Bí thư Chi đoàn Nay H’Hiên làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn, chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) còn là tấm gương tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

z6367256954366-2a1cd6c88847efffc57fd6076c4d7e85.jpg
Chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu là điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Trong cái nắng chói chang những ngày đầu tháng 3, chúng tôi theo chân Bí thư Đoàn xã Ia Rbol đến thăm mô hình phát triển kinh tế của chị H’Hiên. Vượt qua một con suối nhỏ, giữa cánh đồng lúa bát ngát, vườn ổi của chị hiện ra xanh tốt, trĩu quả. Ít ai nghĩ rằng nữ điều dưỡng xinh xắn tại buôn làng còn nhiều khó khăn này lại có thể thành công khi rẽ lối sang làm nông nghiệp.

Chia sẻ về ý tưởng phát triển kinh tế của mình, chị H’Hiên cho hay: Năm 2017, chị tốt nghiệp ngành Điều dưỡng hệ Trung cấp Trường Cao đẳng Gia Lai. Sau 1 năm đi làm tại một phòng khám tư tại thị xã Ayun Pa, nhận thấy thu nhập thấp, không đủ để trang trải cuộc sống, chị quyết định nghỉ việc, phụ cha mẹ làm nương rẫy. Tuy nhiên, cuộc sống chỉ quanh năm gắn bó với cây lúa nên mặc dù chịu khó làm ăn song kinh tế gia đình vẫn không dư giả.

Đầu năm 2019, sau một lần về quê nội tại tỉnh Hưng Yên, được một người thân tư vấn về giống ổi lê thơm ngon, chị đã quyết định mua 300 gốc về trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 2.000 m2 đất lúa của gia đình. Sau khi xuống giống 1 năm, vườn ổi bắt đầu cho thu hoạch.

z6367256958706-d68f4bdb496e51a58803a2e656c30328.jpg
Chị Nay H'Hiên (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc ổi với đoàn viên, thanh niên trong xã. Ảnh: Vũ Chi

Theo chị H’Hiên, trồng ổi lê không quá vất vả nhưng phải đảm bảo kỹ thuật. Thời kỳ cây có quả và sau mỗi lần thu hoạch, chị tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa cành tăm, cành khô, cành bị sâu bệnh để cây có sức bật mầm mới; đồng thời tạo sự thông thoáng cho cây ổi phát triển, quang hợp, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là sâu róm và ong châm. Khi quả ổi to bằng ngón tay cái thì bắt đầu bọc quả, tránh bị ruồi vàng và các loại sâu bệnh gây hại.

Trong quá trình sinh trưởng của cây ổi, chị sử dụng các loại phân hữu cơ từ đàn gia súc, gia cầm của gia đình để cải tạo đất, cung cấp chất dinh dưỡng giúp cây ổi phát triển tốt, sai trái, cho quả giòn và ngọt hơn.

“Sau 2 năm trồng và chăm sóc, tôi có thể khẳng định cây ổi lê phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện trung bình mỗi ngày, vườn ổi cho thu hoạch từ 20-30 kg, cao điểm có thể đạt 50kg. Với giá bán 25.000 đồng/kg, vườn ổi cho lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần trồng lúa”-chị H’Hiên nhẩm tính.

Từ thành công ban đầu, hiện chị H’Hiên bắt đầu tự gieo hạt và tiến hành ghép nhân giống để nhân rộng mô hình cũng như bán cây giống cho người dân địa phương. Cuối năm 2024, chị H’Hiên tiếp tục xuống giống thử nghiệm thêm gần 50 cây cam, táo, dứa. Hiện tất cả đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Ngoài mô hình trồng trọt, chị chăn thả thêm 11 con bò và 2 con heo nái, vừa tận dụng nguồn phụ phẩm rau, cỏ trong vườn trái cây vừa có thêm lượng phân bón để chăm sóc cây trồng. Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình chị thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Trực tiếp tham quan mô hình trồng ổi lê đầu tiên tại xã nhà, chị Rcom H’ÊNy (buôn Rưng Ma Nhiu) phấn khởi chia sẻ: “Tôi thấy cây ổi lê có nhiều ưu thế như không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu ít, tuổi thọ cao và nhanh cho thu hoạch. Đặc biệt, giống ổi lê ra quả quanh năm, trái ổi ít hạt, giòn, ngọt, mọng nước, thơm ngon, được mọi người ưa chuộng. Tôi dự định sẽ mua một số cây giống tại vườn về trồng thử nghiệm tại gia đình mình”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị H’Hiên còn là một Bí thư Chi đoàn nhiệt tình, gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xung kích, tình nguyện, an sinh xã hội của Đoàn các cấp phát động. Với vai trò người đứng đầu, chị thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt theo hướng vừa học vừa chơi, tạo không khí vui tươi, thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, thanh niên vào tổ chức Đoàn.

