Quê hương, Tổ quốc từ... thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vậy là tôi đã giữ chuyên mục “Gương mặt thơ” trên ấn phẩm Gia Lai cuối tuần được hơn 40 số, tức là hơn 40 tuần. Mỗi tuần bỏ ra 1 ngày để đắm chìm trong thơ, trong tâm trạng, trong những liên tưởng bời bời và cả... rối bời. Đọc thơ của nhiều nhà thơ trên khắp mọi miền Tổ quốc, tôi đằm sâu thêm tình cảm với mảnh đất mình sống.

Con người, ít nhất là luôn có 2 cuộc đời: cuộc đời hiện hữu và cuộc đời thiên di, cuộc đời tại chỗ và cuộc đời tưởng tượng, cuộc đời của mình và cuộc đời ngoài mình. Nhà thơ Lữ Mai có một đầu đề bài thơ rất ấn tượng: “Chuyến khởi hành tưởng tượng”. Là ngồi đấy, khởi hành cùng thơ, đi cùng thơ, với biết bao tâm trạng, cảm xúc, những miên cảm tràn trề, gặp biết bao trạng huống cảm xúc, biết bao vùng đất, biết bao gương mặt người.

Đọc thơ của các nhà thơ, tôi không chỉ đằm sâu thêm tình cảm với mảnh đất mình sống mà còn tha hồ du lịch khắp nơi. Du lịch vùng đất và du lịch tâm hồn. Mỗi tâm hồn nhà thơ là một địa điểm khu trú cái đẹp. Phần mà họ cho hiện ra thơ của họ là phần long lanh, tinh túy nhất. “Cỏ đã hoài thai trong những vệt mây trời/điều đánh mất sáng ngời và căng chật/chuyến đi thoát cơn trầm mặc/chỉ con đường ma mị đuổi theo xe” là một cách đi của Lữ Mai dù nhà thơ này vẫn đang sống ở Hà Nội. Đây cũng là khát vọng thiên di của nhà thơ Đoàn Văn Mật: “bay như chưa biết mình từ nước/chưa từng hóa cơn mưa/chưa từng có phút giây cuồng nộ/vô ưu bay, chẳng để ai ngờ”.

Ảnh minh họa: Quốc Nguyễn

Ảnh minh họa: Quốc Nguyễn

Nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào ở Đà Nẵng thì... tưởng tượng về hoa dã quỳ: “giấc mơ dã quỳ đẫm vào đêm ướt lựng/cao nguyên xanh, tóc gió cuốn bời bời.../em như lãng tử trong giấc mơ phố núi/đi xa những phù du, đi xa những ngậm ngùi/nỗi nhớ tuột dốc theo chiều người du mục/thảo nguyên vàng và phố núi cao cao”... để rồi tự nhận “một lần mang nợ dã quỳ hoang”, cái mắc nợ như một tự thú, một hoang mang không lý giải...

Còn đây là nhà thơ Nguyễn Thế Hùng, một sĩ quan Công an trong tứ thơ đắng đót và cũng đầy thương nhớ, một câu chuyện chiến tranh, một bồi hồi cảm động, một câu chuyện không chỉ của một nhà thời hậu chiến: “Cha giờ hóa nắng Điện Biên/Hai anh hóa cát Trị Thiên bời bời/Xòe tay mượn lửa mặt trời/Đốt mây gom khói gửi người còn xa”. Mấy câu thơ hiện hình cả một phần lịch sử, một quá vãng không bao giờ được quên, để thấy thật thương, thật yêu Tổ quốc mình.

Tôi nhớ một đêm, nhà thơ Nguyễn Thành Phong gọi: “Tôi đang ở Pleiku, ngồi với nhau tí được không?”. Tất nhiên với tôi, chưa bao giờ là không được, chưa bao giờ từ chối các cuộc bạn bè. Và sau đấy về Hà Nội anh gửi cho bài thơ đầy chất... Gia Lai: “Ôi Gia Lai yên bình và phóng túng/Biến anh thành một kẻ đa mang/Anh bỏ lại sau lưng những níu giằng phố thị/Để tang bồng cùng gió núi sắc cà phê.../Em chớp mắt phía đầu rừng hoang hoải/Chiều xuống rồi sắp mờ tỏ sơn khê/Vị muối kiến đã nhói lòng xa cách/Và cỏ cây đang níu bước anh về”. Một Gia Lai xa ngái, tiếc nuối và đầy lãng mạn, đầy thi ảnh.

Nhà thơ Trần Hồng Giang-một chuyên gia IT có hoàn cảnh éo le, anh không lành lặn như chúng ta khi một cơn ốm hồi nhỏ đã khiến anh phải gắn chặt với giường và xe lăn thì vẫn có một Tây Nguyên như thế này: “Gặp đây rồi, chiều cao nguyên như say/Ánh mắt thân quen, nụ cười tươi rói/Vũ trụ cuộn xoay, vật dời sao đổi/Hoài bão kết thành dáng vóc bạn tôi”. Cái hình hài cao nguyên, ám ảnh cao nguyên, khao khát cao nguyên hiện lên rất rõ từ thơ của thi sĩ hầu như chỉ nằm một chỗ này.

