mà còn chất lượng nhất. Nếu như tự tìm lấy được rổ rau tập tàng thì công phu nhặt nhạnh cũng đủ hình dung bữa cơm có được thức món ngon miệng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Rau tập tàng tự thân đã ngon, chưa nói gì đến cách chế biến, thực phẩm nấu cùng. Đĩa rau tập tàng luộc chín vừa, vớt ra đĩa hôi hổi nóng, nghi ngút khói đã dậy hương, ngời sắc đến nôn nao! Món rau dân dã chừng như rất hợp với những thức chấm bình dân như mắm cua đồng, nước ruốc, nước mắm nhỉ, thêm chút gia vị vườn nhà gồm ớt hiểm, tỏi, chanh cũng đủ đưa cơm lắm rồi. Với những ai ăn chay, ăn kiêng đạm động vật thì thức chấm chỉ là nước tương đậu nành, tương ủ bánh dầu tuy đạm bạc mà đủ dưỡng chất. Chén nước luộc rau tập tàng có thêm vài hạt muối, muỗng nước cốt chanh thì giải nhiệt thôi rồi!
Canh rau tập tàng chừng như không có sự kén chọn thức món nấu cùng. Có thể là mớ tép đồng, mảng riêu cua cũng đủ cảm thấu “hương đồng, gió nội”, ngon khó tả! Những khi lỡ buổi chợ, để tạo hương vị cho nồi canh, người dân quê cho vào mấy con cá khô giã nhuyễn hay muỗng mắm ruốc, đũa mắm cá cơm là đủ.
Rau tập tàng thu hái vườn nhà được ưu thế nhanh, tiện nhưng khó sánh về chất lượng, sự phong phú chủng loại với rau mọc hoang.
Ẩm thực cư dân Việt không thể thiếu món rau, từ bữa cơm thường nhật đến nhà hàng sang trọng. Riêng món rau tập tàng tuy dân dã nhưng bổ dưỡng, cung cấp nhiều loại vitamin có lợi. Mỗi loại rau là một vị thuốc dân gian quý: rau má, mồng tơi, rau đay là vị thuốc mát, giải độc, giải nhiệt, chữa bệnh về gan và phổi; rau mơ giúp hạ nhiệt, lợi tiểu; rau ngót cung cấp nhiều vitamin...
Vào mùa hè, nhớ thèm bát canh rau tập tàng nóng hổi chan vào chén cơm lúa mới dẻo mềm nghe hương vị đồng quê sực nức thấm qua đầu lưỡi, kẽ răng. Mới hiểu người quê rất sáng tạo và linh hoạt trong cách chế biến thức ăn từ những gì sẵn có.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Kỷ niệm với chị Hồng Vân

Kỷ niệm với chị Hồng Vân

(GLO)- Một hôm gần trưa, tôi nhận điện thoại của Hiếu-cán bộ Văn phòng UBND tỉnh: “Trưa nay mời anh đi ăn với chị em em”. “Ơ chị em là ai?”. “Là Hồng Vân, đồng nghiệp cũ mà anh hay nhắc”. Ra thế, ai chứ Hồng Vân thì phải đi ngay.
Gương mặt thơ: Đỗ Bạch Mai

Gương mặt thơ: Đỗ Bạch Mai

(GLO)- Chị Đỗ Bạch Mai thành danh khi tôi còn là “nhà thơ trẻ”. Hồi ấy, tôi đã tự hỏi, năng lượng ở đâu để chị làm thơ nhiều, nhanh và đầy xúc cảm như thế. Từ bông dã quỳ mà chị nghĩ tới những điều được mất như thế này: “Mong chỉ một lần và chỉ một lần thôi/Được ngắm hoa cúc quỳ trong phút giây êm ả nhất/Để được đối mặt với những điều còn-mất/Để ta lại là ta thanh thản trở về” thì thấy sự liên tưởng trong chị mạnh tới như thế nào?
Những nghệ nhân "chân đất" ở Tú Thủy gìn giữ nghệ thuật hát tuồng

Những nghệ nhân "chân đất" ở Tú Thủy gìn giữ nghệ thuật hát tuồng

(GLO)- Quanh năm tất bật với công việc ruộng đồng nhưng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hát tuồng thôn Tú Thủy (xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) vẫn dành thời gian luyện tập. Một năm đôi lần, những nghệ sĩ “chân đất” được thỏa sức biểu diễn, sống trọn niềm đam mê và nỗ lực gìn giữ nét văn hóa truyền thống.
Văn học nghệ thuật Gia Lai xung kích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Văn học nghệ thuật Gia Lai xung kích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(GLO)- Gia Lai hiện có 70 nhà thơ, nhà văn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với năng khiếu và nỗ lực sáng tác, các tác giả đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về đất và người Gia Lai; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.
Thơ Lê Thành Văn: Đọc Di chúc Bác Hồ

Thơ Lê Thành Văn: Đọc Di chúc Bác Hồ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ, những dòng Di chúc mà Bác để lại cho đồng bào vẫn còn vẹn nguyên. Bài thơ "Đọc Di chúc Bác Hồ" của tác giả Lê Thành Văn dâng trào niềm xúc động, nghẹn ngào, tiếc thương cho một tấm lòng trọn đời vì Tổ quốc, vì Nhân dân.
Gương mặt thơ: Mai Thìn

Gương mặt thơ: Mai Thìn

(GLO)- Làm thơ từ khá trẻ, có thơ in báo rồi giành giải nhất cuộc thi thơ Bình Định lúc còn là sinh viên, anh bền bỉ với phong cách riêng của mình: cô đọng, suy nghĩ, giàu chất đúc kết nhưng vẫn mơ mộng. Thơ anh thường là ngắn và có những kết thúc bất ngờ: “hoa thật thì vài hôm/còn hoa giả/cứ mãi”.