Clip: Vũ Chi

“Để thúc đẩy phong trào Đoàn phát triển, bản thân tôi luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động để các bạn học hỏi, làm theo. Tôi cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, giúp đoàn viên, thanh niên trong xã mạnh dạn phát triển kinh tế. Có thất bại thì mới có thành công, vì vậy, tôi hy vọng các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã tự tin, mạnh dạn triển khai mô hình phát triển kinh tế mới, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”-chị H’Hiên trải lòng.

Anh Rcom Yên-Bí thư Đoàn xã Ia Rbol-cho biết: Chị H'Hiên là Bí thư Chi đoàn "2 giỏi" tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng ổi của chị, Đoàn xã đã tổ chức cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã đến tham quan, học hỏi. Theo đánh giá, cây ổi có khả năng thích nghi rộng, ít kén đất, dễ trồng, dễ chăm sóc nên có thể nhân rộng tại địa phương. Hy vọng đây sẽ là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp tăng thu nhập cho người dân trong xã.

Có thể bạn quan tâm

Những người con ưu tú của xã Ayun anh hùng

Những người con ưu tú của xã Ayun anh hùng

(GLO)- Không chỉ anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các ông Siu Đôm và Đinh A Nhur (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) còn có nhiều đóng góp trong quá trình tái thiết, xây dựng quê hương sau ngày giải phóng. Họ là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(GLO)- Nhiều năm qua, ông Trần Ngọc Dũng (SN 1967, trú tại 85/17 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) đã trở thành người dạy thư pháp cho trẻ mồ côi, bị câm điếc, tự kỷ… để các em tự tin vươn lên trong cuộc sống. Ông rất tâm đắc với câu thơ của Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Thầy Vũ Văn Tùng (hàng sau, thứ 3 từ trái sang, người phụ trách "Tủ bánh mì 0 đồng") phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi của trường. Ảnh: Văn Tùng

Tủ bánh mì 0 đồng trao học bổng “Vì em hiếu học”

(GLO)- Sáng 29-4, thầy Vũ Văn Tùng-người phụ trách "Tủ bánh mì 0 đồng" phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ trao học bổng “Vì em hiếu học” cho học sinh vượt khó học giỏi của trường.

Hòa bình đẹp lắm!: Thế hệ trẻ viết tiếp bản hùng ca dân tộc trong kỷ nguyên mới

Hòa bình đẹp lắm!: Thế hệ trẻ viết tiếp bản hùng ca dân tộc trong kỷ nguyên mới

50 năm đất nước thống nhất, thế hệ trẻ tự hào, biết ơn và hạnh phúc khi được sinh ra trong hòa bình, độc lập. Hòa bình hôm nay thật đẹp! Lớp lớp thế hệ thanh niên VN nguyện gìn giữ và quyết tâm tiếp nối những tượng đài thanh xuân bất tử để dựng xây, phát triển và cùng đất nước vươn mình.

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

(GLO)- “Gia Lai cho chúng em cảm giác thân thuộc như ở quê nhà. Người dân nơi đây luôn yêu thương, giúp đỡ lưu học sinh Lào. Nếu lựa chọn lại, em vẫn sẽ chọn sang đây du học”-Sidavong Sinnakhone-Sinh viên năm thứ 2 thuộc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-vui vẻ nói.

Tuổi trẻ Báo Gia Lai và BIDV ôn lại lịch sử qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

Tuổi trẻ Báo Gia Lai và BIDV ôn lại lịch sử qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

(GLO)- Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 27-4, tại Touch Cinema (TP. Pleiku), Chi đoàn Báo Gia Lai và Đoàn Thanh niên BIDV Gia Lai đã cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.