Quan trắc nước thải tự động: Nâng cao hiệu quả quản lý,bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc đưa hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động vào hoạt động của các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần kiểm soát quy trình xử lý nước thải, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hồng Quyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Gia Lai-cho biết: Ưu điểm của việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tự động, liên tục là giúp cho chủ nguồn thải và cơ quan quản lý nhà nước theo dõi tình trạng chất lượng nguồn thải, nước thải một cách liên tục, tự động, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải tại mọi thời điểm. Nhờ đó, chủ nguồn thải cũng như cơ quan quản lý kịp thời đưa ra các biện pháp giải quyết nếu xảy ra sự cố.
 Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục của Khu Công nghiệp Trà Đa. Ảnh: H.T
Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục của Khu Công nghiệp Trà Đa. Ảnh: H.T
Vì vậy, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có văn bản hướng dẫn và đốc thúc các cơ sở thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục. Sở cũng đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động, liên tục để tiếp nhận dữ liệu do các cơ sở truyền về. “Theo quy định, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động. Đến thời điểm này, có 6 đơn vị đã lắp đặt, trong số đó có 3 đơn vị đã kết nối truyền dữ liệu về Sở TN-MT. Nhờ đó, Sở đã kịp thời phát hiện và tiến hành lấy mẫu đột xuất làm cơ sở để kiểm tra, phân tích, giám sát và xử lý đối với trường hợp xả thải nước thải không đúng quy định”-bà Quyên cho biết.
Với công suất chế biến 200 tấn/ngày đêm, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai-cơ sở 2 (thị xã An Khê) xả thải ra môi trường 2.400 m3 nước/ngày đêm. Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột B thông qua các hình thức kỵ khí, hiếm khí và cặn lắng sinh học. Hàng năm, Nhà máy đều tiến hành kiểm định chất lượng hoạt động của hệ thống xử lý nước thải; đồng thời cử đội ngũ quản lý, vận hành, theo dõi hệ thống xử lý nước thải thường xuyên đến kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi xả thải ra môi trường. Mới đây, đơn vị này cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục để đảm bảo cho việc theo dõi, kiểm tra chất lượng và lưu lượng nước thải. Kỹ thuật viên Lê Thị Quỳnh Thư (Phòng Kỹ thuật-Sản xuất) thông tin: Từ khi lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, Nhà máy đã chủ động trong việc kiểm soát quy trình xử lý nước thải nhờ các giá trị đo và tín hiệu được ghi nhận liên tục. Đặc biệt, từ đó đến nay, các dữ liệu về lưu lượng, chất lượng nguồn nước đều được truyền về Trung tâm Quan trắc của Sở TN-MT. 
Tương tự, đầu năm 2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng nhằm kiểm soát quá trình xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Trà Đa. Ông Nguyễn Tự Quyết-Phó Giám đốc Công ty Phát triển Hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh (đơn vị quản lý Khu Công nghiệp Trà Đa) cho biết: Hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu Công nghiệp có công suất thiết kế xử lý 2.000 m3/ngày đêm. Đến nay, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 350-400 m3 nước thải/ngày đêm của 25 doanh nghiệp. Các nguồn thải này (đã được xử lý sơ bộ tại các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn loại C) sẽ được xử lý theo tiêu chuẩn loại B rồi mới thải ra môi trường. “Hệ thống mới đưa vào vận hành thử nghiệm được một thời gian nên các dữ liệu mới chỉ truyền về trụ sở chính của Công ty và Nhà máy xử lý nước thải của Khu Công nghiệp. Vì vậy, dự kiến cuối tháng 8 này, chúng tôi sẽ kết nối truyền dữ liệu về Trung tâm quan trắc TN-MT tỉnh để tiện cho việc theo dõi, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện tại, chúng tôi cũng đang xin kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn loại A giai đoạn 2021-2025 để xử lý tốt hơn nguồn thải, góp phần bảo vệ môi trường”-ông Quyết chia sẻ.
Trao đổi thêm với P.V, bà Quyên cho rằng, cái khó trong việc đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục là kinh phí khá lớn. Bên cạnh đó, kết quả đo lường, kiểm tra chất lượng nước thải thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục chỉ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tình trạng nguồn thải, sau đó tổ chức lấy mẫu nước đột xuất để phân tích nếu phát hiện chỉ số bất thường từ dữ liệu truyền về, chứ không thể dựa vào đó để ra quyết định xử phạt. “Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã gia hạn thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN-MT địa phương trước ngày 30-12-2020. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ sở lắp đặt và truyền các dữ liệu về Sở theo đúng quy định”-bà Quyên thông tin.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.