Nhà văn Phan Đình Minh ngoài viết truyện ngắn rất hay, thì ra anh làm thơ cũng rất nhuyễn. Đang có hiện tượng các nhà văn chuyển sang làm thơ hoặc song song hai tay như: Phan Đình Minh, Nguyễn Thế Hùng, Hà Phạm Phú, Y Ban... Thơ Phan Đình Minh vừa lấm láp chân quê vừa non nõn tươi xanh tràn trề sức sống, thấm đẫm vị đất vị quê vị mưa vị nắng quê hương: “nhớ luống cày vật ải từng rẻo cong dày/no tựa phiến lưng con gái/nhớ tấm áo gụ sờn em mặc chật căng đòng đòng chửa.../quả na quả ổi/buổi tối sáng giăng/gió hè rười rượi xổ đồng/hương sen quện mùi ruộng/mùi đầm nồng nồng mùi chép quật mình đẻ trứng”. Tôi đã về quê anh ở Cẩm Giàng, Hải Dương, nơi vẫn còn ngôi nhà của các tiền nhân Tự lực văn đoàn, nơi có cái ga xép rất nhiều văn nhân tên tuổi đã thong dong sải bước, đã chầm chậm đếm từng thanh tà vẹt hay trà gẫu đêm khuya...

Tổ quốc và quê hương là những khái niệm hay được các nhà thơ đề cập, dẫu tất nhiên, quê hương chính là Tổ quốc và ngược lại. Quê hương chính là bờ tre, mái rạ, là con gà nhảy ổ buổi trưa, là con trâu đủng đỉnh về chuồng buổi tối, là khói đốt đồng... thì chính nó cũng hiện hình Tổ quốc. Nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý nói hộ điều này: “Ai bốn phương một buổi tìm về/tắm gió sen giữa cánh đồng xứ Việt/ở đất khách khi trở về mới biết/chẳng bao giờ có hai quê hương/Tôi có sen để thương/như có em để cần cù cấy gặt/mai sau này dẫu chiều không có mặt/vẫn còn sen trong mỗi ngọn gió lành”. Những câu thơ hiền và mềm như bông lúa mùa gặt, mà thoang thoảng hương sen từ một tâm cảm rất đẹp.

Này là những câu hỏi của nhà thơ Phạm Hồ Thu, người nhiều năm chiến đấu và làm báo ở chiến trường Khu 5 thời chống Mỹ: “Gió già đã thổi bao nhiêu dặm/Sao vẫn âm âm một tiếng buồn/Ba zan đất đỏ bao nhiêu tuổi/Sao còn mơn mởn buổi hoa niên.../Thôi đừng buồn nhé cao nguyên nhé/Hãy nghe gió thổi biển lên ngàn/Những nỗi niềm thiêng nghìn năm thức/Đi tìm ý ngỏ bạn tình riêng”. Tôi đọc thơ chị mà rưng rưng. Đẹp quá và âm vang quá. Quá khứ, hiện tại trộn nhau nương theo những cơn gió, những cơn gió thời gian, gió ngàn xưa vẫn vi vút cùng đất đỏ bazan làm nên một Tây Nguyên huyền bí và phóng khoáng.

Còn với Đào Phong Lan-một trong những nhà thơ sinh ra và lớn lên ở Gia Lai thì giờ đã là một thi sĩ chững chạc có những suy ngẫm rất chín sau cái thời “Đêm xoang Tây Nguyên” đắm đuối và bốc lửa: “Trong đêm tối/Tiếng sấm rền run rẩy/Em đã rời xa như một con tàu/Ta nhặt hơi thở em còn sót lại/Tung xuống vườn/Ngồi đợi một mùa sau”. Tôi đọc và hình dung một dáng thơ biết đợi, biết kiên nhẫn và biết mình để mà “Ngựa chín hồng mao và gà chín cựa/Em có cần đâu voi có chín ngà/Chỉ mong anh có trái tim mạnh mẽ/Che chở em về lối cũ rợp hoa”.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều ở Cà Mau góp vào chuyên mục “Gương mặt thơ” báo Gia Lai một chùm thơ hổn hển bùn đất, sinh động phù sa châu thổ: “ngã ba sông/triều cường chồm lên gối sóng bậc thềm/hương phù sa quắt quay điệu buồn con chim sáo/giọt thu cuối cùng hắt lời nỉ non ướt liếp phên bờ giậu/ngao ngán dòng trôi.../xua cái lạnh khe khẽ tràn/...hơi sương đầu mùa dìu nhẹ cơn bấc non/trăng huyễn hoặc giũ rèm che làn gió chướng/đêm tỉnh lẻ bồi hồi ấu thơ.../lồng đèn/bầy đom đóm/anh cầm câu hò qua phà vô tình làm rớt dưới bến cù lao...”.

Hơn 40 số thơ với hơn 40 gương mặt thi sĩ, mỗi thi sĩ một cách nhìn cách cảm cách thể hiện tâm trạng, hơn 40 tài hoa, tôi học được rất nhiều từ họ. Và, chắc là bạn đọc, cũng như người thực hiện chuyên mục, chúng ta được đi du lịch, du lịch bằng thơ, du lịch từ cảm xúc, từ liên tưởng, từ hình ảnh, ngôn ngữ... của nhà thơ. Chúng ta làm giàu có thêm cho tâm hồn mình từ thơ và bằng thơ. Và chúng ta thêm yêu Tổ quốc, quê hương mình, yêu thêm mảnh đất mình đang sống, mảnh đất mà thi sĩ Hồng Thanh Quang từng thốt lên: “Cuối con đường lại ngút ngát cao nguyên/Ta đã mệt rồi chăng, hả gió?/Lại hối thúc bên tai mình tiếng thuở/Suốt một thời mơ hái mặt trời đêm”... Một thời tuổi trẻ, thi sĩ Hồng Thanh Quang đã sống ở đất này, đã yêu và từng bối rối: “Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn”...

Nhiều người cùng tâm trạng với anh, đi rồi lại về hoặc đi nhưng vẫn nhớ về, dẫu nơi nào cũng quê hương, Tổ quốc!

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.